Trong 39 năm kể từ khi kiến lập đến lúc diệt vong, nhà Tùy có tổng cộng 2 đời vua. Tùy Dạng Đế (569 - 618), tên thật Dương Quảng là vị hoàng đế thứ hai nhà Tùy. Tùy Dạng Đế văn võ song toàn, khôi ngô tuấn tú, từ nhỏ đã nổi tiếng về thơ văn, năm 20 tuổi lập công diệt nhà Trần, giúp cha mình Văn Đế thống nhất Trung Hoa.
|
Tùy Dạng đế sàm sỡ Trần Tuyên Hoa. Ảnh: minh họa. |
Dạng Đế, vốn có thể là một vị vua anh minh cái thế nhưng sau lại đi vào con đường của “Vua Trụ” bởi lạm sát công thần, xa xỉ lãng phí và hoang dâm vô độ. Dù có gầy dựng được một số thành tựu nhất định, nhưng nhìn chung Tùy Dạng Đế bị các sử gia Trung Quốc đánh giá là một trong những bạo chúa tồi tệ nhất, người khiến cho triều Tùy đi đến bước đường diệt vong chỉ sau 2 đời.
Tính cách đa dạng và vô vàn câu chuyện đầy màu sắc xung quanh Tùy Dạng Đế khiến ông trở thành một trong những nhân vật thời Tùy-Đường được khai thác nhiều nhất trong văn học, ca kịch và phim ảnh Trung Quốc. Một trong những điển tích, cũng có thể coi là nghi án liên quan tới Tùy Dạng đế, được nói tới nhiều nhất chính là câu chuyện: “Giết vua cha, tiếm ngôi Hoàng đế”.
Nghi án giết cha của Tùy Dạng Đế, thời điểm ông còn là Thái Tử, dù vậy, không được nhắc tới, dù chỉ một dòng, trong Tùy Thư, hay các quyển bản kí của Văn Đế và Dạng Đế - vốn được coi là văn bản lịch sử quan trọng nhất về thời Tùy.
Sự việc này chỉ được đề cập đến ở thiên Hậu phi truyện, phần viết về Tuyên Hoa Phu nhân Trần thị và một số ghi chép rải rác ở các thiên liên quan tới những người trong Hoàng tộc họ Dương. Và Tuyên Hoa phu nhân chính là nhân vật liên quan mật thiết và đóng vai trò “nữ chính” quan trọng nhất trong nghi án Tùy Dạng Đế sát hại vua cha, tiếm ngôi Hoàng đế.
Nữ chính trong “Đại nghi án nhà Tùy”
Tuyên Hoa phu nhân, tên thật Trần Tuyên Hoa (577-605), là con gái của Trần Tuyên Đế Trần Húc, quốc chúa thứ ba của nước Nam Trần dưới thời Nam Bắc triều. Mẹ bà là Thi Cơ, người Kinh Triệu (thuộc Thiểm Tây ngày nay), sủng phi của Trần Tuyên Đế.
Theo quyển Gia Thái Ngô Hưng chí, Tuyên Hoa là con gái thứ 14 của Trần Húc. Thời Tuyên Đế, nàng được phong làm Ninh Viễn công chúa. Tuyên Hoa được sử sách đánh giá là “tính thông tuệ, tư mạo vô song”.
|
Tùy Dạng đế Dương Quảng. |
Mùa Xuân năm Khai Hoàng thứ 9 (589), quân nhà Tùy của Tùy Văn Đế Dương Kiên diệt Trần, thống nhất Trung Quốc. Trần Tuyên Hoa cùng mẹ và nhiều thành viên hoàng tộc họ Trần bị bắt sống, điều vào cung Tùy. Tuyên Hoa sau đó được Tùy Văn Đế nạp vào làm “Cung nữ”. Năm đó nàng mới 13 tuổi.
Sử sách ghi lại Tuyên Hoa tuy trẻ tuổi nhưng nhan sắc vượt xa những mỹ nữ khác trong cung Tùy, lại thông minh, giỏi ứng đối, sáng tác thơ văn. Lúc đó trong cung, Văn hiến hoàng hậu (Độc Cô Già La) ghen tuông tàn ác, đề cao chế độ độc thê, quản thúc Tùy Văn Đế, không cho các phi tần khác có cơ hội được vua sủng ái. Duy chỉ có Tuyên Hoa được Độc Cô cho qua, phong làm “Tần”.
Năm Nhân Thọ thứ 2 (602), Độc Cô hoàng hậu qua đời. Tùy Văn Đế từ đó có cơ hội gần gũi các phi tần mà không phải lo bị ai cấm cản nữa. Mỹ nữ được Văn Đế sủng ái nhất chính Tuyên Hoa. Không lâu sau đó, nàng được phong làm “Quý nhân”, hiệu Tuyên Hoa phu nhân, được chuyên sủng và nắm quyền quản lý lục cung.
|
Tùy Dạng đế Dương Quảng đăng cơ. |
Năm Nhân Thọ thứ 4 (604), Tùy Văn Đế bệnh nặng phải dưỡng bệnh ở Nhân Thọ cung, đại sự trong triều giao cho Thái tử Dương Quảng. Căn cứ Tùy thư cùng Tư trị thông giám, Thái tử Dương Quảng hay ra vào cung thăm Tùy Văn Đế, thấy Tuyên Hoa phu nhân dung mạo diễm lệ, yểu điệu thướt tha, ánh mắt long lanh như nước hồ thu, giọng nói thánh thót, dáng đi mềm mại, trong lòng nổi lên sự ham muốn.
