Khép lại hai bộ phim cung đấu Diên Hi công lược và Hậu cung Như Ý truyện, chắc chắn ai cũng thấy được Lệnh Phi trong lịch sử quả thật là người không hề đơn giản. Tuy một bên là con ruột, một bên là con ghẻ của đạo diễn nhưng suy cho cùng, Lệnh Phi vẫn là người được cho là đứng vững và quyền lực nhất hậu cung của Càn Long Đế.
Không chỉ khán giả mới thấy được năng lực của Lệnh Phi mà ngay cả các nhà sử gia Trung Quốc cũng đã chứng minh được rằng Lệnh Phi “không phải là dạng vừa đâu” trong lịch sử.
Từ cung nữ thấp hèn tới địa vị tôn quý
Lệnh Phi vốn xuất thân từ Ngụy thị thuộc tầng lớp Bao y, là tầng lớp nô bộc phục vụ hoàng thất Mãn Châu. Nữ tử Bao y không được phép tham gia Bát kỳ tuyển tú, không được chỉ định trực tiếp làm Phi tần hay Phúc tấn, Trắc phúc tấn mà phải từ Quan nữ tử thăng lên.
Quan nữ tử hay còn gọi là Cung nữ tử, là danh vị rất thấp, thường dùng để gọi các cung nữ may mắn được Hoàng đế sủng hạnh. Nếu được sủng ái, Quan nữ tử đó có thể được sắc phong các danh phận cao hơn như Đáp ứng. Bên cạnh đó, Quan nữ tử cũng dùng để gọi một số tì thiếp của các Hoàng tử chưa có danh phận. Tuy nhiên, điều này hoàn toàn không xảy ra với Lệnh Phi.
Năm 13 tuổi, Ngụy thị nhập cung làm cung nữ. Tuy nhiên, do gia thế Ngụy thị cũng có máu mặt trong Nội Vụ phủ Bao y, tổ phụ của gia đình bà được nhậm những chức quan quan trọng nên Ngụy thị được chọn làm cung nữ hầu hạ thân cận của Phú Sát Hoàng hậu, được vị Hoàng hậu này đích thân chỉ bảo.
Sau 6 năm nhập cung, Ngụy thị lọt vào mắt xanh của Càn Long Đế và một bước được thăng làm Quý nhân, vượt hẳn 3 cấp. Bởi lẽ, khi cung nữ nếu được Hoàng đế sủng ái ban đầu sẽ được thăng làm Quan nữ tử, trên Quan nữ tử còn có Đáp ứng, Thường tại. Ấy vậy mà Ngụy thị lại nhanh chóng được thăng lên làm Quý nhân, ngồi cùng hàng với một số phi tần con nhà gia thế khác.
Sau khi được sắc phong làm Quý nhân thuộc hàng Chính ngũ phẩm, con đường thăng tiến trong cung của Ngụy thị vô cùng suôn sẻ. Trong cùng năm Ngụy thị đi từ nô tì lên chủ tử, Càn Long đại phong hậu cung, trong đó Ngụy Quý nhân được phong tước vị Tần, thuộc hàng Chính tứ phẩm trong hệ thống hậu cung. Không chỉ vậy, Ngụy thị còn được Càn Long Đế ưu ái phong hiệu “Lệnh”, trở thành Lệnh Tần.
|
Nhân vật Lệnh Phi trong Hậu cung Như Ý truyện và Diên Hi công lược. |
Ba năm sau đó (năm 1748), Lệnh Tần được phong làm Lệnh Phi và năm 1759, bà được phong làm Lệnh Quý Phi. Năm 1765, Kế Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị đột nhiên bị thất sủng, Lệnh Quý Phi được tấn phong làm Hoàng quý phi, thay Hoàng hậu cai quản lục cung.
Năm 1775, Hoàng quý phi Ngụy thị qua đời và được ban thụy hiệu Lệnh Ý Hoàng quý phi. Sau khi con trai của bà là Gia Khánh Hoàng đế lên ngôi, bà được truy phong làm Hiếu Nghi Thuần Hoàng hậu.
