Hiếu Trang Hoàng Thái hậu có xuất thân cao quý trong dòng tộc người Mông Cổ, dòng dõi của bà là hậu duệ của Chuyết Xích Cáp Tát Nhi – em trai cùng mẹ của Thành Cát Tư Hãn.
Hiếu Trang Hoàng Thái hậu có tên đầy đủ là Bố Mộc Bố Thái, hàm nghĩa "thiên giáng quý nhân". Bà được thừa hưởng nền tảng giáo dục tốt của gia đình. Từ nhỏ, bà đã đặc biệt đam mê đọc sách lịch sử, thông thạo cả tiếng Mông Cổ lẫn tiếng Mãn Châu.
Năm Thiên Mệnh thứ 10 (1625), huynh trưởng Ngô Khắc Thiện hộ tống em gái Bố Mộc Bố Thái khi ấy mới 13 tuổi đến Liêu Dương làm thiếp của Hoàng Thái Cực.
Chính Đại Kim Hãn Nổ Nhĩ Cáp Xích cùng Bối Lặc và các quan đại thần đã đích thân ra nghênh đón và tổ chức lễ thành hôn cho Hoàng Thái Cực và Trắc phúc tấn.
Năm Sùng Đức nguyên niên (1636), Hoàng Thái Cực xưng Hoàng đế, triều đại nhà Thanh chính thức thành lập. Chiểu theo quy chế thiết lập hậu cung tần phi của lịch sử Trung Nguyên, Bố Mộc Bố Thái được sách phong làm Trang Phi, ngụ tại Vĩnh Phúc cung.
Năm 1638, Trang Phi mang long thai. Thời điểm đó, các thái giám và cung nữ hầu hạ bà rất hay nhìn thấy những ánh sáng đỏ xuất hiện quanh người Trang Phi, trang phục của bà như có hình tượng rồng đang bay lượn.
Vào đêm trước khi lâm bồn, Trang phi nằm mơ thấy một tiên nhân xuất hiện, tay ẵm theo một đứa trẻ. Vị tiên đặt nó vào lòng bà và nói: "Đứa bé sau này sẽ người cai trị đất nước".
Trang phi bừng tỉnh và đem giấc mộng kể lại với Hoàng Thái Cực, khiến ông vui mừng khôn xiết. Ông tin rằng đứa trẻ trong bụng Trang phi mai này ắt sẽ là một trang nam tử, làm nên nghiệp lớn.
Năm Sùng Đức thứ 3 (1638), Trang phi Bố Mộc Bố Thái sinh hạ cho Hoàng Thái Cực Hoàng tử thứ 9, đặt tên là Phúc Lâm (vua Thuận Trị sau này).
Năm Sùng Đức thứ 8 (1643), Hoàng Thái Cực đột ngột lâm bệnh và băng hà. Vào thời điểm ấy, ông chưa lập ai làm Trữ quân, cũng không để lại chiếu thư nên đã gây ra sự xung đột tranh chấp ngôi vị trong nội bộ hoàng tộc.
Trong tình cảnh lúc đó, Duệ Thân vương Đa Nhĩ Cổn người có quyền lực nhất trong tám vị Nghị chính Đại thần, đã ý thức được rằng cán cân quyền lực chính trị và quân sự giữa hai bên bằng nhau. Bất cứ bên nào lên làm Hoàng đế đều làm mất thế cân bằng, gây ra sự xung đột và chiến tranh ngay trong nội bộ triều nhà Thanh.
Cuối cùng, ông quyết định ủng hộ con trai thứ chín của Hoàng Thái Cực là Hoàng tử Phúc Lâm 6 tuổi kế vị, Đa Nhĩ Cổn nhiếp chính.
Từ đó, Trang phi nương nương trở thành Hiếu Trang Hoàng Thái Hậu. Vì thuỵ hiệu của Hoàng Thái Cực có chữ "文" (Văn), nên bà còn được gọi là Hiếu Trang Văn Hoàng Thái Hậu.
