Cuốn Sách Tết Kỷ Hợi 2019 nối lại truyền thống đẹp xưa khi giới thiệu những tác phẩm văn, thơ, nhạc, họa, sử về mùa xuân. Được sự đồng ý của Đông A - đơn vị nắm bản quyền cuốn sách, Zing.vn trích đăng phần bài viết của nhà nghiên cứu, dịch giả Châu Hải Đường tái hiện mâm cỗ xuân cúng tổ trong gia đình ông.
Đã thành lệ, năm nào cũng vậy, cứ ngày mùng một Tết là tất cả các gia đình trong dòng họ tôi lại mỗi nhà làm một mâm cỗ để đem dâng cúng tổ tiên ở nhà thờ họ.
Khỏi phải nói bọn trẻ con chúng tôi vui như thế nào khi hôm ấy được xúng xính diện áo đẹp, theo cha đội mâm cỗ ra từ đường dự tiệc. Cỗ cúng thường thì cũng như cỗ cúng gia tiên bình thường ở nhà, đủ các món giò chả, thịt gà, thịt lợn, cá rán, nem, nộm... mà thôi.
Nhưng năm ấy, hình như là năm tôi bắt đầu đi học vỡ lòng, ông nội tôi quyết định làm một mâm cỗ thật đặc biệt để gia đình đem cúng lễ. Có lẽ vì vậy mà đến giờ, tôi vẫn nhớ như in mâm cỗ đó có những món gì và được làm thế nào.
Món cá chép hóa rồng
Mâm cỗ năm ấy được gia đình tôi chuẩn bị từ chiều ba mươi tết. Món đầu tiên phải làm là món - như ông nội tôi gọi - “Cá Chép Hóa Rồng”. Con cá chép lớn được bắt sống từ hôm nhà tát ao mấy ngày trước tết, có lẽ phải cân rưỡi chứ không ít. Sau khi cá được mổ bụng, làm sạch sẽ, ông tôi mang ra một ống thóc nếp cái hoa vàng, ông cẩn thận dùng que tre vót nhọn lật từng vảy cá lên, mỗi cái vảy lại cài vào một hạt thóc nếp.
Xong việc ấy thì con cá được đặt đứng trong một chiếc nồi rộng miệng, hai chiếc vây phía trước được căng choãi ra hai bên, đuôi cũng được căng lên trông như con cá đang tung tăng bơi lội. Hai cái râu cá cũng được quấn xoăn xoăn vào hai sợi thép nhỏ. Nói thì vậy, nhưng làm cũng không dễ, phải tỉ mỉ, cẩn thận lắm ông tôi mới làm được thế, chứ chỉ cần sơ sểnh một chút là cá rách vây, đứt râu như chơi. Xong rồi, ông tôi nhẹ nhàng đậy vung kín, để cái nồi lên tro than nóng, đốt rơm xung quanh sau đó mới ủ trấu lại thật kĩ.
|
Tranh minh họa bài "Mâm cỗ xuân cúng tổ" của họa sĩ Ấm Chè. |
Trong lúc chờ cá chín thì ông tôi tiếp tục “chỉ đạo” bà tôi, mẹ tôi, và mấy thím tôi làm các món khác. Cái không khí vui vẻ chuẩn bị cỗ đầu năm ấy có lẽ không bao giờ tôi quên được.
Trong tiết xuân mưa phùn lất phất, mùi hương trầm ngào ngạt, quyện với hương nước lá mùi già dìu dịu, cả nhà tíu tít, người nhặt rau, người đun bếp, người vo gạo nếp, người lau lá dong... đúng là vui như Tết.
Sáng sớm mùng một, mâm cỗ đã chuẩn bị xong xuôi, ông tôi mới nhẹ nhàng gạt lớp tro ủ, nhấc nồi cá chép lên. Ông vừa mở vung, mọi người đã xúm đông xung quanh ồ lên thán phục khi nhìn thấy con cá đã trở nên vàng rộm, đứng sững trong nồi, những hạt thóc nếp cài vào từng cái vảy cũng nở thành hoa bỏng trắng xóa, đẩy cái vảy bong ra xù như vảy rồng. Hai cái râu cá xoắn tít vàng ươm như râu rồng thật.
Ông tôi nhẹ nhấc con cá để đứng vào cái đĩa lớn trên mâm. Thế là mâm cỗ cúng đầu năm của gia đình tôi đã đủ món. Ông tôi vừa ngắm nghía, vừa gật gù bảo: “Con cá đẹp lắm. Cá chép hóa rồng dâng tổ là lời cầu nguyện tổ tiên phù hộ để các cháu học hành ngày càng tiến bộ, hơn hẳn cha ông đấy. Năm mới này cháu phải học cho thật giỏi để sau này giúp đời giúp nước cháu nhé”.
