Từ bao đời nay, các triều đại thịnh rồi suy, thăng rồi lại trầm, mới thay thế cũ đã trở thành một chân lý không thể thay thế. Chúng ta có thể lấy ví dụ như triều đại nhà Đường, nhà Hán, nhà Tấn, nhà Tống, nhà Minh hay nhà Thanh của Trung Quốc đều có những triều đại cực kỳ hùng mạnh, nhưng cũng có suy vong. Đáng tiếc, cuối cùng, các triều đại này đều không thể thoát khỏi số phận diệt vong nhưng thời gian tồn tại lại có điểm khác biệt.
|
Xung quanh Chu Nguyên Chương có nhiều đại thần tài trí giúp sức. (Ảnh: Sohu) |
Vì thế, khi mới lên nắm quyền, các vị vua đều mong muốn triều đình của mình trường tồn mãi mãi. Mỗi vị hoàng đế đều sẽ tìm những người có tài có đức để giúp mình quản lý quốc gia cho tốt. Đây cũng là suy nghĩ của hoàng đế sáng lập ra triều đại nhà Minh – Chu Nguyên Chương.
Xung quanh Chu Nguyên Chương có rất nhiều người tài giỏi, Lưu Bá Ôn là một trong số đó. Lưu Bá Ôn không chỉ là đại thần khai quốc mà ông còn là người giúp Chu Nguyên Chương bày mưu tính kế trong rất nhiều công việc quản lý đất nước hay đánh bại kẻ địch. Lưu Bá Ôn có lai lịch thế nào? Khả năng của ông ra sao mà Chu Nguyên Chương lại coi trọng như vậy?
"Thần cơ diệu toán" Lưu Bá Ôn
Lưu Bá Ôn (1311 – 1375) tên thật là Lưu Cơ, lấy tự là Bá Ôn. Ông được người đời biết đến với vai trò công thần khai quốc nhà Minh. Có thể nói thành tự đế nghiệp của Chu Nguyên Chương không thể tách rời Lưu Bá Ôn.
Dân gian có câu: "Tam phân thiên hạ Gia Cát Lượng, nhất thống giang sơn Lưu Bá Ôn", để ca gọi công lao to lớn của Lưu Bá Ôn trong việc giúp Chu Nguyên Chương thống nhất giang sơn, tạo dựng lên Minh triều. Trong nhiều tác phẩm dã sử, Lưu Bá Ôn là một vị quân sư xuất chúng có khả năng tiên tri thần sầu. Thậm chí, nhiều người còn coi Lưu Bá Ôn như vị thần tái thế, mang sức mạnh siêu nhiên hô mưa gọi gió, nắm rõ lịch sử 500 năm trước và tiên lượng 500 năm sau. Hậu thế vẫn gọi ông bằng cái tên "Thần cơ diệu toán".
Quả thực, dưới sự trợ giúp của Lưu Bá Ôn, Chu Nguyên Chương đã nhiều lần biết nguy thành an. Ví dụ như trong trận chiến ở Tập Khánh (nay là thành phố Nam Kinh, Trung Quốc), ông đã bày mưu giúp Chu Nguyên Chương đánh tan kẻ thù. Ở thời điểm đó, nghĩa quân của Chu Nguyên Chương bị 2 bên địch kìm kẹp. Một bên là Trần Hữu Lượng đang chiếm cứ vùng Hồ Quảng, vùng đất thượng du sông Trường Giang. Phe còn lại là Trương Sĩ Thành, đang xưng bá tại vùng châu thổ Tô Châu, Hàng Châu phì nhiêu giàu có.
Chu Nguyên Chương rơi vào thế bí bèn tìm tới Lưu Bá Ôn. Quân sư họ Lưu đáp rằng: "Trương Sĩ Thành là người thụ động, chỉ bo bo giữ lấy lãnh địa của mình nên sẽ không phạm đến chúng ta. Hắn không đáng để bận tâm.
