Mới đây, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tổ chức Hội nghị toàn quốc quán triệt một số nội dung quan trọng, trong đó có việc triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Tại Hội nghị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng đã nêu lên phương án nghiên cứu, đề xuất sáp nhập, kết thúc hoạt động của một số bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ. Theo phương án nghiên cứu, đề xuất này, tối thiểu sẽ giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.
Không chỉ Việt Nam, các quốc gia trên thế giới cũng từng tiến hành phương án tinh gọn tổ chức bộ máy, tạo ra sự thay đổi về chất trong hoạt động của hệ thống chính trị. Nhằm đa chiều thông tin, Khoa học và Đời sống/Báo Tri thức & Cuộc sống giới thiệu “công tác đại phẫu” tổ chức bộ máy và kinh nghiệm thành công của các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore và Hàn Quốc.
|
Trung Quốc đã qua nhiều đợt cải cách hành chính. Ảnh: Cổng TTĐT TP Trung Sơn - Trung Quốc. |
Trung Quốc
Kể từ khi thực hiện cải cách mở cửa từ năm 1978 cho đến nay, Trung Quốc đã qua nhiều đợt cải cách hành chính 5 năm, trong đó nhiều đợt cải cách tập trung vào mục tiêu tinh gọn bộ máy hành chính. Vào năm 1982, các cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc giảm từ 100 cơ quan xuống còn 61 cơ quan, các Bộ giảm từ 52 xuống còn 43 bộ, cắt giảm 1/3 biên chế cán bộ, nhân viên của các cơ quan thuộc Quốc vụ viện.
Năm 1988, số cơ quan trực thuộc Quốc vụ viện tiếp tục giảm từ 72 cơ quan xuống còn 68 cơ quan, các bộ giảm từ 45 xuống 41 Bộ, biên chế giảm hơn 9.700 người. Năm 1993, số bộ giảm còn 40 bộ, số cơ quan ngang bộ từ 70 giảm xuống còn 59 cơ quan, biên chế các cơ quan Quốc vụ viện giảm 20%.
Năm 1998, thực hiện chủ trương xác định lại chức năng của chính quyền, hạn chế sự can thiệp của cơ quan Nhà nước đối với hoạt động của thị trường, doanh nghiệp, Trung Quốc thúc đẩy mạnh mẽ việc cải cách cơ cấu Quốc vụ viện, các cơ quan ngang bộ giảm từ 59 cơ quan xuống còn 53, các bộ giảm từ 40 xuống còn 23. Quốc vụ viện giảm được 50% nhân viên, cả nước giảm được 1.150.000 người.
Năm 2013, Trung Quốc tiếp tục thực hiện lồng ghép các cơ quan có chức năng trùng lặp, chồng chéo. Nhờ vậy, Quốc vụ viện tiếp tục giảm còn 25 cơ quan.
Từ Đại hội XIX (2017) đến nay, Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh thực hiện cải cách thể chế chính trị một cách toàn diện, đã cắt giảm 15 Bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Quốc vụ viện. Hiện nay, ngoài Văn phòng Quốc vụ viện, Trung Quốc có 26 bộ và cơ quan ngang bộ. Các cấp hành chính trung gian cũng được cắt giảm để đẩy nhanh quá trình ra quyết định và thực thi chính sách.
Để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền, chiến dịch "Thủ tục giảm tối đa, phục vụ tối ưu" đã được Chính phủ Trung Quốc thực hiện nhằm cắt giảm giấy tờ và quy trình không cần thiết, loại bỏ các bước phức tạp trong quy trình hành chính. Các trung tâm dịch vụ hành chính được thiết lập để cung cấp dịch vụ liên quan đến nhiều lĩnh vực tại một địa điểm, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
|
Trụ sở Cơ quan Quốc gia về Xây dựng Thành phố Hành chính của Hàn Quốc. Ảnh: Minseong Kim. |
Nhật Bản
Nhật Bản là một trong những quốc gia điển hình trong việc thực hiện tinh gọn bộ máy hành chính để nâng cao hiệu quả hoạt động của chính phủ. Quốc gia này đã thực hiện các chính sách tái cơ cấu hành chính từ những năm 1990 nhằm giảm bớt quy mô và tăng hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền. Các cơ quan có chức năng chồng chéo đã được hợp nhất để giảm số lượng.
Từ năm 2001, số bộ ngành Trung ương giảm từ 22 xuống còn 12. Trong quá trình này, số lượng nhân viên công vụ được giảm dần qua việc không thay thế hoàn toàn các vị trí nghỉ hưu và cải tiến quy trình làm việc.
Việc phân cấp từ Chính phủ Trung ương xuống các địa phương đã được Nhật Bản thực hiện mạnh mẽ. Quyền tự chủ cho địa phương được tăng lên khi các tỉnh và thành phố có quyền quản lý ngân sách và thực hiện các chính sách phù hợp với nhu cầu địa phương. Điều này giảm áp lực cho Trung ương và tăng cường tính linh hoạt. Nhiều cơ quan trung gian không cần thiết được loại bỏ, trao quyền trực tiếp cho địa phương thực hiện.
