Chỉ trong vòng 5 ngày đêm, các phi công MiG 17 đã chuyển loại máy bay, làm chủ được tính năng, kỹ thuật và dùng chính loại máy bay A37 của Mỹ thu được, thực hiện trận đánh tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Trận đánh dùng máy bay A37 tấn công sân bay Tân Sơn Nhất chiều 28/4/1975 trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử nhiều người biết, nhưng câu chuyện về công tác chuẩn bị và tiến hành trận đánh không hẳn ai cũng hay…
Trân trọng giới thiệu câu chuyện mà cựu phi công chiến đấu Trần Hồng Sơn chia sẻ:
Phi đội Quyết Thắng hoàn thành nhiệm vụ đánh bom sân bay Tân Sơn Nhất, về hạ cánh an toàn tại sân bay Phan Rang. Ảnh tư liệu
Dùng máy bay địch đánh địch
Ngày 19/4/1975, Bộ Tổng Tư lệnh và Tư lệnh chiến dịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân Lê Văn Tri sẵn sàng lực lượng không quân tham gia chiến dịch theo phương án dùng máy bay cường kích A37 thu hồi của địch để đánh địch.
Về lực lượng phi công, Bộ Tư lệnh Không quân quyết định chọn các phi công MiG 17 để chuyển loại sang bay A37 trong thời gian ngắn nhất có thể. Phó Sư đoàn trưởng Không quân 371, Anh hùng phi công Nguyễn Hồng Nhị cùng Sở chỉ huy tiền phương đã chọn các phi công MiG 17 ưu tú ở Đại đội 4, Trung đoàn Không quân Yên Thế (Trung đoàn 923) để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này. Đó là các phi công có nhiều thành tích và kinh nghiệm trong chiến đấu như Nguyễn Văn Lục, Từ Đễ, Hán Văn Quảng, Hoàng Mai Vượng…
Nhiệm vụ chủ trì công tác kỹ thuật, phục hồi và đưa vào sử dụng máy bay A37 được giao cho Thiếu tá Hồ Thanh Minh – cán bộ thuộc Cục Kỹ thuật Quân chủng. Đại tá, phi công Nguyễn Văn Thọ nhớ lại: “Thời điểm đó, tôi đang bay kèm các phi công MiG 21 mới ở sân bay Thọ Xuân thì nghe cán bộ sư đoàn thông báo chuẩn bị quân trang, đi chuyển loại máy bay thu được của Mỹ tại sân bay Đà Nẵng”.
Ngay hôm sau, anh lên đường vào Đà Nẵng. Sân bay khi ấy còn vương khói súng, cuối đường băng có một chiếc A37 số 778 xẹp lốp vẫn còn mang bom; 1 chiếc A37 khác số 980 đầu máy bay đang hướng ra đường cất cánh.
Niềm tin người chỉ huy
Đồng chí Trần Mạnh trực tiếp giao nhiệm vụ cho anh Nguyễn Văn Thọ: “Bắt đầu từ ngày mai huấn luyện cho anh em phi công MiG 17 chuyển loại sang bay A37. Thời gian rất gấp, chỉ cho phép học chuyển loại trong vòng 5 ngày”.
Anh Thọ ngỡ ngàng: “Khi tôi chuyển loại bay MiG 17 phải mất 12 tháng, chuyển sang bay MiG21 nhanh lắm cũng mất 30 ngày. Còn giờ chuyển loại A37 chỉ có 5 ngày, sao tôi làm được”.
Tham mưu phó Trần Mạnh cười rồi nói: “Đồng chí cứ làm đi, tôi tin là đồng chí và các phi công của ta sẽ làm được”.
Đầu giờ chiều hôm đó, Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri xuống gặp anh Thọ, đứng bên cạnh ông có hai người dáng vẻ gầy gò. Tư lệnh chỉ vào hai người và nói: “Đây là hai phi công hàng binh là Nguyễn Văn Sanh và Trần Văn On, đều là phi công giỏi loại máy bay A37. Tôi giao cho anh để hỗ trợ công việc huấn luyện chuyển loại”.
Đại tá Nguyễn Văn Lục và Hán Văn Quảng kể: “Chuyện học lý thuyết của các phi công tưởng là không quá phức tạp, nhưng bắt đầu mới thấy nhiều thứ gay cấn. Chúng tôi tranh thủ mọi thời gian, kể cả lúc ăn cơm, lúc đi ngủ vẫn truy bài nhau”…
Vào lúc 8h sáng ngày 26/4/1975 có điện từ cơ quan Bộ Tổng tham mưu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao nhiệm vụ cho Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri: “Nhanh chóng sử dụng máy bay thu được của địch tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh và xác định đánh vào chiều 28/4 và chỉ ngày đó mà thôi!”.
Vẹn nguyên trở về
Ngày 27/4, Tư lệnh Quân chủng Lê Văn Tri, Tư lệnh Binh chủng Không quân Trần Hanh, Phó sư đoàn trưởng Nguyễn Hồng Nhị đã quyết định sử dụng 5 máy bay A37 tham gia trận đánh. Tư lệnh Lê Văn Tri đặt tên cho phi đội dùng A37 tấn công sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4 là “Phi đội Quyết Thắng”…
Một trong 5 chiếc máy bay A37 ném bom vào sân bay Tân Sơn Nhất ngày 28/4/1975, được trưng bày tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh (Bảo tàng Quân khu 7). Ảnh: TTXVN
18h15 phút ngày 28/4, cả 5 máy bay của phi đội lần lượt hạ cánh an toàn, kết thúc thắng lợi trận đánh lịch sử, có một không hai của Không quân nhân dân Việt Nam. Khi toàn phi đội vừa hạ cánh, Tư lệnh Lê Văn Tri vội vàng chạy từ Đài chỉ huy xuống khu vực sân đỗ, ôm hôn từng phi công, quá vui mừng xúc động, những giọt nước mắt lăn trên má ông. Mọi người reo mừng chào đón Phi đội Quyết Thắng.
Là những phi công chiến đấu, chúng tôi vui mừng và khâm phục các phi công của Phi đội Quyết Thắng. Vì trước đây, ít thấy cả một phi đội xuất kích chiến đấu thắng lợi trở về đủ cả 5 máy bay và phi công nguyên vẹn an toàn. Thật sự là quyết thắng…
Trận đánh đã phá hủy 24 máy bay quân sự của địch, góp phần cùng quân dân ta thống nhất đất nước, ghi thêm một trang sử vàng một trang sử vàng trong truyền thống anh hùng của Không quân Việt Nam.
Theo Thái An/Vietnamnet