Còn Trần Hữu Lượng, hắn là kẻ hiếu thắng và nông nổi. Trước tiên, chúng ta nên xử lý Trần Hữu Lượng. Khi họ Trần diệt vong, quân đội của Trương Sĩ Thành sẽ trở cô độc và yếu thể. Như vậy mới có thể giải quyết cả hai mối bận tâm này cùng một lúc." Chu Nguyên Chương nghe theo lời khuyên của Lưu Cơ, tập kích quân Trần Hữu Lượng. Quả nhiên đối phương bị hạ nhanh chóng.
Trong cuốn "Nhân vật lịch sử vĩ đại" được lưu giữ tại Thư viện Chiết Giang có thuật lại một lần Lưu Bá Ôn dùng tài tiên đoán của mình để cứu mạng Chu Nguyên Chương. Đó là vào năm Chí Chính thứ 23 (1363), quân của Trần Hữu Lượng một lần nữa chiếm được An Khánh (nay thuộc tỉnh An Huy). Chu Nguyên Chương lần này muốn tự mình dẫn quân đi chinh phạt. Lưu Bá Ôn biết chuyện liền khuyên hoàng đế không nên vội vàng tuy nhiên Chu Nguyên Chương vẫn quyết làm theo ý mình.
Trần Hữu Lượng đã bày binh bố trận sẵn tại hồ Bà Dương (nay là tỉnh Giang Tây). Chu Nguyên Chương nhiều lần gặp bất lợi, suýt nữa lâm nguy, nên ngay lập tức triệu Lưu Bá Ôn đến trợ giúp. Trong một lần thủy chiến, Chu Nguyên Chương đang ngồi trên một chiếc tàu gần đó để giám sát trận chiến, Lưu Bá ôn luôn ở cạnh hộ tống. Đột nhiên Bá Ôn hét lớn và thúc giục Chu Nguyên Chương chuyển sang một con tàu khác. Chu Nguyên Chương dù chưa hiểu tình thế lúc ấy nhưng vội vàng chuyển sang một chiếc thuyền nhỏ khác, chưa kịp ngồi xuống thì pháo bay đã đập tan con tàu ông ngồi trước đó. Trần Hữu Lượng tưởng rằng đã giết được Chu Nguyên Chương, thế nhưng khi thấy con tàu ấy vẫn tiếp tục tiến về phía trước mà không lùi bước đã vô cùng bàng hoàng. Hóa ra Lưu Bá Ôn đã tiên liệu được tất cả những điều này nên kịp thời cứu hoàng đế một mạng.
Lời tiên tri ứng nghiệm
Bởi vì Lưu Bá Ôn là một nhân vật kiệt xuất như vậy, vào một đêm nọ, Chu Nguyên Chương nằm mơ thấy ác mộng mình bị soán ngôi, đất nước rơi vào tay kẻ khác nên rất lo lắng. Hôm sau, ngài đã gọi Lưu Bá Ôn đến để hỏi rằng: "Vận mệnh nhà Minh sẽ kéo dài bao lâu?". Lưu Bá Ôn bèn bấm đốt ngón tay rồi phán 4 chữ: "Ngộ thuận tắc chỉ" (có nghĩa là nếu gặp thuận sẽ dừng). Hoàng đế hỏi rằng ý nghĩa của câu này là gì nhưng Lưu Bá Ôn chỉ im lặng, không giải thích gì. Biết không thể hỏi thêm, hoàng đế đành bỏ qua chuyện này.
Thế nhưng, Chu Nguyên Chương không ngờ rằng lời tiên đoán của Lưu Bá Ôn vốn ẩn chứa ý nghĩa khác. Ở đây "ngộ thuận tắc chỉ" là muốn nói đến cuộc nổi dậy của Lý Tự Thành thành công thì nhà Minh sẽ diệt vong. Khi đó, Lý Tự Thành tấn công vào Bắc Kinh và lập nên vương triều Đại Thuận. Chữ "thuận" trong 4 chữ "ngộ thuận tắc chí" mà Lưu Bá Ôn đề cập chính là nói vương triều Đại Thuận của Lý Tự Thành. 4 chữ trong lời tiên tri của Lưu Bá Ôn quả thực đã ứng nghiệm sau hơn 200 năm.
Theo PV/Thể thao và Văn hóa