Ngôi nhà với những kỷ niệm
Giữa ngày thu tháng Tám năm 2017, do sự trùng hợp ngẫu nhiên, tôi có dịp gặp ông Dương Tự Minh, người tù Hỏa Lò mang số thẻ VN 2017. Ông Minh mỉm cười khi tôi nhắc đến sự trùng hợp này, và nói: “Có lẽ sau tôi không ai phải đeo chiếc thẻ này nữa vì khi ra tù tôi đã giấu nó để mang về làm kỷ niệm”.
Cuộc gặp hôm đó diễn ra ở nhà riêng của ông Minh tại 98A phố Hàng Bông (Hà Nội), ngôi nhà gắn liền với những kỷ niệm của gia đình ông sau Cách mạng Tháng Tám. Thấy một tấm ảnh lớn được treo trên tường, tôi lại gần xem và được ông Minh cho biết đó chính là gia đình của ông. Lúc này, tôi mới biết ông là con trai út của cố giáo sư Dương Qu
|
Tấm thẻ tù VN 2017. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
|
Ông Dương Tự Minh (người vẫy tay) tại Đại hội Thanh niên và sinh viên Thế giới năm 1955. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Ông Dương Tự Minh kể, khi lên mười tuổi vào năm 1945, gia đình ông có hai sự kiện đáng nhớ. Sau Cách mạng Tháng Tám, giáo sư Dương Quảng Hàm được Chính phủ ta cử làm Thanh tra Trung học vụ và Hiệu trưởng Trường Chu Văn An (trước đây là trường Bưởi). Tiếp đó, trong ngày Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945, chị gái ông là bà Lê Thi (tức Dương Thị Thoa) vinh dự là một trong hai người phụ nữ được kéo cờ Tổ quốc tại quảng trường Ba Đình lịch sử. Ông Dương Tự Minh cho biết: Nghe chị tôi kể lại, sáng 2/9/1945, xuất phát tại phố Hàng Bông, theo chỉ thị của cấp trên, bà Lê Thi đã tập hợp hơn 100 phụ nữ mặc áo dài trắng, đi bộ qua Cửa Nam xuống đường Điện Biên Phủ để tiến về Quảng trường Ba Đình dự lễ Tuyên ngôn Độc lập. Khoảng 13 giờ 30 ngày 2/9, Quảng trường Ba Đình không còn chỗ trống, hàng vạn người dân Thủ đô và vùng lân cận đều đổ về đây đón chờ giờ phút trọng đại của dân tộc. Lúc đó, một đồng chí trong Ban tổ chức tiến đến mời bà Lê Thi lên tham gia kéo cờ trên lễ đài. Đến nơi, bà Lê Thi thấy một phụ nữ người dân tộc Tày (sau này bà mới biết đó là vợ đồng chí Hoàng Văn Thái) đang nâng lá cờ màu đỏ, giữa có sao vàng năm cánh nên nhanh chóng đứng lại gần để cùng nhau kéo cờ. Khi thấy cờ Tổ quốc được kéo lên đỉnh cột cờ, bà Lê Thi xúc động trào nước mắt. Bà xúc động hơn khi thấy trên lễ đài, Hồ Chủ tịch đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa…
Khi nước nhà được thành lập, giáo sư Dương Quảng Hàm là Hiệu trưởng trường Chu Văn An đến khi kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Lúc này, Thực dân Pháp đàn áp rất ác liệt, nhiều người đã khuyên giáo sư nên rời trường nhưng ông chưa đi do chưa nhận được chỉ thị của trên.“Đến khi được lệnh rút, bố tôi đã bị Thực dân Pháp giết hại khi đang rời khỏi nội thành”- ông Dương Tự Minh cho biết. Rồi ông kể, sau khi cha mất, gia đình ông lên chiến khu, các anh chị của ông phần lớn tham gia kháng chiến. Sau đó, bà Dương Quảng Hàm đưa hai con nhỏ là Dương Thị Cương và Dương Tự Minh trở lại nhà cũ để làm cơ sở nuôi dưỡng cán bộ kháng chiến hoạt động nội thành. Lúc này trường Chu Văn An đã mở lại, Dương Tự Minh vào học lớp đệ nhất (tương đương lớp 6 bây giờ).
Trong thời gian học tại trường, Dương Tự Minh cùng chị gái Dương Thị Cương tham gia vào tổ chức học sinh kháng chiến do Thành Đoàn thanh niên cứu quốc Hà Nội lãnh đạo. Công việc chính của Đoàn là tổ chức các hoạt động cho học sinh kháng chiến các trường ra báo bí mật, rải truyền đơn, treo cờ, tuyên truyền cho kháng chiến… Trong những năm 1949-1950, phong trào hoạt động rất mạnh khiến kẻ địch khiếp sợ, nhưng chúng không dám bắt những người chủ chốt vì sợ các trường sẽ đồng loạt bãi khóa phản đối. Chờ đến dịp hè, học sinh nghỉ học, địch mới đến từng nhà những học sinh hoạt động tích cực để bắt. “Chị em tôi cùng bị bắt tại ngôi nhà 98A Hàng Bông này. Nhưng sau khi giam giữ một thời gian, chúng phải thả vì không có đủ chứng cứ để kết tội” - ông Minh cho biết.
