Mưu sĩ nào của Lưu Bang, ngồi ghế tướng quốc “chẳng chịu làm gì”?

Google News

Tào Tham vận dụng học thuyết Hoàng Lão, làm tướng quốc trong ba năm. Vì lúc đó là sau thời chiến loạn lâu dài, trăm họ cần được yên ổn, biện pháp đó của ông khiến dân chúng được giảm nhẹ đóng góp.

Tào Tham làm tướng quốc 3 năm, dân chúng được giảm nhẹ đóng góp

Tiêu Hà tuổi già lâm bệnh. Hán Hán Huệ Đế tới thăm và hỏi sau này ai thay thế ông là thích hợp nhất. Tiêu Hà không chịu nói rõ ý kiến, chỉ nói: "Ai hiểu rõ bầy tôi hơn nhà vua nữa?"

Hán Huệ Đế hỏi: "Ngài thấy Tào Tham thế nào?" Tiêu Hà và Tào Tham đều làm lại ở huyện Bái trước kia, đều theo Hán Cao Tổ Lưu Bang khởi binh. Quan hệ giữa hai người rất tốt, sau này Tào Tham lập được nhiều chiến công, nhưng ở địa vị thấp hơn Tiêu Hà, nên quan hệ có phần kém thân mật hơn trước. Nhưng Tiêu Hà biết Tào Tham là người có tài cai trị, nên khi nghe Hán Huệ Đế hỏi, liền tỏ ý tán thành và nói: "Ý định của bệ hạ rất đúng; Có Tào Tham thay thế, thì tôi chết cũng yên tâm".

Muu si nao cua Luu Bang, ngoi ghe tuong quoc “chang chiu lam gi”?

Nhân vật Tào Tham trên phim.

Tào Tham vốn là một võ tướng. Khi Hán Cao Tổ Lưu Bang phong con cả là Lưu Phì làm Tề Vương, liền cử Tào Tham đi theo làm thừa tướng cho Lưu Phì. Lúc đó, chiến tranh vừa kết thúc, Tào Tham đến Tề liền triệu tập hơn một trăm phụ lão và nho sinh, hỏi họ xem nên cai trị trăm họ như thế nào. Mỗi người nói một cách, không biết nên nghe theo ai. Sau Tào Tham nghe nói ở Tề có một ẩn sĩ nổi tiếng, là Cái Công. Tào Tham liền mời đến thỉnh giáo. Cái Công là người tin theo học thuyết Hoàng Lão (tức Hoàng Đế và Lão Tử), chủ trương việc cai trị thiên hạ là phải thanh tĩnh vô vi, để dân chúng được sống yên ổn. Tào Tham nghe theo lời Cái Công, gắng sức không làm phiền nhiễu dân chúng. Ông làm thừa tướng ở Tề trong chín năm, hơn bảy mươi thành trì ở Tề đều yên.

Tiêu Hà mất, Hán Huệ Đế lập tức gọi Tào Tham về Trường An, phong làm tướng quốc. Tào Tham vẫn vận dụng chính sách thanh tĩnh vô vị, hoàn toàn giữ nguyên mọi luật lệ qui định của Tiêu Hà, không thay đổi chút gì.

Một số đại thần thấy Tào Tham dường như không làm gì cả, thì tỏ ra nôn nóng, có người gặp Tào Tham đề xuất ý kiến. Nhưng lần nào họ đến nhà, Tào Tham cũng chỉ mời uống rượu, hễ ai muốn bàn chuyện quốc gia đại sự, Tào Tham đều nói lảng sang chuyện khác, khiến không ai nói được gì. Cuối cùng, khách khứa ai cũng say khướt đi về mà không kịp nói gì cả.

Hán Huệ Đế thấy Tào Tham như thế, thì cho là ông già rồi, có ý coi thường và trong lòng cũng thấy không yên.

Con Tào Tham là Tào Truất phục vụ Hán Huệ Đế trong hoàng cung. Hán Huệ Đế dặn dò: "Khi ngươi về nhà tìm cách hỏi cha ngươi rằng: Cao Tổ đã chầu trời, đương kim hoàng thượng thì còn trẻ, mọi việc quốc gia đại sự đều trông cậy vào tướng quốc là cha. Thế mà cha ngày nào cũng uống rượu, không làm việc gì cả. Cứ như thế mãi thì làm sao cai trị được thiên hạ? Xem cha ngươi trả lời ra sao".

Tào Truất về nhà, theo lời dặn của Hán Huệ Đế, lựa cơ hội hỏi Tào Tham. Tào Tham vừa nghe đã nổi nóng, mắng: "Nhãi ranh như mày thì biết cái gì mà dám lảm nhảm về chuyện quốc gia đại sự! "Nói rồi gọi đầy tớ mang gậy đến đánh cho Tào Truất một trận. Tào Truất không hiểu sao mình bị đánh; cảm thấy oan ức, khi trở về cung, liền than thở với Hán Huệ Đế. Hán Huệ Đế rất không vui.

Hôm sau, khi lâm triều, Hán Huệ Đế nói với Tào Tham: "Lời Tào Truất nói với tướng quốc, chính là ta bảo hắn nói đấy. Tại sao tướng quốc lại đánh hắn?" Tào Tham nhận tội, rồi nói: "Thần xin phép hỏi bệ hạ, bệ hạ so với Cao Tổ thì ai sáng suốt hơn?" Hán Huệ Đế trả lời: "Điều đó cần gì phải hỏi. Ta Làm sao so sánh được với Cao hoàng đế". Tào Tham lại hỏi: "Thế tôi so với Tiêu tướng quốc thì thế nào?" Hán Huệ Đế bật cười trả lời: "Có vẻ không bằng Tiêu tướng quốc".

Tào Tham nói: "Bệ hạ nói đều rất đúng. Bệ bạ không bằng Cao hoàng đế, tôi không bằng Tiêu tướng quốc. Sau khi bình định thiên hạ, đã định sẵn một loạt quy chương chế độ, chúng ta cứ theo thế mà thực hiện không để sai sót là được, cần gì phải sửa đổi thêm bớt gì nữa".

Hán Huệ Đế lúc đó mới hiểu rõ ý định của Tào Tham. Do đó đương thời có người làm ca dao để ca ngợi Tiêu Hà và Tào Tham. Lịch sử gọi sự kiện đó là "Tiêu quy Tào tùng" (Tiêu Hà định ra quy chương chế độ, còn Tào Tham thì theo đó mà vận dụng).

Theo Sơn Hà/Điện Ảnh