Trong hàng trăm năm qua, các nhà triết học, nhà khoa học và nhà huyền môn đã nghiên cứu các tác phẩm bí ẩn của nhà tiên tri vĩ đại người Pháp Nostradamus (1503-1566) qua những khổ thơ bốn câu nổi tiếng để tìm manh mối về tương lai của chúng ta.
Được sắp xếp theo thứ tự thời gian từng năm của các sự kiện, các dự đoán của Nostradamus trải rộng khắp các lĩnh vực từ khoa học và công nghệ, đến những thay đổi mạnh mẽ về khí hậu, bùng nổ dân số, biến động chính trị và các cột mốc xã hội và văn hóa của nhân loại.
Đối với tất cả những ai muốn biết số phận được báo trước của thế giới chúng ta trong một năm nữa (dẫu rằng những dự báo này có thể đúng, có thể sai) thì sau đây là những lời tiên tri mà Nostradamus viết ra, được các nhà khoa học luận ra từ tứ thơ của ông.
Nostradamus tên thật là Michel de Nostredame, ông sinh ra ở Saint-Rémy-de-Provence, miền nam nước Pháp năm 1503 trong một gia đình gốc Do Thái.
Năm 15 tuổi, Nostradamus đã thích đi đây đi đó khắp các vùng nông thôn của Pháp để bào chế thuốc thủ công. Mặc dù đây là hành động bị coi là phạm pháp vào thời đó nhưng ông vẫn quyết tâm thực hiện một cách âm thầm để rồi bào chế thành công loại thuốc chữa được bệnh dịch hạch. Tài năng của ông mãi sau này khi gần cuối đời mới được nhìn nhận khi Vua Charles IX phong cho Nostradamus chức Ngự y năm 1560.
Năm 1555, cuốn sách "Những lời tiên tri" (Les Propheties) chứa đựng những áng thơ tứ tuyệt, dự đoán về tương lai được xuất bản lần đầu tiên tại Pháp. Những lời tiên tri của ông nổi tiếng với những gam màu u ám, không tươi sáng.
Điều đáng nói, nhiều lời tiên tri trong số đó đã trở thành sự thật, chẳng hạn như cái chết của Vua Henry II (Anh); sự tiếp quản của Hoàng đế Pháp Napoléon Bonaparte; sự trỗi dậy của Adolf Hitler (Đức), các cuộc Thế chiến thế kỷ 20 hay thậm chí là sự sụp đổ của chế độ quân chủ Pháp năm 1789.
Vậy năm 2025 sắp đến, Nostradamus đã có những dự đoán gì?
Thứ nhất: Thiên tai hoành hành khắp nơi
Tạm bỏ qua những xung đột chính trị khi Nostradamus dự đoán về một cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 3, năm 2025 nổi bật lên vấn đề nhức nhối mà toàn nhân loại vẫn đang phải đối mặt: Biến đổi khí hậu.
Theo Nostradamus, hiện tượng nóng lên toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến hành tinh của chúng ta. Kết quả, bão lũ xảy ra triền miên, thiên tai hoành hành khiến nhiều sinh mạng, tài sản bị cuốn theo những cơn gào thét của tự nhiên.
Giới chuyên gia, nhà khoa học hiện đại phân tích vấn đề này như thế nào?
Một bài viết đăng vào tháng 8/2024 của Trung tâm Tiến bộ Hoa Kỳ (CAP) cho biết, ngày 22/7/2024, hơn 8 tỷ người trên toàn cầu đã trải qua ngày nóng nhất trong lịch sử từng được ghi nhận.
Biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu (phần lớn nguyên nhân đến từ việc chúng ta đốt nhiên liệu hóa thạch) không chỉ làm gia tăng tần suất các cơn bão mạnh, khiến cho thiên tai hoành hành không trừ một ai - mà còn làm sâu sắc thêm các căng thẳng chính trị, gây mất an ninh lương thực khiến xung đột, nghèo đói, bệnh tật diễn ra khắp mọi ngóc ngách trên Trái đất.
Trong bài phát biểu "The Climate Promise 2025" (Chương trình cam kết về khí hậu năm 2025 thuộc UNDP) của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc António Guterres có đoạn: Climate Promise là câu trả lời của Liên Hợp Quốc cho lời kêu gọi đến từ các quốc gia đang phải đối mặt với biến đổi khí hậu. Thế giới cần chung tay hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong dài hạn ở mức 1,5°C. Loài người thải ra hơn 40 gigaton CO2 mỗi năm. Với tốc độ này, giới hạn 1,5°C sẽ bị phá vỡ.
Vì thế, cho đến năm 2030, nhân loại phải giảm 43% lượng khí thải nhà kính toàn cầu so với năm 2019; đồng thời, chúng ta phải giảm 30% lượng điện được tạo ra từ nhiên liệu hóa thạch so với 60% hiện này.
Đến cuối thập kỷ này, nhân loại phải kìm hãm nạn phá rừng và tăng gấp 3 lần công suất năng lượng tái tạo.
Tất cả các lĩnh vực phát thải chính: Năng lượng, nông nghiệp, sử dụng đất, công nghiệp và chất thải phải tuyệt đối tuân thủ. Không có chỗ cho kẽ hở hay cho việc tẩy xanh hay bất kỳ biện pháp nửa vời nào làm ngăn trở mục tiêu kìm hãm nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5°C.