Rõ ràng, từ một cung nữ nhỏ bé thấp kém vượt qua các phi tần con nhà gia thế khác để vươn lên làm Hoàng quý phi, cai quản lục cung và được truy phong làm Hoàng hậu thì người phụ nữ đó rõ ràng không thể bình thường được.
Lệnh Phi: Bà mẹ già nhất Thanh triều
Ngụy thị sau khi một bước “hóa thành phượng hoàng”, bà được Càn Long thập phần sủng ái, nhờ đó mà bà liên tiếp mang thai và sinh hạ cho Càn Long Đế 2 công chúa, 4 hoàng tử. Cụ thể, năm 1756, bà sinh hạ Thất công chúa, tức Cố Luân Hòa Tĩnh công chúa. Năm 1757, Lệnh Phi sinh hạ Hoàng thập tứ tử Vĩnh Lộ nhưng vị hoàng tử này đã qua đời khi mới 3 tuổi.
Năm 1758, Lệnh Phi tiếp tục sinh hạ Hoàng cửu nữ, tức Hòa Thạc Hòa Khác công chúa. Năm 1759, bà tiếp tục mang thai nhưng không may bà bị sảy thai không lâu sau đó. Năm 1760, bà sinh hạ Hoàng thập ngũ tử Vĩnh Diễm, sau này là Gia Khánh Hoàng đế.
Năm 1762, bà sinh Hoàng thập lục tử nhưng vị hoàng tử này qua đời lúc 2 tuổi vì bệnh đậu mùa. Năm 1766, Lệnh Phi lúc đó đã là Lệnh Hoàng quý phi (39 tuổi) hạ sinh Hoàng thập thất tử Vĩnh Lân.
Phi tần trong hậu cung để sinh tồn được đã là khó, ấy thế mà Lệnh Phi lại chiếm được trái tim của Càn Long - ông vua nổi tiếng phong lưu - trong ngần ấy năm để liên tiếp sinh con, khai chi tán diệp cho hoàng thất. Thậm chí, đã sắp bước sang tuổi tứ tuần, Lệnh Phi vẫn khiến Càn Long say như điếu đổ mà mang thai thêm lần nữa.
Tuy nhiên, điều đáng nói hơn ở đây là Lệnh Phi vẫn còn sinh con khi bà đã ở tuổi 39, trở thành bà mẹ già nhất Thanh triều. Ngay cả Kế Hoàng hậu Ô Lạt Na Lạp thị bị Càn Long Đế lạnh nhạt suốt 10 năm và mãi cho tới về sau mới được sủng hạnh, sinh con thì bà cũng sinh hạ đứa con cuối cùng của mình vào năm 1756, khi đó là 38 tuổi. Trong khi đó, hầu hết các vị phi tần khác đều sinh con trước 25 tuổi.
“Độ khủng” của vị phi tần này còn được thể hiện qua đám tang của bà. Khi qua đời ở tuổi 49, bà khiến Càn Long tiếc thương vạn phần mà để tang, ngừng thiết triều 5 ngày. Hơn nữa, lượng văn vật bồi táng của bà còn được thêm 18 kiện so với thông thường và chỉ kém 1 kiện so với Hoàng hậu.
Bên cạnh đó, Lệnh Ý hoàng quý phi cũng là người thứ 5 và là người cuối cùng được hợp táng cùng với Càn Long tại địa cung. Thi thể của bà sau 153 năm chôn cất vẫn còn nguyên vẹn, không bị thối rữa. Điều này cho đến nay vẫn khiến các nhà khoa học đau đầu và chưa có lời giải đáp.
Tuy các nhà sử gia đến nay vẫn không thể chắc chắn được Càn Long Đế liệu có yêu thương Lệnh Phi thật lòng hay không, nhưng rõ ràng với những “bằng chứng thép” trên, dù Càn Long có yêu hay không yêu thì Lệnh Phi cũng là một vị phi tần đáng gờm, không phải dạng vừa trong chốn hậu cung tàn khốc.
Theo Phương An/Saostar