Tiến sĩ Lê Giốc được người dân truy phong "Mạ tặc trung vũ hầu"
Thời nhà Trần có một vị tiến sĩ rất đặc biệt. Ông là Lê Giốc, người vừa giỏi văn chương lại vừa dũng cảm, gan dạ hơn người. Lê Giốc có sách gọi là Lê Bá Giốc, Lê Giác (? – 1378). Ông người làng Kẻ Rỵ, giáp Bối Lý, huyện Đông Sơn, lộ Thanh Hoa (nay là làng Phủ Lý, xã Thiệu Trung – Thiệu Hóa, Thanh Hóa).
Lê Giốc xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống, hiếu học. Ông thuộc dòng dõi thái sư Lê Văn Thịnh thời Lý (người mở đường cho nền khoa cử Nho học Việt Nam). Cha của Lê Giốc là “Trạng Quét” Lê Quát (Lê Bá Quát), người từng giữ chức Thượng thư Hữu bật, nhập nội hành khiển.
Lê Giốc từ nhỏ đã thông minh. Sau khi trưởng thành, ông đỗ Đệ nhị giáp Tiến sĩ (Hoàng giáp), khoa thi năm 1363, đời Trần Dụ Tông, hiệu Đại trị thứ 6. Đến thời Trần Nghệ Tông, Lê Giốc được cử làm Tuyên phủ sứ Nghệ An.
Trong Tam Quốc có đoạn Khổng Minh (Gia Cát Lượng) chửi thâm thúy khiến Vương Lãng tức hộc máu mà chết. Còn Lê Giốc thậm chí còn ghê gớm hơn khi tiếng chửi của ông khiến hàng vạn tên giặc phải quỳ xuống vái lạy, sợ kinh hồn bạt vía.
Sử chép rằng, năm 1377, Trần Duệ Tông tử trận khi đi đánh Chiêm Thành, thế lực nhà Trần ngày càng yếu. Trần Phế Đế được Thái thượng hoàng Trần Nghệ Tông lập làm vua. Nhưng không lâu sau, Chế Bồng Nga của Chiêm Thành đánh ra Nghệ An, lập hoàng thân Ngự Câu vương Trần Húc (kẻ đã đầu hàng trong trận Đồ Bàn) làm vua.
Tháng 6/1378, Chiêm Thành tấn công thành Thăng Long, thượng hoàng Trần Nghệ Tông cùng vua Trần Phế Đế bỏ chạy. Khi này chỉ có Lê Giốc ở lại với chức vụ Kinh doãn tại kinh thành. Ông bị quân địch bắt được, vẫn kiên quyết không làm theo lời chúng.
Trong giây phút bị địch bắt, Lê Giốc vẫn ngẩng cao đầu không sợ: “Tao là trọng thần nước lớn, há lại lạy mày là quân tiểu man à?”. Chưa dừng lại ở đó, Lê Giốc còn mắng Trần Húc vì làm phản, khiến hắn hổ thẹn mà bỏ đi. Tướng Chiêm Thành thấy lôi kéo ông không được, bèn chất củi thiêu sống. Lửa bùng lên bao nhiêu, tiếng chửi của Lê Giốc vang bấy nhiêu, cho đến khi ông ngừng thở mới thôi. Chuyện đó khiến giặc Chiêm Thành khiếp vía.
Dân gian truyền rằng, sau khi mất, hồn của Lê Giốc cưỡi khói mây bay lên. Quân Chiêm Thành nhìn thấy chuyện đó thì vội vàng quỳ lạy. Sau này, nhân dân tưởng nhớ đến vị tiến sĩ này, phong cho ông danh xưng “Mạ tặc trung vũ hầu” (trung dũng chửi giặc).
Theo SHTT