Trứng voi, hay là huynh đệ đồng bào
Món thứ hai, cũng phải tự tay ông tôi làm là món “trứng voi” - ấy là tôi gọi thế chứ ông tôi bảo món ấy là “huynh đệ đồng bào” (anh em cùng một bọc). Té ra cái bong bóng lợn thật to mà ông tôi rửa đi rửa lại kĩ lưỡng từ hôm qua là dùng vào việc chế biến cái món “trứng voi” này.
Một chục trứng gà được đập ra và khéo léo cho vào cái bong bóng lợn, rồi ông tôi buộc nó vào đầu một que tre tròn, kẹp giữa hai bàn tay và vê thật nhanh một lúc, để cho lòng đỏ trứng gà dồn vào giữa và lòng trắng thì tản ra xung quanh. Khi cảm thấy đủ độ tròn đều, ông tôi mới nhanh chóng nhúng cái bong bóng vào nồi nước đang sôi. Ngay lập tức, cái quả “trứng voi” ấy sẽ rắn lại, đun thêm lúc nữa thì chín hẳn.
Vớt trứng ra, bóc lớp vỏ bong bóng mỏng căng, bổ làm đôi, quả trứng trông thật khổng lồ, phải dùng cái đĩa to mới đặt được. Người không biết chắc chắn sẽ lấy làm lạ lắm vì không biết trứng con gì mà to đến như vậy.
Vừa làm, ông tôi vừa bảo: “Cháu biết không, ngày xưa bà Âu Cơ cũng sinh ra một bọc trăm trứng, nở ra trăm con mới thành ra dân tộc Việt Nam ta. Mười quả trứng gà cùng một mẹ cả, để riêng thì là mười quả trứng nhỏ, mà dồn lại thì vẫn làm ra một quả trứng lớn. Có thể nở thành rồng thành phượng ấy chứ. Nhưng các cụ xưa không gọi là trứng rồng trứng phượng mà vẫn chỉ gọi là ‘huynh đệ đồng bào’ thôi”.
Bức tranh thủy mặc trên mâm cỗ
Xong mấy việc quan trọng ấy thì ông tôi mới nghỉ tay, và chỉ hướng dẫn cho mọi người làm mấy món dễ hơn, tôi vẫn nhớ có món trứng rán tranh thủy mặc, mấy đĩa giò chả xếp thành hình chữ Hán, Phúc, Lộc, Thọ, và vài món xào, món nộm bày biện thật đẹp...
Tôi xin nói thêm mấy câu về cái món trứng đúc thịt tranh thủy mặc này, nghe thì vậy nhưng món này đơn giản thôi. Chỉ cần có khiếu mỹ thuật một chút là ai cũng làm được. Trứng cứ rán như bình thường, nhưng phải chuẩn bị sẵn mấy nhánh rau thơm đẹp, cắt một số lá rau thành hình hoa, chim, mặt trăng... hay chữ Hán nào đó nói về một câu chúc mừng năm mới bình an chẳng hạn... và một bát trứng gà đánh sẵn để ngoài.
Lúc rán trứng thì ta mới nhanh tay sắp xếp những cành rau, hình hoa hình chữ ấy lên mặt trứng rồi đổ một lớp trứng đánh sẵn ngoài bát lên trên. Vậy là khi rán xong, ta đã có một đĩa trứng rán tranh thủy mặc. Ẩn hiện bên trong lớp trứng mỏng như một lớp giấy dó, là những hình cây cối, chim hoa, lại có cả những câu thơ thật hay mờ mờ tỏ tỏ...
Sáng mùng một Tết, ông dẫn cha tôi đội mâm cỗ ra từ đường dòng họ dâng lễ đầu năm. Tôi cũng được xúng xính theo sau, vừa đi vừa nhảy chân sáo. Mọi người ai thấy mâm cỗ nhà tôi cũng trầm trồ tấm tắc ngợi khen vì vẻ đẹp cầu kỳ ý nghĩa sâu sắc của nó hơn là vì nó được làm bằng gì, bởi cũng chỉ là cá ấy, trứng ấy, thịt ấy, rau ấy mà thôi... Ông trưởng họ cứ để mâm cỗ thờ trên bàn thờ tổ mãi mà không muốn hạ xuống.
Đã bao nhiêu cái tết qua đi, tôi cũng về tham gia việc họ ở từ đường nơi quê nội luôn luôn, nhưng cứ nhắc nhỏm mãi bởi chưa bao giờ làm lại được mâm cỗ như ông tôi làm khi xưa.
Hình ảnh mâm cỗ cúng đầu xuân với những món cúng thật bình dị nhưng đầy ý nghĩa ấy có lẽ suốt cuộc đời tôi không bao giờ quên được.
Theo Hải Đường/ Zing