Nhưng đấy chỉ là trên phim, còn ở đời thực thì trông họ như thế nào? Hãy cùng ngắm nhìn những bức ảnh chân thực của Phúc tấn, Cách cách cuối triều đại nhà Thanh qua ống kính của các nhiếp ảnh gia thời ấy. Những bức ảnh này được trích từ cuốn "Trung Quốc tín trát (thư tín)" của Sarah Pike Conger.
|
Phúc tấn của Khắc Cần Quận vương Tấn Kỳ. |
Sarah sinh sống tại Bắc Kinh, Trung Quốc từ năm 1898-1905 và có mối quan hệ thân thiết với nhiều nữ quyến Hoàng tộc. Bà không nói rõ nguồn gốc của những bức ảnh trong cuốn sách này, nhưng người ta suy đoán rất nhiều trong số đó là do Sarah tự chụp.
Trong nhiều bộ phim, cách gọi Phúc tấn và Cách cách khá phổ biến. Tuy nhiên trên thực tế, ai được gọi với danh xưng gì đều được quy định rất rõ ràng.
Theo quy định trong "Đại Thanh hội điển", chính thê của Thân vương, Vương tử, Quận vương được gọi là Phúc tấn, thiếp thất (thê thiếp) được gọi là Trắc Phúc tấn. Chính thê của Bối lặc, Bối tử, Trấn quốc công, Thế tước được gọi là Phu nhân, thê thiếp được gọi là Trắc Phu nhân. Đây là những danh xưng được triều đình sắc phong chính thức, thứ tự phân cấp nghiêm ngặt, không được tùy tiện gọi bừa.
|
Cách cách của Khắc Cần Quận vương Tấn Kỳ. |
Từng có một số bộ phim gọi con gái của Hoàng đế là Cách cách, kỳ thực đây lại là cách gọi không đúng. Con gái của Vua đều được gọi là Công chúa, còn Cách cách là tước vị dành cho con gái của các Thân vương, Quận vương, Bối lặc, Bối tử, Nhập bát phân Trấn quốc công, Phụ quốc công. Ngoài ra, những cô con gái dòng dõi Hoàng thất chưa được sắc phong Cách cách được gọi là Tông nữ.
Cùng là Cách cách nhưng lại được chia thành 5 cấp bậc khác nhau: Con gái của Thân vương là Quận chủ, con gái của Quận vương là Huyện chủ, con gái của Bối lặc là Quận quân, con gái của Bối tử là Huyện quân, con gái của Nhập bát phân Trấn quốc công và Phụ quốc công là Hương công.
|
Phúc tấn của Túc Thân vương Thiện Kỳ. |
Những bức ảnh trong "Trung Quốc tín trát" đã khắc họa hình tượng phục sức hoa lệ của nữ quyến Hoàng tộc cuối triều Thanh. Tuy vẻ ngoài hào nhoáng, nhưng biểu cảm trên gương mặt họ lại khá buồn tẻ, cứng nhắc. Khi đối diện với người ngoại quốc, những vị nữ nhân tôn quý này dường như lại thiếu đi sự hoạt bát và tự tin.
Tuy rằng từ năm 1840, triều đình nhà Thanh đã mở rộng cửa giao lưu với nước ngoài, nhưng các thành viên Hoàng thất lại không thân thiết với người ngoại quốc. Chính vì vậy, những vị nữ quyến này lại càng ít có cơ hội giao du hơn.
Mãi sau này, Từ Hi Thái hậu nhận ra tầm quan trọng của việc giao lưu với nước ngoài, nên đã cho mời phu nhân của sứ giả các nước đến Hoàng cung thăm thú, chuyện trò. Dưới sự tác động của Thái hậu, các Phúc tấn và Cách cách bắt đầu mở rộng quan hệ với người nước ngoài.
|
Con gái của Túc Thân vương Long Cần - Thiện Khôn Cách Cách. |
Sarah cho biết, qua nhiều lần gặp gỡ với các vị nữ quyến Hoàng tộc, họ đã rút gọn khoảng cách văn hóa và dần trở thành bạn bè. Ngày 26/12/1903, Sarah mời được Đích Phúc tấn Tịnh Phương của Quận vương Thuận Thừa và một số vị nữ quyến Hoàng tộc đến dự tiệc. Bà cho biết, việc họ nhận lời đến tham dự yến tiệc cho thấy những người phụ nữ này đã cởi mở hơn trong suy nghĩ. Họ đều mặc trang phục lộng lẫy, cao sang, trang điểm xinh đẹp và đeo móng tay giả bằng vàng.
Không lâu sau đó, những vị nữ quyến quyền quý này lại mời Sarah và 11 vị phu nhân của sứ giả các nước đến dự một bữa tiệc do họ tổ chức. Sarah hồi tưởng lại trong bữa tiệc ấy, ai cũng tao nhã, khí chất đúng chuẩn Hoàng gia, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp. Thậm chí, lúc mọi người ra về, họ còn nói rất rõ "goodbye" với các vị quan khách.
Nhưng đến khi những vị nữ quyến Hoàng tộc ngày càng thích ứng hơn với việc ngoại giao thì cũng là lúc triều đình nhà Thanh lụi tàn. Và những nữ nhân ấy cũng dần chìm vào quên lãng…
|
Phu nhân cùng con trai, con gái của Bối tử Bác Luân. |
|
Đích Phúc tấn (chính thê) Tịnh Phương của Thuận Thừa Quận vương Nột Lặc Hách. |
|
Phu nhân của Bối lặc Dục Lãng. |
|
Đại Cách cách Hằng Huệ của Bối lặc Dục Lãng. |
|
Con gái của Trấn quốc tướng quân Dục Trường. |
|
Con gái và cháu gái của Vương công Duke Jung. |