Ngọc tỷ truyền quốc là dấu triện hoàng đế Trung Quốc, từ thời nhà Tần, các vị vua phong kiến đã sử dụng ngọc tỷ trên các văn thư quốc chiếu ban bố.
Để củng cố quyền lực của mình, các vua dù cướp ngôi hay được truyền ngôi đều muốn có trong tay ngọc tỷ truyền quốc. Ngọc tỷ truyền quốc được truyền qua nhiều triều đại và biến cố trong lịch sử Trung Quốc. Một trong những con dấu nổi tiếng bậc nhất trong lịch sử Trung Hoa chính là ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng.
Chờ đợi 3 đời vua để chứng minh ngọc quý
Báu vật ngọc tỷ tương truyền được tạo thành từ viên ngọc quý nhất thế gian có tên ngọc bích họ Hòa. Tích cũ kể lại, vào thời Xuân thu chiến quốc, có một người đàn ông nước Sở có tên Biện Hòa nhặt được 1 viên đá ở trên núi, vốn là người tinh thông, nên Biện Hòa khẳng định đây chính là báu vật trần gian. Năm đó, Biện Hòa tự mình dâng viên đá cho Sở Lệ Vương nhằm bày tỏ lòng cung kính.
Thấy vật lạ, Sở Lệ Vương liền mời chuyên gia về ngọc tới thẩm định nhưng ngọc quý không lộ diện, người thợ kim hoàn bèn phán "Thưa chúa công, đây chỉ là hòn đá thường". Tức giận, Sở Lệ Vương bèn trừng phạt Biện Hòa bằng cách chặt chân trái và đuổi ra khỏi thành.
Nhiều năm sau đó, Sở Võ Vương lên ngôi kế vị, lúc này Biện Hòa tiếp tục dâng đá quý, cay đắng hơn, thêm 1 lần hàm oan, Biện Hòa bị vua trẻ chặt nốt chân còn lại.
Thời gian cứ thể trôi đi cho đến khi Sở Văn Vương lên ngôi, Biện Hòa đã sức tàn lực kiệt, 2 chân bị mất, ông ngồi ôm hòn đá quý ngồi dưới chân ngọn Sở Sơn mà gào khóc 3 ngày 3 đêm đến chảy máu mắt.
Nghe tin lạ này, Sở Văn Vương đã phái người tới để hỏi nguyên nhân, Biện Hòa thưa rằng: "Tôi khóc không phải là thương cho hai chân tôi bị chặt, chỉ thương là ngọc thật mà cho là đá thường và bị xem là kẻ nói dối".
Nhà vua nghe xong liền cho ngọc công kiểm tra lại thật kỹ thì quả nhiên đây là viên ngọc bích tinh khiết hoàn hảo, báu vật ngàn đời, lúc này Biện Hòa đã chết, nhà vua ban lệnh đặt viên ngọc quý là Hòa thị bích (hay Ngọc bích họ Hòa) và được coi là quốc bảo của nước Sở.
Thời gian sau, viên ngọc quý được Sở Văn Vương ban thưởng cho quan Lệnh doãn Chiêu Dương, người lập công to với nước Sở, thế nhưng, Chiêu Dương trong 1 lần sơ xuất đã làm mất ngọc bích họ Hòa và không tìm ra thủ phạm.
Khối ngọc khiến quân vương "dứt lòng" đánh đổi tới 15 tòa thành
Vào năm 283 TCN, ngọc bích họ Hòa đột ngột xuất hiện và trở thành quốc bảo của nước Triệu dưới giai đoạn trị vì của Triệu Huệ Văn Vương. Câu chuyện ngọc quý đến tai Tần Chiêu Tương Vương (cụ nội của Tần Thủy Hoàng).
Sử ký Tư Mã Thiên có chép lại, khi ấy nước Tần gây áp lực với Triệu, lấy 15 tòa thành để đổi lấy ngọc bích họ Hòa nhưng thực chất là chỉ muốn cướp ngọc về.
Triệu Vương đã cử Lạn Tương Như làm sứ giả hộ tống ngọc quý, tuy nhiên khi biết được mưu đồ của Tần Chiêu Tương Vương nên Lạn Tương Như đã dọa đập vỡ ngọc, sau đó dùng kế để đưa ngọc trở về lại nước Triệu.
Tới năm 228 TCN, nước Tần đánh bại nước Triệu, ngọc bích họ Hòa lọt vào tay Tần Thủy Hoàng, sau này thống nhất Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng đã ra lệnh cho đẽo viên ngọc quý này thành ngọc tỷ truyền quốc vào năm 221 TCN.
Tần Thủy Hoàng đã cho tìm khắp các ngọc công, ngọc sư về để khắc ngọc, được biết, trên ngọc tỷ có khắc 8 chữ "Thụ mạng ư thiên, ký thọ vĩnh xương" (nghĩa là "Nhận lệnh trời ban, tồn tại mãi mãi") do chính thừa tướng Lý Tư viết dựa theo ý chỉ của hoàng đế đầu tiên trong lịch sử Trung Hoa.
Kể từ đó, ngọc bích họ Hòa trở thành ngọc tỷ truyền quốc của nhà Tần, mang ý nghĩa tượng trưng cho vương triều chính thống, ngôi vị và quyền lực tối thượng của hoàng đế. Tuy nhiên, nhà Tần chỉ tồn tại ngắn ngủi đến thời Tần Nhị Thế thì sụp đổ.
Sự kiện Triệu Cao giết Tần Nhị Thế xảy ra gây biến động, y từng muốn cầm ngọc tỷ xưng vương nhưng không được lòng tin của quần thần nên phải lập Tử Anh làm Tần vương.
Lên ngôi không lâu, Tử Anh giết được Triệu Cao, nhưng không cứu được cơ nghiệp nhà Tần. Năm đó, Lưu Bang hạ thành Hàm Dương, Tử Anh đem theo ngọc tỷ giao cho Lưu Bang để đầu hàng, sau đó Lưu Bang dâng ngọc tỷ lại cho Tây Sở Bá Vương Hạng Vũ.
Nhưng với thắng lợi trong chiến tranh Hán-Sở, ngọc tỷ lại trở về với Lưu Bang và trở thành ngọc tỷ truyền quốc của nhà Hán.
Sau đó, không ai biết ngọc tỷ ấy ở đâu, nó đột nhiên biến mất một cách đầy bí ẩn khoảng giữa năm 907-960 và biến mất từ đó.
Dù vậy, có không ít lời đồn và ghi chép về ngọc tỷ truyền quốc của Tần Thủy Hoàng xuất hiện trong các thư tịch. Cụ thể, vào thời nhà Minh, nhà Thanh, người ta cũng từng phát hiện ra ngọc bích họ Hòa nhưng đa số đều cho đó là đồ giả. Từ đó đến nay, tung tích của ngọc tỷ truyền quốc "hàng thật" vẫn còn là bí ẩn chưa có lời giải.
Theo PV/Người Đưa Tin