Trương Quý phi là phi tần được Hoàng đế Tống Nhân Tông đặc biệt sủng ái, là một trong những nữ nhân nổi tiếng nhất trong lịch sử nhà Tống. Trương thị có xuất phát điểm là một "vũ nữ" cung đình với tài nghệ xuất chúng, sau đó từng bước trở thành sủng phi cao quý nhất hậu cung, nhận được sủng ái đặc biệt của Hoàng đế.
Xuất thân của Trương thị không quá thấp, bà sinh ra trong một thư hương thế gia, gia cảnh trung lưu. Năm Trương thị 8 tuổi, cha bà đột ngột qua đời, mẹ bà đã đưa bà và các em đến nương nhờ người thân trong gia tộc nhưng bị cự tuyệt. Cuối cùng, Trương thị bị bán vào làm ca nhi trong phủ của Kinh Quốc đại trưởng công chúa, con gái của Tống Thái Tông.
Nhìn thấy dung mạo, khí chất và tài nghệ của Trương thị, Kinh Quốc đại trưởng công chúa đã đưa bà vào cung học tập và huấn luyện. Chính nhờ quyết định này mà cuộc đời của Trương thị đã rẽ sang một chương mới. Trong một buổi yến tiệc, Tống Nhân Tông đã say mê nhan sắc của Trương thị. Năm đó Tống Nhân Tông 30 tuổi còn Trương thị vừa tròn 16.
Theo ghi chép trong sách sử, ngoài mỹ mạo tuyệt trần và tài năng xuất chúng, Trương thị lại biết cách thâu tóm tâm tư của người khác. Bà không chỉ có khả năng nhìn thấu mọi chuyện mà còn biết rõ bản thân nên làm gì và không nên làm gì. Nhờ "chiến thuật tâm lý" đó mà Trương thị được Hoàng đế sủng ái hơn, bà nhanh chóng thăng từ Ngự thị đến Thanh Hà quận quân, Tài nhân, Tu viên.
Ảnh minh họa.
Sự thăng cấp vượt bậc của Trương thị đã phá vỡ những quy tắc trong cung, một năm có thể thăng 3 cấp liên tục. Trương thị có được cuộc sống cao quý và ân sủng vượt trội mà Tào Hoàng hậu cũng khó có thể có được.
Sau 3 năm trở thành sủng phi của Hoàng đế, Trương thị hạ sinh 3 người con gái nhưng đều chết yểu.
Năm 1048, Tống Nhân Tông tấn phong Trương thị làm Quý phi, bà là nữ nhân đầu tiên được phong làm Quý phi dưới triều nhà Tống. Cảm thấy phong Trương thị làm Quý phi còn chưa đủ thể hiện tình cảm của mình, Hoàng đế còn nhiều lần muốn lập sủng phi làm Hoàng hậu nhưng đều bị quần thần cản lại.
Nhiều người tin rằng, sự sủng ái của Tống Nhân Tông dành cho Trương thị như một kiểu giết người. Không thể lập sủng phi làm Hoàng hậu, ông liền tăng sức ảnh hưởng của ngoại thích Trương thị. Tống Nhân Tông phong cho chú của Trương thị nhiều chức vụ quan trọng dù không có năng lực, khiến các đại thần bất mãn và phẫn nộ.
Ảnh minh họa.
Trước hành động quá quắt của Hoàng đế, Bao Chửng đã dâng tấu sớ phản đối và được nhiều quan viên đồng tình. Dù vậy, chức vụ của chú Trương thị vẫn thăng tiến liên tục dưới sự chống lưng của Tống Nhân Tông.
Còn ở hậu cung, Trương thị luôn xem thường Tào Hoàng hậu, nhiều lần dùng nghi trượng của Hoàng hậu để xuất cung. Nhưng Tào Hoàng hậu vốn nhân từ, không để tâm những đố kỵ của Trương thị.
Năm 1054, Trương thị đột ngột qua đời vì bạo bệnh, khi vừa 30 tuổi. Hoàng đế đau buồn tột độ, nghỉ thiết triều 7 ngày, cấm hoạt động vui chơi tiệc tùng ở kinh thành suốt 1 tháng sau đó. Dù sủng phi đã chết nhưng Tống Nhân Tông vẫn không từ bỏ ý định phế truất Tào thị và lập Trương thị lên vị trí Hoàng hậu.
Bất chấp ý kiến phản đối quyết liệt của quần thần, Tống Nhân Tông đã truy phong sủng phi làm Hoàng hậu, đặt thụy hiệu là Ôn Thành Hoàng hậu dù Tào thị vẫn đang tại vị Hoàng hậu. Ông còn làm lễ an táng cho Trương thị theo nghi lễ của Hoàng hậu và dựng miếu thờ riêng cho bà.
Theo Thủy Linh/Gia đình & Xã hội