|
(Từ phải sang) ông Lê Tám, Trần Khắc Cần (hàng trước), Dương Tự Minh, Nguyễn Kim Khiêm (hàng sau) khi mới ra khỏi nhà tù Hỏa Lò. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Tấm thẻ tù VN 2017
Sau khi ra tù ít lâu, Dương Tự Minh được kết nạp vào Đoàn Thanh niên Cứu quốc Hà Nội. Lúc này, ông là một trong những thành viên tham gia tích cực vào việc tổ chức in và phát báo “Nhựa sống”, một tờ báo bí mật của Đoàn học sinh kháng chiến Hà Nội. Nội dung báo “Nhựa sống” kêu gọi các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên đoàn kết, tin tưởng ở Cách mạng Việt Nam, đồng thời chia sẻ những kinh nghiệm đấu tranh của sinh viên thế giới. Báo “Nhựa sống” được in ở nhiều cơ sở khác nhau, trong đó có một điểm in tại 98A Hàng Bông, nhà ông Minh. Ông Minh kể: “Sau khi in xong, chúng tôi tổ chức đem phát cho các đối tượng cần tuyên truyền. Thí dụ như học sinh chúng tôi, khi đi học thường cho báo vào cặp, đến khi ra chơi thì lén đặt vào ngăn bàn các bạn trong lớp”. Rồi ông cho biết, sức tuyên truyền của tờ báo “Nhựa sống” có sự lôi cuốn mạnh trong tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên khiến kẻ địch rất hoang mang nên chúng tổ chức triệt phá tờ báo. Vào tháng 10/1952, cơ sở in tại 98A Hàng Bông bị lộ do chỉ điểm, nhưng khi địch đến chỉ thu được một số báo “Nhựa sống” và ít tài liệu tuyên truyền. Lúc đó Dương Tự Minh đang đi học, địch đã đến trường Chu Văn An để bắt ông.
Dương Tự Minh bị giam tại Hỏa Lò khi mới 17 tuổi. Bị bắt với ông còn có những đồng đội khác cùng làm công việc in và phát báo “Nhựa sống” là Lê Tám, Nguyễn Kim Khiêm, Trần Khắc Cần. Tại Hỏa Lò, sau khi bị khám xét kỹ lưỡng, mỗi người được phát một số thẻ tù bằng gỗ in số khắc chìm, có dây luồn phía trên để đeo vào cổ. Cầm tấm thẻ mang số VN 2017, Dương Tự Minh thấy nó đã cũ, mặt sau có vết lõm xuống nên tự hỏi: “Không biết trước mình ai đã mang tấm thẻ này, người đó giờ còn sống hay đã chết?”. Hôm sau, khi bị gọi lên lấy cung, tên Tây lai đánh phủ đầu Dương Tự Minh túi bụi, rồi mới nói: “Mày có nhận ra tao không?”.
Tuy trả lời “không”, nhưng Dương Tự Minh nhớ chính tên này đã hỏi cung mình trong lần bị bắt năm 1950. Thấy thế, tên Tây lai bèn kẹp dây vào hai tai Dương Tự Minh để quay điện. Cứ như vậy, trong những ngày tại Hỏa Lò, địch nhiều lần tra hỏi ông tham gia in và phát báo “Nhựa sống” thế nào, còn hoạt động Cách mạng ở những lĩnh vực gì… nhưng Dương Tự Minh nhất quyết không khai. Trong khi đó, bên ngoài tờ báo “Nhựa sống” vẫn tiếp tục được in, đấu tranh cho những học sinh bị địch bắt, tù đày. Trước tình hình đó, sau gần một năm giam giữ, địch muốn đưa ông Minh và 3 đồng đội ra tòa để xử thật nặng nên gửi hồ sơ lên cấp trên xin ý kiến. Tuy nhiên, chính quyền Thực dân thấy khó kết tội nặng nên chỉ thị để ông Minh cùng 3 đồng đội được tạm tha, cho tại ngoại.
“Khi ra tù, chúng tôi cùng nhau chụp một tấm ảnh làm kỷ niệm, đến nay tôi vẫn còn giữ. Còn tấm thẻ VN 2017 có được sau khi mang khỏi nhà tù, gần đây tôi đã tặng lại cho Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò để phục vụ trưng bày”- ông Dương Tự Minh cho biết.
Ngay khi ra tù vào năm 1953, ông Dương Tự Minh được đưa về căn cứ bí mật của Thành Đoàn Hà Nội, rồi nhận nhiệm vụ trở lại nội thành hoạt động. Lúc này, ông thoát ly gia đình, hoạt động bí mật dưới tên khác. Sau giải phóng Thủ đô, Dương Tự Minh trở lại trường Chu Văn An học tiếp trung học, trở thành Bí thư Chi đoàn Thanh niên cứu quốc của trường. Năm 1955, ông vinh dự là đại diện cho học sinh vùng mới giải phóng đi dự Đại hội Thanh niên và sinh viên thế giới tại Vác-sa-va (Ba Lan). Sau đó, ông về công tác tại Thành Đoàn Hà Nội, rồi Trung ương Đoàn, có những đóng góp cho công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi. Năm 1987, sau hơn 30 năm hoạt động Đoàn, Dương Tự Minh chuyển sang công tác khác. Sau khi nghỉ hưu, ông hiện là Phó Ban liên lạc các chiến sĩ Cách mạng bị địch bắt tù đày tại nhà lao Hỏa Lò.
Theo Kiến Nghĩa/ Tiền Phong