Bà Ngô Thị Chính là con ông Ngô Văn Sở, nguyên là người huyện Đăng Xương (Phủ Thừa Thiên - Huế) sau vào ở làng Thuận Nghĩa, Gia Định. Trong thời gian làm quan ở Thăng Long dưới triều Tây Sơn, ông đã kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Đích, rồi sinh con gái đầu lòng đặt tên là Ngô Thị Chính.
Lớn lên, Ngô Thị Chính là cô gái có dung mạo xinh đẹp, đoan trang, thông minh, ăn nói dịu dàng, vì thế tiếng lành đồn xa. Khi hoàng tử Nguyễn Phúc Đảm (tức vua Minh Mạng sau này) đến tuổi thành hôn, Ngô Thị Chính được tuyển vào Đông cung hầu hạ hoàng tử. Trước đó không lâu, Minh Mạng có nạp thiếp tên là Hồ Thị Hoa, sinh được một người con tên là Miên Tông (tức vua Thiệu Trị sau này) thì mất, do đó sau khi lên ngôi hoàng đế, ông đã phong cho người vợ xấu số của mình lên bậc Thần phi. Sau bà Hồ Thị Hoa, người vợ thứ hai và cũng là người Minh Mạng sủng ái nhất chính là bà Ngô Thị Chính.
|
Chân dung vua Minh Mạng. |
Từ khi vào cung, bà hầu như dành trọn tình cảm của vua. Sự sủng ái đó thể hiện qua việc bà là một trong hai người sinh được nhiều con cho Minh Mạng nhất, gồm 5 hoàng tử là Miên, Miên Hoằng, Miên Áo, Miên Quần, Miên Uyển và 4 công chúa là Ngọc Tôn, An Phù, Lộc Thành và Đoan Thục.
Khi sắc phong Ngô Thị Chính làm Hiền phi, trong bài chiếu vua Minh Mạng dùng văn từ trang trọng nhưng trìu mến: ‘Đoái tưởng Hiền Tân họ Ngô, con dòng của giống, xứng trang nghi phạm trong 6 cung! Nàng theo trẫm từ lúc tiềm đế đến bây giờ hơn 30 năm khi phong tiêu, khi viện quế, khi gối phụng, khi màn loan, đỡ tráp nâng khăn, đoan trang nét ngọc, thức khuya dậy sớm, chầu chực ven màn. Càng sùng quyến chừng nào lại càng khiêm thuận chừng nấy. Vậy nên, lệ ban gia mới định, liền chiếu luật gia phong’. Người ta nói rằng, suốt 20 năm trời từ thuở còn là hoàng tử, đến khi được chọn làm hoàng thái tử (năm 1816) rồi lên ngôi (năm 1820), vua Minh Mạng chưa hề rời xa bà Ngô Thị Chính.
Tương truyền khi còn trẻ, có lần bà nũng nịu nói với Minh Mạng rằng: ‘Dù nhà vua có thương thiếp bao nhiêu đi nữa thì đến khi chết, thiếp cũng chỉ ra đi hai tay không mà thôi!’. Câu nói đó khiến nhà vua nhớ mãi. Vì thế, khi bà lâm chung, vua Minh Mạng rất thương tiếc, đã đến tận chỗ bà nằm, cầm theo 2 nén vàng đặt vào lòng bàn tay bà rồi nói: ‘Trẫm cho khanh cái này để khỏi ra đi hai bàn tay không’ với vẻ xúc động.
Sau này, khi vua Thiệu Trị lên ngôi, hiểu lòng cha nên vào năm 1843 đã lập một đền chính đường ba gian, hai chái tả hữu, thờ bà Hiền Phi họ Ngô tại xã Phú Xuân.
Không kể người con mất lúc mới sinh, 4 con trai của bà Hiền phi đều có chức tước lớn: Vĩnh Tường quận vương (Miên Hoằng), Phú Bình công (Miên Áo), Hòa Quốc công (Miên Quần), Quảng Hóa quận công (Miên Uyển).
Việc có tình nghĩa nhất của vua Minh Mạng đối với bà Hiền phi là sự kiện năm 1822, nhà vua phục chức cho nhạc phụ là cựu tướng Ngô Văn Sở chức Chưởng cơ từng bị tước dưới triều Gia Long. Ông còn phong cho em bà là Ngô Văn Thắng làm quan với chức Cai đội.
Theo Dân Việt