Để tăng cường hiệu quả vận hành, Chính phủ Nhật Bản đã tập trung loại bỏ các bước trung gian không cần thiết trong các thủ tục hành chính và hệ thống hóa các chức năng hành chính qua việc áp dụng các tiêu chuẩn rõ ràng và thống nhất cho tất cả các cơ quan.
Song song với tái cơ cấu hành chính, Nhật Bản đã tập trung phát triển Chính phủ điện tử nhằm hiện đại hóa và tinh gọn quy trình hành chính. Ứng dụng công nghệ thông tin được đẩy mạnh với việc triển khai các nền tảng số hóa để cung cấp dịch vụ công trực tuyến như khai thuế, đăng ký kinh doanh và các dịch vụ xã hội. Thủ tục giấy tờ được cắt giảm nhờ tăng cường sử dụng chữ ký điện tử và hệ thống dữ liệu chung giữa các cơ quan, giúp giảm thiểu thời gian và chi phí xử lý hồ sơ.
Singapore
Singapore là một quốc gia được biết đến với bộ máy hành chính hiệu quả, gọn nhẹ và tập trung vào việc phục vụ công dân. Chính phủ Singapore chủ trương duy trì một số lượng hạn chế các bộ, ngành. Các cơ quan này có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ để tránh sự trùng lặp trong chức năng và nhiệm vụ. Bộ máy công chức được tinh giản, chỉ giữ lại những vị trí thực sự cần thiết và ưu tiên tuyển dụng nhân sự chất lượng cao.
Các quy trình hành chính ở Singapore được đơn giản hóa một cách tối đa. Các thủ tục không cần thiết được cắt giảm nhờ việc thường xuyên rà soát và loại bỏ các bước trung gian, giúp công việc được xử lý nhanh chóng. Các quy trình được chuẩn hóa và áp dụng trên toàn hệ thống hành chính, tạo sự đồng nhất và giảm thiểu nhầm lẫn.
Mỗi cơ quan và từng cá nhân làm việc trong bộ máy công quyền ở Singapore đều được đánh giá hiệu quả dựa trên Các chỉ số hiệu suất chính (KPIs), đảm bảo trách nhiệm giải trình và chất lượng công việc. Các cơ quan và cá nhân được khuyến khích đề xuất sáng kiến cải tiến quy trình hành chính.
Một số dịch vụ công ở Singapore được chuyển giao cho các tổ chức bán công hoặc tư nhân, trong khi Chính phủ giữ vai trò giám sát và điều phối. Chính phủ cũng hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân để phát triển các giải pháp công nghệ hỗ trợ cải cách hành chính.
Việc xây dựng mô hình Chính phủ thông minh cũng được Singapore đẩy mạnh. Toàn bộ quy trình hành chính ở Singapore được số hóa, từ cấp giấy phép kinh doanh, thanh toán thuế đến các dịch vụ xã hội. Hệ thống MyInfo tích hợp dữ liệu cá nhân để giảm thiểu việc nhập liệu lặp lại trong các thủ tục. Người dân Singapore có thể truy cập hầu hết các dịch vụ công qua một cổng duy nhất, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Hàn Quốc
Hàn Quốc là một trong những quốc gia thành công trong việc cải cách và tinh gọn bộ máy hành chính, đặc biệt là nhờ ứng dụng công nghệ hiện đại và cải tiến quy trình quản lý. Quốc gia này đã xây dựng một trong những hệ thống Chính phủ điện tử tiên tiến nhất thế giới với cổng dịch vụ điện tử Government 24, cho phép người dân truy cập hơn 5.000 dịch vụ công trực tuyến, từ đăng ký hộ tịch, nộp thuế, đến xin cấp phép kinh doanh.
Việc số hóa dữ liệu công dân ở Hàn Quốc giúp các cơ quan hành chính sử dụng dữ liệu tập trung, giảm thiểu yêu cầu cung cấp giấy tờ từ người dân trong các thủ tục. Hệ thống quản lý tài liệu điện tử loại bỏ gần như hoàn toàn việc sử dụng giấy tờ trong quản lý hành chính, giúp tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Đặc biệt, hệ thống xử lý hồ sơ tự động bằng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) đã được triển khai để giảm thiểu thời gian xử lý và nâng cao độ chính xác.
Việc cải tiến quy trình hành chính được Hàn Quốc chú trọng vào để giảm bớt sự phức tạp của các thủ tục. Chính phủ thường xuyên rà soát và loại bỏ các quy định không phù hợp, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Mô hình dịch vụ một cửa được triển khai rộng rãi, giúp xử lý nhanh các thủ tục liên quan đến giấy phép, thuế, và dịch vụ xã hội tại một địa điểm hoặc cổng thông tin trực tuyến duy nhất.
Trên phương diện tái cấu trúc bộ máy hành chính, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện việc hợp nhất các bộ, ngành có chức năng tương tự để tăng cường hiệu quả và giảm sự chồng chéo, trao quyền nhiều hơn cho các chính quyền địa phương, cho phép họ tự quản lý ngân sách và dịch vụ công phù hợp với nhu cầu cụ thể của từng khu vực.