Thứ hai: Cuộc suy thoái lớn về kinh tế sẽ diễn ra
Biến đổi khí hậu, nóng lên toàn cầu kéo theo những hệ lụy rất rõ ràng về con người, xã hội. Trong đó có vấn đề kinh tế. Theo tiên tri của Nostradamus, một cuộc suy thoái kinh tế lớn trên quy mô toàn cầu sẽ diễn ra năm 2025. Hệ quả, có nguy cơ gây ra nhiều tình trạng thiếu hụt, đặc biệt là thực phẩm.
Giới chuyên gia, nhà khoa học hiện đại phân tích vấn đề này như thế nào?
Dựa trên những diễn biến kinh tế gần đây, JP Morgan Research (Mỹ)đã nâng khả năng suy thoái ở Hoa Kỳ và toàn cầu bắt đầu trước cuối năm 2024 lên 35%. Nhìn về phía trước, khả năng xảy ra suy thoái kinh thế vào cuối năm 2025 vẫn không đổi ở mức 45%.
Về nguyên nhân của suy thoái kinh tế, JP Morgan Research cho biết do thị trường lao động yếu hơn dự kiến và tăng trưởng kinh tế chậm lại đã làm tăng khả năng suy thoái vào cuối năm 2024 - 2025.
Suy thoái kinh tế dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng lương thực trên quy mô toàn cầu.
Năm 2023, 282 triệu người ở 59 quốc gia/vùng lãnh thổ đã trải qua tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, đòi hỏi phải hỗ trợ khẩn cấp về lương thực và sinh kế, số liệu từ Báo cáo toàn cầu về Khủng hoảng lương thực 2024 của Mạng lưới toàn cầu Chống khủng hoảng lương thực (GNAFC).
Trong bài viết "Cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu trong thời đại thảm họa" đăng tải tháng 6/2024 của Nhóm chuyên gia quốc tế về Hệ thống thực phẩm bền vững (IPES Food) có đoạn: Hệ thống thực phẩm hiện đại không được xây dựng để chống chọi với thời đại khủng hoảng đa cực đang hiện hữu ngày nay của nhân loại.
Một loạt các sự kiện - bất ổn kinh tế, đại dịch Covid-19 toàn cầu, sự gia tăng của tình trạng khẩn cấp về khí hậu và xung đột địa chính trị - đã kích hoạt và thúc đẩy cuộc khủng hoảng lương thực kể từ năm 2019.
Về kinh tế: Suy thoái kinh tế toàn cầu bắt đầu từ nửa đầu năm 2020 đã khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng và những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất đột nhiên không thể mua hay tiếp cận đủ thực phẩm. Ngay cả khi hoạt động kinh tế bắt đầu phục hồi vào cuối năm 2020 đến đầu năm 2021, tình trạng gián đoạn liên tục đối với chuỗi cung ứng toàn cầu đã dẫn đến áp lực lạm phát lớn khiến giá thực phẩm tăng mạnh.
Giữa năm 2022, lạm phát giá thực phẩm tăng vọt trên 20% ở một số khu vực của châu Phi, châu Á, Mỹ Latin và châu Âu, góp phần gây ra cuộc khủng hoảng "chi phí sinh hoạt" và các dư chấn chính trị khác.
Vào năm 2023, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) ước tính rằng có khoảng 20 - 30 triệu người trên toàn cầu phải đối mặt với nạn đói do hậu quả của bất ổn chính trị ở Ukraine.
Về khủng hoảng khí hậu: Được đánh giá là mối đe dọa hiện hữu nhất đối với sản xuất lương thực và đa dạng sinh học. Hãy lấy Ấn Độ làm ví dụ.
Vào năm 2022, quốc gia này đã trải qua một đợt nắng nóng chưa từng có khiến sản lượng lúa mì giảm tới 25%. Tình trạng thiếu hụt này đã thúc đẩy chính phủ ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì. Một năm sau, sau khi những trận mưa gió mùa lớn tàn phá mùa màng lúa gạo, Ấn Độ một lần nữa cấm xuất khẩu, lần này là gạo non-basmati. Đó mới chỉ là Ấn Độ.
Thời tiết khắc nghiệt đang ảnh hưởng đến sản xuất lương thực tại các vùng sản xuất ngũ cốc bao gồm Bắc Mỹ, Úc và Đông Nam Á. Những xáo trộn liên quan đến khí hậu này trên thị trường lương thực toàn cầu có khả năng sẽ trở nên tồi tệ hơn.
Có thể thấy, những tiên tri của Nostradamus cho năm 2025 làm nổi bật lên 2 vấn đề toàn cầu đang rất cấp thiết đối với thế giới: Biến đổi khí hậu & Suy thoái kinh tế.
Dưới phân tích của các chuyên gia chuyên ngành, hai vấn đề này đang hiện hữu và có thể có khả năng khiến hàng tỷ người trên toàn cầu phải đối mặt riêng trong năm 2025. Hy vọng rằng, cùng với những chính sách chỉ đạo quyết liệt từ các chính phủ, năm 2025 sẽ là năm "dễ thở" hơn đối với chúng ta.
Theo SHTT