Khi nghiên cứu về những lần kháng chiến chống quân Nguyên, dường như các sử gia Việt Nam hoàn toàn bỏ quên đại chiến lược của nhà Nguyên và khung cảnh chung của vùng Đông Nam Á ở thời kỳ này, đồng hoá đoàn quân tiến sang nước ta với những đội kỵ binh chạy ào ào như gió cuốn trên các vùng thảo nguyên và sa mạc cực bắc, chinh phục một khu vực bao la từ Á sang Âu. Việc hạn chế bối cảnh nghiên cứu đó khiến cho nhiều người vô tình hay cố ý cường điệu – nếu không nói là khoa trương – về thành quả của nhà Trần nói riêng và của dân tộc Việt Nam nói chung, bỏ quên vai trò của những dân tộc khác có cùng một quyết tâm chiến đấu không chịu thần phục người Mông Cổ.
Sau khi chiếm được toàn bộ Trung Hoa và cả khu vực Vân Nam, nhà Nguyên mưu tính việc tiến chiếm toàn bộ biển phía Đông và phía Nam trước là kiểm soát con đường hàng hải, sau là làm bàn đạp đánh Ấn Độ. Năm 1277, nhà Nguyên đem quân tấn công Miến Điện, năm 1281 lại chủ mưu đánh Chiêm Thành. Tuy trên danh nghĩa, người Chăm cũng như người Việt đã bằng lòng thần phục nhà Nguyên nhưng vua cả hai nước đều không chịu sang chầu ở Đại Đô như họ yêu cầu mà chỉ mang đồ tiến cống. Nguyên chúa liền sai người sang giám quốc Đại Việt và sai Sagatou (Toa Đô) và Lưu Thâm sang Chiêm Thành đặt nền móng cai trị.
Vào thời kỳ đó tuy vua Indravarman đã già yếu nhưng thái tử Harijit là người quật cường không chấp nhận sự đô hộ khiến cho quan lại nhà Nguyên phải quay trở về nước. Hốt Tất Liệt liền sai Sagatou chuẩn bị binh thuyền sang đánh Chiêm Thành (vì đường bộ đã bị Đại Việt từ chối không cho mượn). Năm 1282, Sagatou đem 1000 chiến thuyền đổ bộ bờ biển, thái tử Harijit đem quân chống giữ. Một vạn quân Chiêm chiến đấu trong 6 giờ nhưng chịu không nổi phải rút lui, quân Mông Cổ vào thành giết sạch dân cư trong đó. Vua Indravarman cho đốt kinh đô rồi rút vào rừng núi.
Ngày hôm nay, khi nói đến việt triệt binh lên cao nguyên chúng ta khó có thể hình dung được sự khác biệt giữa một sự rút lui để bảo toàn lực lượng, thay đổi từ chiến tranh trận địa ở đồng bằng sang chiến tranh tiêu hao sử dụng các căn cứ trên núi. Nhìn vào thành quả của cuộc chiến đấu kháng Nguyên của Champa, chúng ta có thể tin được rằng đã có những chuẩn bị lâu dài và những tương quan mật thiết giữa các dân tộc trong lãnh thổ Chiêm Thành. Tâm Quách-Langlet nhấn mạnh là chính vì có những liên hệ giữa dân chúng trên thượng du và vùng duyên hải nên nhiều vua Chăm gốc từ rừng núi và mỗi khi loạn lạc châu báu thường được đưa lên gửi nơi các bộ lạc ở cao nguyên và trốn lên rừng mỗi khi bị bên ngoài tấn công.
Quân Mông Cổ tiến chiếm những thành thị khác, vua Chiêm cho người điều đình nhưng Sagatou đòi nhà vua phải đích thân xuống chầu. Indravarman cho người cậu là Bhadradeva đem lễ vật tiến cống, lấy cớ là đang bị bệnh không thể thân hành tới được. Hai bên qua lại giằng co cho đến khi Sagatou nghe tin vua Chiêm đã dàn 2 vạn quân và cho người sang Đại Việt, Chân Lạp và Java xin liên binh để cùng kháng cự, quân Mông Cổ liền tiến lên, tuy thắng trận lúc đầu nhưng bị người Chiêm Thành dùng chiến thuật du kích quấy nhiễu khiến cho họ phải tổn thất nặng nề.
Nguyên chủ phải cho thêm quân sang tiếp viện và quân Mông Cổ phản công đánh bại quân Chiêm vào ngày 14 tháng 6 năm 1283. Vua Indravarman lại rút vào rừng tiếp tục chiến thuật du kích. Quân Mông Cổ ở lâu bị thiệt hại nặng, quân lính chán nản bỏ trốn rất đông khiến Hốt Tất Liệt phải gửi thêm 15,000 quân nữa. Ngờ đâu thuyền của quân Mông Cổ bị bão khiến một số bị mất tích, phần còn lại khi đổ bộ được vào cửa bể Sri Banoy (Thị Nại) thì Sagatou đã đốt doanh trại đem quân quay về rồi.
