Người Ai Cập cổ đại biết gì về thiên thạch?

Google News

Nghiên cứu các văn bản tượng hình hé lộ khả năng người Ai Cập biết rằng các thiên thạch giàu sắt rơi xuống Trái đất từ bên ngoài hành tinh.

 

“Nhà vua Unis bắt lấy bầu trời và chia tách sắt của nó”.
Dòng chữ tượng hình được khắc trong kim tự tháp 4.400 năm tuổi này là bằng chứng cho thấy người Ai Cập cổ đại đã biết về nguồn gốc ngoài Trái đất của các tảng thiên thạch giàu sắt – từ hàng ngàn năm trước khi các nhà khoa học châu Âu đi tới cùng kết luận.
Ngoài những câu chuyện dân gian, kiến thức này đã tiêu biến cùng với thế giới cổ đại, cùng với những câu chuyện thần thoại, ngôn ngữ, hệ thống chữ viết và các nghi thức. Cho tới cuối thế kỷ 18, trong các hội tri thức ở châu Âu, thì ý tưởng thiên thạch rơi xuống từ bầu trời mới được dè dặt nêu lên lần nữa.
Phải thừa nhận rằng người Ai Cập cổ không được công nhận xứng đáng trong lịch sử khoa học, nhất là thiên văn học. Không như người Babylon và Hy Lạp, người Ai Cập không sử dụng các hệ thống toán học để dự đoán những hiện tượng thiên văn trong phần lớn lịch sử của mình. Tri thức của họ về sắt không được ghi chép sinh động và tuyến tính trong các cuốn sách khoa học. Thay vào đó, nó được lồng ghép trong các ẩn dụ và nghi thức.

Con dao găm bằng sắt thiên thạch của Vua Tutankhamun. Nguồn: Daniela Comelli
Nhà Ai Cập học Victoria Almansa-Villatoro đã dành nhiều năm cố gắng tìm hiểu về các biểu tượng cổ – nhất là những cái được dùng trong chữ tượng hình – để khám phá tri thức và niềm tin của lớp người từng cư ngụ ven bờ sông Nile. Gần đây, sau khi phân tích các chữ tượng hình trong tập hợp các nghi lễ cổ tên là Tài liệu Kim tự tháp, cô mới biết rằng từ lâu người Ai Cập đã khám phá ra sự thật quan trọng về sắt: Nó có thể tới từ các thiên thạch.
Vị trí của sắt trong lịch sử
Nhiều học giả sẽ nói là Thời kỳ đồ sắt bắt đầu từ khoảng 3.300 năm trước ở Anatolia,nơi người Hittite phát minh ra phương pháp khai thác sắt kim loại từ các khoáng vật quặng như hematit. Quá trình luyện kim này đòi hỏi việc tạo ra nguồn nhiệt và kiểm soát nhiệt độ trên 1.260°C. Tuy các sa mạc ở Ai Cập chứa nhiều quặng sắt, nhưng người Ai Cập cổ chưa thành thạo kỹ thuật luyện sắt cho tới 2.600 năm sau – muộn hơn người Hittite và các xã hội khác ở phương bắc khoảng 700 năm.
Tuy nhiên, các vật thể bằng sắt xuất hiện sớm hơn thời điểm đó rất nhiều ở Ai Cập. Thực tế, đồ vật bằng sắt được xác định là lâu đời nhất thế giới là những hạt sắt nhỏ trong chuỗi hạt được chôn ở Gerzeh, một ngôi làng khoảng 5.300 năm tuổi ở miền Bắc Ai Cập. Các đồ vật bằng sắt khác xuất hiện trước Thời kỳ đồ sắt cũng được tìm thấy ở Ai Cập, bao gồm chiếc bùa hộ mệnh trong lăng mộ 4.000 năm tuổi của Nữ hoàng Aashyet ở Deir el-Bahari và lưỡi dao găm trong lăng mộ vua Tutankhamun.
Vậy kim loại này tới từ đâu, trước khi kỹ thuật luyện sắt ra đời nhiều thế kỷ?
Câu trả lời là thiên thạch.