Một ngày nọ, Dương Quảng lên tiếng chọc ghẹo rồi giở trò cưỡng bức Tuyên Hoa phu nhân. Bà hoảng sợ, chạy về Nhân Thọ cung khóc lóc. Văn Đế hỏi nguyên do, bà khóc mà nói: "Thái tử vô lễ", và kể hết sự tình cho Văn Đế nghe. Văn Đế nghe xong tức giận, bảo: "Súc sinh làm sao có thể gánh vác đại sự? Nếu không nhân lúc trẫm còn chút hơi thở phế bỏ tên súc sinh này, lập lại con trưởng Dương Dũng làm thái tử, hậu sự há có thể lường được chăng?"
Rồi Văn Đế sai người truyền Binh bộ Thượng thư Liễu Thuật và Hoàng môn thị lang Nguyên Nham vào Nhân Thọ Cung nghị sự, chuẩn bị triệu hồi Phế Thái tử Dương Dũng, là ngầm ý muốn phế bỏ vị trí Thái tử của Dương Quảng. Trong Nhân Thọ cung vốn có “nội gián” của Thượng thư Tả bộc xạ Dương Tố, người theo phe Thái tử Dương Quảng, nên thông tin này gần như ngay lập tức tới tai quyền thần này.
|
Tùy Văn đế. |
Giết vua cha, tiếm ngôi, chiếm cả phu nhân
Dương Tố báo tin cho Dương Quảng, hai người nhanh chóng lập mưu ứng biến. Quảng giả mạo chiếu lệnh bắt Liễu Thuật, Nguyên Nham tống ngục. Rồi điều binh sĩ mình quản lý vây chặt điện Nhân Thọ, tiếng là để bảo vệ Văn Đế nhưng thực là để đảm bảo “nội bất xuất, ngoại bất nhập”.
Bước tiếp theo, Quảng sai tâm phúc là Hữu thứ tử Trương Hành, bề ngoài là vào cung Nhân Thọ để xem bệnh nhưng thực chất là để thi triển bước tiếp theo của kế hoạch. Hành vào cung, sai người nhốt toàn bộ cung nữ phi tần (bao gồm của Tuyên Hoa phu nhân) vào biệt thất, bắt giam những thái giám thân cận của vua và sau đó dùng rượu độc sát hại Tùy Văn Đế.
Những phiên bản truyền miệng chi tiết hơn nói rằng Trương Hành theo lệnh Dương Quảng sát hại Tùy Văn Đế không phải bằng thuốc độc mà là “đấm vào ngực, bóp cổ và bẻ nát xương sườn của hoàng đế”. Về sau khi Trương Hành bị Tùy Dạng Đế ghét bỏ và xử tử năm 612, đã than trước pháp trường rằng: "Ta làm những điều kia cho hắn, thì mong gì sống lâu được".
Tuy nhiên, các sử gia ngày nay lên tiếng nghi ngờ sự kiện này. Ho cho rằng Văn Đế qua đời là do bệnh tật, không liên quan đến Dạng Đế và câu chuyện bịa đặt vu khống Dương Quảng là do tác giả Triệu Nghị trong cuốn Đại Nghiệp lược ký viết vào đầu thời nhà Đường dựng lên. Các sử gia biên soạn Tùy thư đã lấy theo đó mà chép vào tác phẩm.
Dù vậy, việc Dương Quảng giết cha Dương Kiên, chiếm ngôi Vua, từ lâu dường như đã trở thành sự thật hiển nhiên trong nhận thức của người Trung Quốc.
Sau khi giết cha, Thái tử Dương Quảng sai người tới chỗ Tuyên Hoa phu nhân, tặng nàng một hộp nhỏ làm bằng vàng, phong ấn kĩ càng. Nàng hoảng sợ, cho rằng trong đó là rược độc, không dám mở. Tuy nhiên sau khi mở hộp ra thì đó là những chiếc đồng tâm kết bằng gấm (vốn được coi là vật tượng trưng tình yêu của người Trung Quốc).
|
Tùy Văn Đế. Ảnh. Minh họa. |
Ngày 21 tháng 8, Dương Quảng chính thức lên ngôi, tức Tùy Dạng Đế. Tuyên Hoa theo chế độ cung Tùy, phải nhập Tiên Đô cung để cầu đảo cho Tiên đế siêu thoát. Ngay sau đó nàng bị Dạng Đế bắt quay trở về hậu cung, nạp làm thiếp. Nàng bất đắc dĩ phải thuận theo. Tuyên Hoa, chính thức trở thành phu nhân của cả hai đời vua Tùy, Văn Đế và Dạng Đế.
Một năm sau, tháng 7.605, Tuyên Hoa đột ngột qua đời, hưởng dương 29 tuổi. Cái chết của mỹ nhân họ Trần cũng là một bí ẩn nhiều tranh cãi. Có nguồn khẳng định, Tuyên Hoa, trong cảnh tủi nhục khi phải làm vợ con trai người chồng đã chết, sinh bệnh mà tử. Lại có tin đồn rằng, nàng tự sát mà chết.