Nhà Lê sơ với công cuộc chống nạn "sâu dân mọt nước"
Quan niệm của giới Nho học, người làm quan phải hội tụ đủ ba điều, Minh tâm bửu giám ghi: "Cái chính phép kẻ đương làm quan thì là ba điều sau nầy: Một là thanh liêm (trong sạch, không hà lạm của…), hai là cẩn thận (là giữ phép cho nhặt), ba là siêng năng (việc bổn phận mình). Kẻ biết đặng ba điều ấy thì mới biết cái phép giữ mình cho được ra mà trị người".
Phẩm chất được đặt lên hàng đầu của kẻ làm quan chính là đức thanh liêm, kiệm ước để khi làm kẻ chăm dân giữ được sự công bằng. Bởi thế với những cá nhân tiêu biểu nói không với hối lộ, tham nhũng, triều đình đã thực hiện chính sách nêu gương sáng và khen thưởng, thăng chức để khuyến khích sự ngay thẳng trước sau như một của họ.
Biện pháp trên các vua Trần đã thực hiện đối với nhiều quan lại liêm khiết. Thời vua Trần Minh Tông (1314 - 1329), có quan Trần Thì Kiến khi làm An phủ sứ Thiên Trường, từng móc họng trả lại cỗ cho người biếu mâm cỗ vì có ý nhờ vả ông.
Ghi nhận sự liêm khiết đó, vua cho làm Kiểm pháp quan và Đại An phủ Kinh sư, lại thăng lên làm Nhập nội hành khiển gián nghị đại phu. Đồng thời, theo Đại Nam dư địa chí ước biên, vua ban cho cái hốt khắc bài minh khen sự cương trực của ông cao như núi Thái Sơn, vững như hốt ngà làm từ sừng trãi.
Đại Nam nhất thống chí thông tin "Lưỡng quốc trạng nguyên" Mạc Đĩnh Chi là người liêm khiết, sống thanh đạm bần hàn, không tơ hào của cải. Ông được vua Minh Tông quý trọng, sai người đem 10 quan tiền bỏ vào nhà cho ông, đến đời vua Trần Hiến Tông (1329 - 1341) được cất nhắc làm Nhập nội hành khiển ty lang trung rồi thăng Tả ty lang trung.
Năm Giáp Dần (1434), vua Lê Thái Tông bắt và xét hỏi tham quan ô lại ở các địa phương gồm 53 người, trong đó có nhiều người đứng đầu như Tuyên úy, Tổng quản, Tuần sát của các lộ, trấn, huyện. Vua cũng lệnh ban thưởng cho các quan có tài và liêm khiết với quy định cụ thể là hạng nhất được thưởng tước 1 tư và 5 quan tiền, hạng nhì được thưởng 1 tư.
Để biết được quan lại liêm khiết hay tham ô, siêng năng hay lười biếng, vua đã dùng biện pháp được Đại Việt sử ký toàn thư cho hay là "sai người đi hỏi ngầm khắp nước". Năm Nhâm Thìn (1472), vua Lê Thánh Tông "ra sắc chỉ rằng những điển lại nào thanh liêm, cần mẫn thì được thăng bổ chức phó nhị".
Đầu thời Lê sơ có trường hợp Đô đốc Lê Lựu thời vua Lê Nhân Tông không tham của, từ chối tiền bổng được cấp vì cảm thấy không có công trạng gì nhưng Việt sử cương mục tiết yếu cũng ghi lại là vua cho phép mà không thấy bất kỳ hành động biểu dương nào cho tinh thần đáng quý ấy.
Lê Lăng là người đã cùng với Lê Liệt, Nguyễn Xí có công diệt loạn Lê Nghi Dân và phò giúp Lê Tư Thành lên ngôi vua, tức Lê Thánh Tông. Ghi nhận công lao, ông được vua phong từ Nhập nội kiểm hiệu bình chương quân quốc trọng sự Á thượng hầu lên làm Thái bảo, là đại thần trong triều.
Tham gia triều chính, Lê Lăng giữ được sự thanh liêm của một quan trọng chức, nên vua Lê Thánh Tông "sai Chánh chưởng Nguyễn Lỗi đem bạc vàng đến thưởng cho Lê Lăng và dụ rằng: "Ngươi nên thận trọng từ đầu đến cuối, phải thanh liêm công bằng". Đến năm Nhâm Ngọ (1462), khi Lê Lăng đã là Thái úy, không nhớ những biệt đãi của triều đình mà lại ngầm mưu phản, vua xử tội chết.
Đối với những quan lại có sự thanh khiết trong cả đời làm quan, vua Lê đặc biệt có chính sách tưởng thưởng xứng đáng với phẩm chất họ có. Tiêu biểu trong thời trị vì của vua Lê Thánh Tông có tấm gương liêm khiết được người đương thời và hậu thế biết đến là tiến sĩ Vũ Tụ (1476 - ?).
Trong Nam quốc vĩ nhân truyện, nhân cách của Vũ Tụ được nhận xét là "Tính ông ngay thẳng, thanh liêm, không bao giờ ông ăn tiền của ai". Còn vua Tự Đức viết bộ Ngự chế Việt sử tổng vịnh, đã trân trọng đặt ông vào mục Văn thần và có thơ ca ngợi:
"Vàng lụa ban đêm cũng khước từ,
Trắng trong như nước khác lòng vua.
Nhà tuy không của vui vừa thích,
Liêm tiết đeo đai chẳng lạ ư?"
Ông được biết đến là một vị quan thanh liêm, có cuộc sống bần hàn. Giữa lúc nhiều đồng liêu ăn hối lộ, thì gia cảnh của Vũ Tụ được biết đến là "trong nhà gạo không có để trữ một gánh một hộc mà vui vẻ tự nhiên. Nếp nhà thanh bạch, người thời bấy giờ rất kính mộ ông" (Lịch triều hiến chương loại chí).
Vua Lê Thánh Tông từng sai người đưa lụa biếu các quan để thử lòng họ. Đa phần các quan khác đều nhận làm của riêng, chỉ có mình ông dù được nài nỉ bao nhiêu lần vẫn cự tuyệt với câu nói nổi tiếng được Hải Dương phong vật chí chép lại, cho tiết tháo trong sạch không tì vết: "Người đời đều đục cả thì một mình ta cứ trong, há vì lời nói khéo của anh mà ta lại thay đổi tiết tháo hay sao?".
Theo Trần Đình Ba/Zing