Chữ X đánh dấu hạt sắt trong chuỗi hạt khai quật ở Gerzeh. Nguồn: Bảo tàng Khảo cổ Ai Cập Petrie
Khoa học hiện đại cho chúng ta biết rằng sắt tồn tại dưới dạng kim loại trong lõi các tiểu hành tinh. Những mảnh nhỏ của các tiểu hành tinh đá này thi thoảng rơi xuống Trái đất dưới dạng thiên thạch nguyên vẹn, giàu sắt.
So với sắt luyện kim, sắt thiên thạch thường có các tinh thể khoáng lớn hơn và hàm lượng các nguyên tố khác cao hơn, chẳng hạn như niken và coban. Các nghiên cứu trong thập niên qua phân tích những đặc điểm này đã xác nhận rằng người Ai Cập cổ nhiều khả năng đã sử dụng loại sắt từ bầu trời để tạo ra các hạt sắt ở Gerzeh, con dao găm của Tutankhamun, và các món đồ bồi táng khác.
Vũ trụ trong chữ tượng hình
Trong thời gian làm nghiên cứu tiến sĩ, nhà Ai Cập học Victoria Almansa-Villatoro cũng tìm hiểu cả tiếng Sumer, ngôn ngữ xuất hiện cách đây khoảng 5.000 năm ở Lưỡng Hà. Ba từ vị, hay sự kết hợp của các dấu hiệu, đã gợi thấy chữ “sắt” của người Sumer đều chứa ký hiệu bầu trời.
Điều này khiến cô nghĩ về từ “sắt” trong tiếng Ai Cập cổ xuất hiện ở thiên niên kỷ II TCN: bjA n pt (sắt của bầu trời). Almansa-Villatoro tự hỏi là liệu người Sumer và người Ai Cập có biết rằng sắt có thể tìm thấy trong thiên thạch hay không.
Ngoài ra, tiếng Sumer tồn tại trước ngôn ngữ Ai Cập tới vài thế kỷ. Liệu có phải hiểu biết này bắt nguồn ở vùng Lưỡng Hà và lan truyền tới Ai Cập chăng?
Khi đào sâu tìm tòi, cô biết rằng người Ai Cập cổ chắc hẳn đã độc lập phát hiện sắt từ thiên thể, sớm hơn 1.000 năm trước khi từ bjA n pt sớm nhất xuất hiện. Cùng thời điểm với người Sumer, người Ai Cập đã sáng tác các bài tụng niệm nghi lễ về bầu trời và có sắt (bjA)trong đó.Những tài liệu tham khảo sớm nhất về sắt của người Ai Cập liên quan tới các vì sao, thiên thạch và bầu trời tới từ Tài liệu Kim tự tháp, tập hợp các dòng chữ được khắc trên mặt tường bên trong các kim tự tháp từng chứa xác ướp của các vì vua và nữ hoàng Ai Cập thuộc Vương triều V đến Vương triều VIII, trị vì khoảng 4.400–4.100 năm trước. Bao hàm nhiều cách viết và nói khác nhau, tài liệu này nhiều khả năng là các bài kinh mai táng mà các tư tế tụng niệm để giúp những người đã khuất trong hoàng tộc tới được thế giới bên kia trên bầu trời.

Nữ thần Nut đại diện cho bầu trời trong tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại, hình ảnh trên trần một ngôi đền. Nguồn: DeAgostini
Tài liệu này giúp các nhà nghiên cứu biết được người Ai Cập cổ đã có những hiểu biết thế nào về vũ trụ. Các chữ khắc miêu tả bầu trời như một chiếc bát sắt chứa nước, những mảnh có thể rơi xuống Trái đất dưới dạng thiên thạch hoặc mưa. Nhưng ta khó mà nắm bắt được hình ảnh này vì nó được tóm lược trong các ẩn dụ và trải dài trong nhiều đoạn văn không liền mạch.
Để giải được câu đố, cô Almansa-Villatoro đã giải mã các ẩn dụ và kết nối các đoạn văn lại với nhau. Chìa khóa để vượt qua thách thức này là hệ thống chữ viết. Chữ tượng hình Ai Cập thể hiện âm thanh (như hệ thống chữ cái), ý tưởng (ví dụ: sơ đồ mặt bằng của một ngôi nhà có thể chỉ “ngôi nhà”) và cách phân loại (sơ đồ ngôi nhà tương tự ở cuối một từ có thể biểu thị từ đó đề cập đến một loại công trình). Chữ tượng hình mang lại sắc thái biểu tượng mà bản dịch hiện đại không thể truyền đạt được.
Trong Tài liệu Kim tự tháp, từ chỉ sắt được viết bằng một chữ tượng hình thể hiện một công cụ chứa nước hình bán cầu — cách người Ai Cập ghi nhận bầu trời. Sắt và bầu trời có thể hoán đổi trong các văn bản, đó là lý do vì sao các đoạn văn mô tả người chết đi trên sắt và nhà vua cần phá vỡ hàng rào sắt để tới được bầu trời.
Tri thức về tôn giáo Ai Cập cũng giúp cô lý giải được tài liệu. Chẳng hạn, nữ thần Nuthiện thân cho bầu trời. Người Ai Cập cổ tin rằng vị vua đã khuất sẽ hồi sinh nhờ quay lại nước ối nguyên thủy trong bụng nữ thần Nut. Do vậy, biểu tượng tương tự để chỉ sắt đã được dùng làm từ phân loại các từ “tử cung” và “tốt”.
Những thứ ban đầu có thể bị cho là liên tưởng ngẫu nhiên mô tả kim loại, phụ nữ và nước hóa ra lại là sản phẩm phụ của một cách diễn giải chính xác về nguồn gốc của sắt thiên thạch. Ở Ai Cập, 4.400 năm trước, từ chỉ sắt có thể mang nghĩa bầu trời bởi vì người Ai Cập đã biết rằng sắt là một phần của bầu trời.
Một số học giả phản đối khả năng người Ai Cập cổ đã biết điều đó, bởi lẽ thiên thạch đâm vào Trái đất vẫn là một hiện tượng hiếm hoi quan sát được. Song, cũng như các học giả ở thời kỳ Khai sáng ở châu Âu đã phủ nhận những câu chuyện dân gian về nguồn gốc ngoài hành tinh của thiên thạch và cho rằng các “tảng đá sấm sét” bí ẩn tới từ núi lửa hay sét đánh, báo cáo về thiên thạch rơi xuống và hố va chạm vẫn được người dân thời Trung cổ lưu truyền lại.
Tri thức có thể tồn tại qua nhiều thế kỷ, thậm chí qua hằng thiên niên kỷ. Ở Ai Cập cổ, nó được lồng ghép trong các ẩn dụ, câu chuyện và nghi thức có thể dễ dàng ghi nhớ.

Theo Khoa học & Phát triển