Lịch sử Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3)
Ngày Quốc tế Phụ nữ có tên gọi khác là ngày Ngày Liên Hiệp Quốc vì Nữ quyền và Hòa bình Quốc tế, được kỉ niệm vào ngày 8 tháng 3 hàng năm. Ngày này vào năm 1977 chính thức được Liên Hiệp Quốc công nhận.
|
Hai Bà Trưng sẽ luôn sống mãi cùng dân tộc. Ảnh: Soha. |
Lần đầu tiên lễ kỷ niệm đươc tổ chức vào ngày 28 tháng 2 năm 1909 tại New York (Mỹ) do Đảng Xã hội Mỹ tổ chức. Tại thời điểm đó, một cuộc biểu tình nhân ngày Phụ nữ vào ngày 8 tháng 3 năm 1917 tại Petrograd đã làm dấy lên cuộc Cách mạng Nga. Liên bang Xô Viết quyết định tuyên bố ngày này là ngày nghỉ quốc gia kể từ năm 1917.
Trong Hội nghị phụ nữ do Quốc tế thứ II (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa) tổ chức ngày 8 tháng 3 năm 1910, Chủ tịch là Clara Zetkin, phụ nữ Đức, đã lên tiếng đề nghị chọn một ngày để làm ngày kỷ niểm Quốc tế Phụ nữ đã đấu tranh trên toàn thế giới.
Vào tháng 8 năm 1910, một cuộc Hội nghị Phụ nữ Thế giới được tổ chức tại Copenhagen, Đan Mạch. Luise Zietz đề nghị việc thành lập ra một Ngày Phụ nữ Quốc tế hằng năm và được Clara Zetkin ủng hộ. Các đại biểu gồm 100 phụ nữ đến từ 17 quốc gia đã đồng ý với ý tưởng này, đây là một chiến lược nhằm thúc đẩy quyền bình đẳng, bao gồm cả việc phụ nữ được quyền bỏ phiếu.
Ngày 19 tháng 3 năm 1911, ở Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ, ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức lần đầu tiên với hơn một triệu người tham gia.
Tại Pháp, xảy ra cuộc diễu hành phụ nữ tại Ringstrasse và mang các biểu ngữ tôn vinh những người đã hy sinh của Công xã Paris. Phụ nữ yêu cầu họ muốn được quyền bầu cử và giữ chức vụ công. Họ cũng phản đối việc cách phân biệt đối xử về giới tính trong việc làm.
Trong khi đó ở Hoa Kỳ, người Mỹ họ chọn ngày Chủ nhật cuối cùng của tháng 2 để tổ chức Ngày Phụ nữ Quốc gia.
Năm 1914, ngày Quốc tế Phụ nữ được tổ chức vào ngày 8 tháng 3, có thể bởi vì ngày đó là chủ nhật và kể từ đó ngày này được tổ chức vào ngày 8 tháng 3 ở tất cả các quốc gia.
Hiện nay, ngày Quốc tế Phụ Nữ chính thức được công nhận tại các nước trên thế giới như: Afghanistan, Angola, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Bulgaria, Burkina Faso, Campuchia, Cuba, Gruzia, Guinea-Bissau, Eritrea, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Lào, Madagascar, Moldova, Mông Cổ, Nga, Nepal, Tajikistan, Trung Quốc, Turkmenistan, Uganda, Ukraina, Uzbekistan, Việt Nam và Zambia...
Tưởng nhớ Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng
Tại Việt Nam, ngày 8 tháng 3 được nhiều người coi là ngày nhằm kỷ niệm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng. Hai vị nữ anh hùng dân tộc đầu tiên đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc, để giành lại chủ quyền, giữ nguyên bờ cõi, giang sơn đất Việt. Đây cũng là niềm tự hào của dân tộc nước ta.
Theo chính sử, Hai Bà Trưng quê ở làng Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh - Hà Nội. Cha là lạc tướng huyện Mê Linh nhưng mất sớm, mẹ là bà Nguyễn Thị Đoan. Hai Bà Trưng từ lúc sinh ra đã có tư chất thông minh, xinh đẹp thuộc dòng dõi Vua Hùng.
Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng đã phất cờ khởi nghĩa. Lời hịch thiêng liêng “Đền nợ nước, trả thù nhà” đã nhận được sự hưởng ứng của các Lạc hầu, Lạc tướng, giương cờ khởi nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương đứng lên chống giặc ngoại xâm. Cuộc khởi nghĩa được quân, dân khắp nơi ủng hộ. Chỉ sau một thời gian ngắn, nghĩa quân đã thu lại 65 huyện, thành là toàn bộ lãnh thổ nước Việt ngày đó...
Sau cuộc khởi nghĩa thành công, Bà Trưng Trắc được các tướng lĩnh và nhân dân suy tôn lên làm vua. Bà lên ngôi và lấy niên hiệu là Trưng Nữ Vương đóng đô ở Mê Linh - huyện Mê Linh - tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay.
Ngoài Hai Bà Trưng, còn có những người phụ nữ yêu nước của Việt Nam mãi muôn đời lưu danh, tổ quốc ghi công và noi theo gương sáng của các bà, các mẹ, các chị như: Thái hậu Dương Vân Nga, Nguyên phi Ỷ Lan, Huyền Trân công chúa, Nữ tướng Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, tướng Nguyễn Thị Định, các Mẹ Việt Nam Anh hùng mà tiêu biểu là sự hy sinh vô bờ của Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Thứ,..
Ngày Quốc tế Phụ nữ, tại Việt Nam được kỷ niệm một cách trang trọng. Một ngày mà người phụ nữ nhận được những món quà, hoa, kèm theo đó là lời chúc tốt đẹp, yêu thương đến từ người thân của mình.
Theo Đổng Thắng/Văn Hiến