Đoàn quân tiếp viện vì thế như rắn mất đầu không còn có thể uy hiếp triều đình Chiêm Thành được nữa. Vua Indravarman gửi sứ giả đến than phiền rằng Sagatou đã tàn phá nước Chiêm nên không còn gì để dâng cho thiên triều, hẹn sang năm sẽ sai con đem lễ vật tiến cống, tạm thời cho cháu nội sang chầu nhà Nguyên. Ba tháng sau, vua Indravarman cho người đem dâng Nguyên đế bản đồ nước Chiêm và bằng lòng thần phục nếu quân Mông Cổ rút về. Tuy vậy quân Mông Cổ vẫn tiếp tục chiếm đóng khiến người Chiêm Thành phải chiêu tập binh mã, lập những căn cứ phòng ngự trong rừng núi. Chẳng bao lâu vì khí hậu khắc nghiệt, không quen thủy thổ nên quân Nguyên bị thiệt hại nhiều và Nguyên đế phải mượn đường bộ nước Nam cất binh từ trên đánh ép xuống.
Vua nhà Trần cũng theo đường lối của người Chiêm Thành nhất quyết không sang chầu, chỉ sai người chú họ là Trần Di Ái thay mặt. Một câu hỏi cũng cần được đặt ra là tại sao nhà Nguyên lại đặt chủ điểm đánh xuống miền nam bằng cách xâm lấn Chiêm Thành và tập trung một lực lượng khá lớn để tấn công tiểu quốc này. Dưới nhãn quan chiến lược của triều đình Mông Cổ, Đại Việt không phải là một mối lo tâm phúc mà họ cho rằng Chiêm Thành mới thực sự là một bao lơn đóng vai trò quan trọng trên hải trình thương mại giữa Trung Hoa, các nước miền Nam Á tới tận Trung Đông.
Nếu nhà Nguyên hoàn thành kế hoạch chinh phục Chiêm Thành và các đảo quốc khác thì lúc đó Đại Việt bị bao vây tứ phía, nằm lọt trong vùng ảnh hưởng của họ, không đánh cũng tan. Chính vì thế, khi đề cao những chiến thắng của nhà Trần, chúng ta chớ quên rằng những chiến thắng đó phần lớn chính vì nhà Nguyên đã thất bại trong việc chiếm lĩnh những tiểu quốc ở phía nam và công đầu trong việc ngăn chặn sự bành trướng của đế quốc Mông Cổ là triều đại Indravarman của người Chăm. Đại Việt chỉ có thể phản công sau khi quân Mông Cổ đã hoàn toàn thất bại ở Chiêm Thành và quân ta có thể tập trung lực lượng để tấn công vào những đơn vị Mông Cổ đồn trú hay tập kích những tàn quân đang trên đường rút lui.
Nếu người Chăm thất bại trong việc ngăn chặn quân Mông Cổ trở thành một phần của đế quốc Nguyên Mông thì cánh quân của Sagatou sẽ vươn ra bắt tay được với thế lực của Esen Temur tại Pagan (Miến Điện) thì nước ta không đánh cũng bị nuốt chửng. Sau một trăm năm dưới quyền cai trị của nhà Nguyên, khi Chu Nguyên Chương lên ngôi, Đại Việt sẽ mặc nhiên trở thành lãnh thổ của nhà Minh và việc đứng lên giành quyền tự chủ sẽ vô vàn khó khăn. Trường hợp nước ta cũng giống như những tiểu quốc ở miền tây nam và tây Trung Hoa, sau đời Nguyên đã hoàn toàn biến mất.
Chúng ta cũng không thể bỏ qua một thực tế, thoạt đầu khi nhà Trần áp dụng lối đánh chính qui, dùng đại quân đối phó trực diện với quân Mông Cổ theo cách của nhà Tống đã không mang lại kết quả khả quan nên phải chuyển sang lối đánh du kích, vườn không nhà trống kiểu Chiêm Thành, dùng tiêu hao chiến để cho địch tự huỷ. Lẽ dĩ nhiên, triều đình và tướng lãnh Đại Việt đã rút tỉa từ kinh nghiệm của chính mình nhưng cũng có thể tham bác thêm những kinh nghiệm của các quốc gia khác, điển hình là Miến Điện, Chiêm Thành, và Chân Lạp trong một cuộc chiến trải rộng khắp vùng Đông Nam Á châu.
* Bài viết trích từ biên khảo lịch sử “Núi xanh nay vẫn đó”, thể hiện góc nhìn riêng của tác giả Nguyễn Duy Chính.
Theo Nguyễn Duy Chính/Nghiên Cứu Lịch Sử