Vào giai đoạn cuối Đông Hán thời Tam Quốc, Tào Tháo từ một kẻ phải trốn chui trốn lủi do hành thích hụt Đổng Trác, dần dần trở thành một thế lực hùng mạnh nhờ việc kết thân với các địa chủ và không ngừng chiêu mộ nhân tài. Sau đó, dưới danh nghĩa của thiên tử, chinh phạt tứ phương, thống nhất phương Bắc, xây dựng nên nhà Tào Ngụy với thực lực mạnh nhất đương thời.
Lưu Bị tuy thuộc dòng dõi Hán thất nhưng đem so với Tào Tháo lại hoàn toàn thua kém về mọi mặt. Thế nên cho dù được Tào Tháo công nhận là một vị anh hùng tề danh cùng ông, nhưng Lưu Bị vẫn quá nhỏ bé so với quy mô của Tào Tháo bấy giờ. Tuy nhiên, nếu như Tào Tháo "dùng Thiên tử lệnh chư hầu", thì Lưu Bị lại dùng "dùng nhân nghĩa trị thiên hạ", vì thế mà sau này những Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung, Gia Cát Lượng hay Bàng Thống đều cam tâm tận trung với Lưu Bị.
Trong 3 vị quân chủ nổi tiếng nhất Tam Quốc, có lẽ Tôn Quyền là người "nhàn hạ" nhất. Tôn Quyền được thừa hưởng cơ ngơi của phụ thân Tôn Kiên và huynh trưởng Tôn Sách, không phải đích thân tham gia một trận đánh lớn nào, ông chỉ như một vị quân chủ thủ thành, trông giữ địa bàn của mình. Mặt khác, gia tộc họ Tôn có thể ổn định Giang Đông là nhờ dựa vào sự ủng hộ từ thế lực của các gia tộc nơi đây, vì vậy văn võ bá quan trong triều đa số toàn là người của các gia tộc lớn, thường dân rất khó để được trọng dụng.
Trường hợp của Mã Trung là một ví dụ. Ông là một tướng sĩ mưu dũng song toàn, là người duy nhất thời Tam Quốc có thể giết chết 2 nhân vật thuộc Ngũ hổ tướng nhà Thục Hán, thế nhưng cả đời vẫn chỉ thuộc hàng tiểu tướng.
Năm xưa Quan Vũ bại trận rút về Mạch Thành, Tôn Quyền một mặt cho người đi khuyên hàng, một mặt phái Chu Nhiên và Phan Chương chặn đường rút lui của Quan Vũ.
Mã Trung lúc đó là một tiểu tướng dưới chướng của Phan Chương. Chính Mã Trung là người đã dự đoán chính xác đường tháo chạy của Quan Vũ, đồng thời bố trận phục kích để bắt sống thành công được người đứng đầu nhóm Ngũ hổ tướng.
Quan Vũ khi đó có thể nói đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, dùng thủy công nhấn chìm Phàn Thành, chém Bàng Đức, bắt sống Vũ Cấm. Nếu không vì Đông Ngô đánh úp Kinh Châu, Quan Vũ chưa chắc đã phải nhận thất bại.
Dù vậy, với Thanh Long Uyển Nguyệt Đao trên tay cùng với ngựa Xích Thố ngày đi vạn dặm, để bắt được Quan Vũ là điều không hề dễ dàng. Tuy nhiên, Mã Trung đã dự đoán chính xác đường lui của Quan Vũ, để sớm bố trận phục kích ở một hẻm núi hiểm trở, khiến Quan Vũ chỉ có thể buông đao chịu trói. Sự kiện này đủ để thấy Mã Trung là người cũng có mưu lược hơn người.
Sau khi bị bắt, Quan Vũ nhanh chóng bị Mã Trung chém đầu, diệt đi một mối họa cho Đông Ngô. Để ghi nhận công lao của Mã Trung, Tôn Quyền đã đem ngựa Xích Thố của Quan Vũ ban thưởng cho ông.
Quan Vũ bị giết, Lưu Bị nổi cơn thịnh nộ, dốc hết binh lực nhà Thục báo thù Đông Ngô, phát động đại chiến Di Lăng.
Hoàng Trung là một vị Ngũ hổ tướng đi theo Lưu Bị trong trận chiến này, dù tuổi đã cao nhưng vẫn biểu hiện vô cùng xuất sắc, ông chém chết Sử Tịch, uy hiếp Phan Chương. Khi Hoàng Trung đang nắm lợi thế thì hai đạo binh do Chu Thái và Hàn Đương thống lĩnh ào tới.
Hoàng Trung ra sức chống cự nhưng bị Mã Trung dùng tên bắn trúng, phải bỏ chạy. Dù được đưa về doanh trại chữa trị nhưng Hoàng Trung vẫn không thể qua khỏi.
Cần biết rằng Hoàng Trung được mệnh danh là Tam Quốc đệ nhất cung pháp, vì vậy nếu bản lĩnh không cao thì Mã Trung khó mà có thể bắn chết được Hoàng Trung.
Bất kể là trong "Tam Quốc Chí" của Trần Thọ hay "Tam Quốc Diễn Nghĩa" của La Quán Trung, thông tin về Mã Trung tương đối ít, kể cả về ngoại hình hay chiến công, chỉ biết ông xuất thân trong gia cảnh nghèo khó.
Vì vậy, cho dù là người duy nhất giết được 2 nhân vật trong Ngũ hổ tướng, đem về rất nhiều lợi thế cho Đông Ngô, thì Mã Trung cũng không được phong quan ban tước, chỉ được ban thưởng duy nhất ngựa Xích Thố. Tuy nhiên, sau khi Quan Vũ hi sinh, Xích Thố cũng tuyệt thực mà chết.
Sau này, thượng cấp của Mã Trung là Phan Chương bị Quan Hưng giết, Mã Trung thúc quân tiến đánh Quan Hưng. Quan Hưng trong thế đã nao núng thì Trương Bao kịp thời dẫn một đạo quân đến ứng cứu. Mã Trung vội vàng rút về hội quân cùng My Phương và Phó Sĩ Nhân.
Tuy nhiên, My Phương bàn với Phó Sĩ Nhân rằng Thục chủ Lưu Bị chỉ căm hận Mã Trung, nên giết Trung để lập công chuộc tội, hi vọng được quay về Thục doanh.
Nhân lúc nửa đêm canh ba, My Phương cùng Phó Sĩ Nhân đâm chết Mã Trung, rồi đem thủ cấp sang Hào Đình dâng lên cho Lưu Bị. Quan Hưng thiết ngay linh vị Quan Vũ ở trong dinh, Lưu Bị đích thân dâng đầu Mã Trung lên cúng tế.
Theo Đời Sống và Pháp Luật