Năm Thuận Trị thứ nhất 1644, Hiếu Trang Hoàng Thái Hậu cùng bá quan văn võ đưa Phúc Lâm rời Thịnh Kinh, dời đến Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh. Tại đây, Hiếu Trang Hoàng Thái hậu sống tại Từ Ninh cung.
Thời gian này, bà "thuỳ liêm chấp chính" cùng Đa Nhĩ Cổn để giúp đỡ cho Phúc Lâm còn nhỏ tuổi. Thái hậu phê duyệt đề nghị của Hồng Thừa Trù – một tướng lĩnh cuối nhà Minh đầu nhà Thanh – bổ nhiệm trở lại các đại thần nhà Minh để giảm sưu thuế cho nhân dân.
Trong triều đình và nội bộ Hoàng tộc, bà dành nhiều đặc ân cho các hoàng tử và đại thần. Đồng thời, bà ra lệnh hợp thức hoá các cuộc hôn nhân ngoài dân tộc Mãn – Hán trong dân chúng.
Năm Thuận Trị thứ 18 (1661), Thuận Trị Đế băng hà vì bệnh đậu mùa. Ngay sau đó, Hoàng thái tử Huyền Diệp mới 8 tuổi lên ngôi, tức Thanh Thánh Tổ Khang Hi Hoàng đế. Hiếu Trang Hoàng Thái hậu được tôn xưng là Chiêu Thánh Thái Hoàng Thái Hậu.
Hai năm sau, Khang Hi Đế lên 10 tuổi, thân mẫu của ông là Từ Hoà Hoàng Thái Hậu qua đời. Thái Hoàng Thái Hậu đã thay con dâu trực tiếp làm nhiệm vụ của một người mẹ, chăm sóc và giáo dục Khang Hi.
Bà dạy Khang Hi phải tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của bậc đế vương, tự mình bảo ban và đưa Hoàng đế vào nề nếp. Bà nói rằng: "Bậc thiên tử từ lời nói, hành vi, tác phong, trang phục, thức ăn đều phải có sự mực thước thì mới có thể trị quốc".
Dưới sự dẫn dắt, bảo ban của nội tổ mẫu; Khang Hi đế rất ham mê đọc sách, viết thư pháp, chuyên tâm nghiên cứu kinh điển. Ông học chăm chỉ đến mức lao lực, dù ho ra máu vẫn không chịu nghỉ ngơi.
Sau khi Khang Hi trưởng thành và có thể cai quản triều đình, nội tổ mẫu của ông không còn tham chính nữa. Nhưng khi gặp vấn đề khó khăn, Khang Hi luôn đến hỏi ý kiến bà. Với kinh nghiệm và tầm nhìn xa trông rộng của bà, Hoàng đế đều giải quyết mọi việc hợp tình chu đáo.
Chiêu Thánh Thái Hoàng Thái hậu sinh hoạt đơn giản, không thích phù phiếm, xa hoa. Bà chưa bao giờ yêu cầu phải xây riêng dinh thự cho mình để hưởng lạc.
Mỗi năm mất mùa, bà luôn là đem tiền tiết kiệm trong cung ra cứu tế, toàn lực phối hợp cũng như tận tâm duy trì sự nghiệp của con cháu và tổ tông. Gương tốt phi thường của bà, khiến các Hoàng đế về sau cảm phục mà noi theo.
Phẩm hạnh đạo đức của Thái Hoàng Thái Hậu đều có sức ảnh hưởng từ Phật Pháp. Từ bé, bà đã rất tôn sùng Phật, siêng năng trong Phật sự, phát nguyện viết "Long Tàng Kinh" và rất thường hằng Thiền định.
Nơi ở của bà là Từ Ninh cung chính là một Phật đường lớn nhất Tử Cấm Thành.
Theo Viên Min/Tri Thức