Vào năm 1770, trong nhiều ngày liền bầu trời Nhật Bản, bán đảo Triều Tiên và bờ biển phía đông của Trung Quốc trông như thể bị đốt cháy và nhuộm một màu đỏ rực.
Không ai biết vì sao có hiện tượng "bầu trời máu"và người ta cho rằng đó chỉ một hiện tượng tự nhiên bí ẩn hoặc do ô nhiễm môi trường.
Để tìm lời giải cho hiện tượng bí ẩn suốt 300 năm, các nhà khoa học đã tìm lại các tài liệu lịch sử từ Trung Quốc, Triều Tiên và Nhật Bản trong thế kỷ thứ 18, để xem liệu chúng có đề cập tới cực quang.
Nhóm nghiên cứu cũng tìm kiếm tài liệu từ chuyến thám hiểm của James Cook trên tàu HMS Endeavour, cũng như các bức họa cho thấy vết đen mặt trời bởi nhà thiên văn học Johann Caspar Staudacher vào thời kỳ đó.
|
Bầu trời đỏ như máu xuất hiện năm 1770 làm giới khoa học đau đầu giải mã suốt 300 năm. Ảnh minh họa. |
Bằng việc xem xét kỹ lưỡng 111 tài liệu cổ xưa, các nhà khoa học đã phát hiện thời điểm xảy ra sự kiện bầu trời đỏ ở châu Á, vết đen của mặt trời lớn gấp 2 lần so với thời điểm xảy ra sự kiện Carrington, bão mặt trời cực mạnh vào năm 1859.
“Vết đen của mặt trời vào năm 1770 lớn gấp 2 lần vết đen được quan sát trong sự kiện bão mặt trời cực mạnh vào năm 1859”, nhóm nghiên cứu cho biết.
Các nhà khoa học cũng phát hiện hiện tượng cực quang được nhìn thấy bởi thủy thủ đoàn trên tàu HMS Endeavour ở gần đảo Timor ở khu vực Đông Nam Á. Do cực quang xảy ra ở vĩ độ thấp, nên họ cho rằng hiện tượng này gây ra bởi bão từ trường cực mạnh.
Nếu sự kiện năm 1770 thật sự xảy ra một lần nữa thì thế giới sẽ hứng chịu hậu quả khôn lường. Bão Mặt Trời và các sự kiện thời tiết không gian là mối đe dọa lớn đối với hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc, vệ tinh và internet.
Một cơn bão tồi tệ như Carrington năm 1859 hoặc một cái gì đó tồi tệ hơn có thể gây hậu quả nghiêm trọng cho các mạng lưới kết nối của con người, gây ra thiệt hại lên tới 20 nghìn tỷ đô và tàn phá cuộc sống của con người.
“Nếu Carrington thực sự xảy ra vào lúc này, hệ thống điện toàn cầu sẽ sụp đổ, chuỗi cung ứng toàn cầu và truyền thông vệ tinh sẽ bị tổn hại nghiêm trọng” – trích một nghiên cứu mới đến từ Trung tâm vật lý Không gian của ĐH Harvard và Smithsonian. Ảnh dẫn theo Việt Khám Phá
Mới đây NASA và Cơ quan Đại dương và Khí quyển Quốc gia đã chính thức vận hành Đài quan sát Khí hậu Không gian Vũ trụ để nghiên cứu các sự kiện như vậy và các dấu hiệu sớm nhận biết về một cơn bão nguy hiểm có thể xảy ra. Mặc dù vậy, đến nay thế giới vẫn chưa được chuẩn bị một cách chặt chẽ cho bất kỳ cơn bão nào.
Theo An Dương/VietQ