Chỉ biết rằng, chiếc giếng cổ hình bàn chân kỳ lạ ấy luôn đầy ắp nước, trong vắt, mát lành...
Hai chiếc giếng với hình thù “bàn chân khổng lồ” ở xóm Mát và xóm Tròn (thôn Yên Duyệt, xã Tốt Động, huyện Chương Mỹ - Hà Nội) gắn liền với truyền thuyết về một vị Thánh trên trời.
Theo lời các cụ cao niên trong làng kể lại, nơi đây xưa kia đất đai rất khô cằn, người dân thường hứng chịu hạn hán, mất mùa. Mỗi lần như vậy, họ lại ngước lên trời cầu mong mưa thuận, gió hòa, có nước để người dân sinh sống. Những lời thỉnh cầu ấy đã lay động một vị Thánh ở trên trời. Vị Thánh này bay xuống làng và bước xuống một vùng đất. Chỉ sau một đêm bỗng xuất hiện cái hố lớn có hình thù một bàn chân khổng lồ và đầy ắp nước. Dân làng vui sướng hò reo và cho rằng chiếc giếng ấy được tạo thành chính từ bàn chân của Thánh.
Đường dẫn vào làng uốn lượn, quanh co, chiếc giếng "bàn chân khổng lồ” dần hiện ra trước mắt. Theo quan sát, lòng giếng có đường kính chỗ lớn nhất lên tới 2,5m, chiều dài khoảng 4m, được ghép từ những viên đá ong tự nhiên có kích thước 20 – 30cm xếp chồng lên nhau từ đáy giếng lên đến thành.
Khi được hỏi chiếc giếng cổ hình bàn chân có tự bao giờ, những người dân sinh sống tại ngôi làng này đều không biết, đến cả các cụ cao niên trong làng cũng chỉ biết rằng, "giếng bàn chân" có từ rất lâu đời.
|
Miệng giếng được bao bọc bằng các phiến đá ong. Nước “giếng bàn chân” lúc nào cũng đầy, kể cả khi tiết trời khô hạn. |
Theo người dân sống trong làng, điểm đặc biệt là chiếc giếng này luôn luôn đầy nước, nhiều năm hạn hán, giếng nước ở khắp các làng đều trơ đáy, nhưng chiếc giếng "bàn chân khổng lồ” ấy vẫn không hề cạn, nước vẫn trong vắt, mát lành đến kì lạ.
Các cụ kể lại rằng, ở dưới đáy có một mạch nước rất lớn lúc nào cũng tuôn trào. Lạ lùng là nước dâng lên đến thành giếng thì mạch nước ngừng chảy vì thế nước không bao giờ tràn ra ngoài.
Kỳ lạ hơn, nước giếng khi đun tỏa ra mùi thơm nhẹ nhàng, trà xanh pha bằng nước giếng "bàn chân" thì có màu xanh, khi uống có vị ngon ngọt vô cùng. Uống nước lấy từ trong giếng "thần" đó cho cảm giác sảng khoái, dễ chịu, người uống không chỉ mạnh khỏe, chống được bệnh tật mà còn gặp may mắn trong cuộc sống.
|
Các cụ cao niên trong làng cho biết, khi sinh ra đã thấy giếng cổ “ngự trị” ở đầu làng. |
Khi được hỏi đến sự linh thiêng của chiếc giếng, cụ Nguyễn Viết Hựu (75 tuổi) là người mấy chục năm nay quét dọn và trông coi giếng cho biết: “Không phải tự dưng mà chiếc giếng hình bàn chân này lại được người dân gọi là giếng thần mà nó gắn với những câu chuyện truyền miệng trong dân gian từ xa xưa”.
Cụ kể rằng ở đây, đã từng có nhiều trường hợp mạo phạm đến giếng thiêng như người đang bẩn mà nhảy xuống giếng tắm, tiểu tiện xuống giếng, làm rơi dép xuống giếng… đều gặp những điều không may.
Cụ Đỗ Đình Mục - một cao niên đã 90 tuổi ở trong làng cho biết: "Cách đây hơn 30 năm, tại chiếc giếng này cũng từng có một cô bé hơn 10 tuổi bị chết trong giếng không rõ nguyên nhân. Hàng ngày nhiều người vẫn thấy cô bé này ra sân giếng chơi, múc nước rửa chân. Tuy nhiên không hiểu vì sao mấy hôm liền ai cũng thấy lạ khi cô bé này cứ ra giếng nước ngồi khóc. Đến một hôm thì phát hiện xác cô bé nổi trên mặt giếng".
Tai ngôi làng này không chỉ có một chiếc giếng hình bàn chân mà cách đó không xa, tại xóm Tròn giờ vẫn còn tồn tại một chiếc giếng với hình thù khá đặc biệt. Tuy miệng giếng tròn nhưng lòng giếng lại có hình bàn chân. Lòng giếng được xếp bằng đá ong tự nhiên, nước giếng trong vắt nên có thể nhìn thấy đáy.
Theo anh Nguyễn Hữu Hùng, là người được giao trông nom chiếc giếng, do một phần chiếc giếng ở trong sân nhà anh cho biết: “Trước chiếc giếng này có hình tròn nhưng vào năm 2004 để mở rộng đường làng chiếc giếng này suýt bị lấp đi. Tuy nhiên các cụ cao niên không cho phép vì nếu lấp giếng sẽ “phạm thượng” và dân làng phải gánh hậu quả. Sau cùng giếng được dùng một miếng bê tông che một nửa miệng giếng để làm đường, một phần được giữ lại trong sân nhà anh tồn tại đến tận bây giờ”.
|
Một chiếc giếng có hình bàn chân bằng đá ong tự nhiên tại xóm Tròn. |
Liên quan đến những câu chuyện "kỳ bí" về những chiếc giếng này, một cán bộ xã Tốt Động cho biết: "Do giếng làng cổ xưa lại có hình thù kỳ lạ nên nhiều người gán cho nó một tính chất linh thiêng, giống như thánh thần. Những câu chuyện đồn đại đều do người dân truyền miệng chưa được kiểm chứng, những tai ương xảy đến có thể do một sự trùng hợp ngẫu nhiên".
Theo Huy Hùng/Báo Công Lý