Không chỉ là một nhà khoa bảng lừng danh chữ nghĩa, Lý Công Bình còn là tướng lĩnh tài ba, 2 lần dẫn quân đánh bại dã tâm xâm lược Đại Việt của Đế quốc Angkor.
Nhà khoa bảng thời Lý
Lý Công Bình là một nhân vật lịch sử có thật, tuy nhiên ông cũng là nhân vật để lại nhiều tranh cãi về tên tuổi, thân thế. Thần tích làng Thanh Nghĩa, xã Đồn Xá (Bình Lục, Hà Nam) đồng nhất Lý Công Bình với nhân vật Cương Công và cho rằng, ông là người khai khoa cho truyền thống khoa bảng đất Hà Nam với học vị Thái học sinh (năm 1125).
Theo đó, vào thời vua Lý Nhân Tông, Lý Thần Tông (1072 - 1138), làng Thanh Nghĩa có ông bà Nguyễn Danh Khang - Trương Thị Nguyệt nhiều đời chuyên tâm làm việc thiện, tu nhân, tích đức.
Năm Tân Dậu (1081), bà Trương Thị Nguyệt sinh người con trai mặt mũi khôi ngô, tuấn tú, đặt tên là Cương Công. Năm 7 tuổi Cương Công đã bộc lộ rõ sự thông minh, sáng dạ, học một biết mười, lên 11 tuổi đã ra dáng một tráng nhi văn võ toàn tài.
Năm 1125, triều đình mở khoa thi kén chọn người tài, Cương Công xin cha mẹ ứng thí và đỗ Đệ nhị Hoàng giáp. Năm Mậu Thân (1128), vua Lý Thần Tông cho vời Đệ nhị Hoàng giáp Cương Công vào triều.
Thấy Cương Công dung mạo khôi ngô, phong thái khoan thai, đĩnh đạc, trí lực toàn tài, nhà vua vô cùng mừng vui bèn se duyên, tác mối gả con gái là Lan Hoa công chúa cho và ban quốc tính đổi họ tên phò mã Cương Công thành Lý Công Bình.
Tuy nhiên, xét theo sử liệu đăng khoa thì hầu hết các chi tiết về nhân vật Cương Công – Lý Công Bình đều mâu thuẫn với lịch sử, bởi thời nhà Lý chưa có danh hiệu Tiến sĩ và càng không có việc chia cấp bậc đệ nhất, đệ nhị để gọi là Hoàng giáp. Mãi đến thời nhà Trần, danh hiệu Hoàng giáp (đệ nhị giáp) mới được quy định lần đầu vào năm Kiến Trung thứ 8 (1232).
Theo đó, Hoàng giáp là danh hiệu đứng thứ hai trong hệ thống các loại học vị Tiến sĩ, trên đệ tam giáp nhưng dưới đệ nhất giáp. Đặc biệt trong năm 1125, nhà Lý không có khoa thi nào. Thứ hai, vua Lý Thần Tông sinh năm 1116, nghĩa là đến năm 1128 mới 13 tuổi. Ở tuổi 13 thì không thể có công chúa đủ tuổi để gả chồng.
Một số nguồn tư liệu địa phương ở Vĩnh Phúc lại cho Lý Công Bình là Phạm Công Bình, người xã An Lạc, huyện Yên Lạc, phủ Tam Đái, Sơn Tây (nay là thôn Yên Lạc, xã Đồng Văn, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc).
Nguồn tư liệu và dấu tích hiện còn tại đền thờ thôn An Lạc lại khẳng định Phạm Công Bình đỗ Trạng nguyên (hoặc Thủ khoa sau được thờ tự với danh hiệu Trạng nguyên) khoa Mậu Thìn niên hiệu Trinh Khánh thứ 3 đời Lý Huệ Tông.
Nguồn tư liệu này lý giải Lý Công Bình vốn họ Phạm, sau được ban quốc tính (họ Lý), đến thời Trần phải kiêng húy Trần Lý nên sử ghi là Nguyễn Công Bình. Tuy nhiên, thời vua Lý Huệ Tông không hề có năm Mậu Thìn cũng như niên hiệu là Kiến Gia.
Do đó, một số nguồn cho rằng Phạm Công Bình đỗ năm Kiến Gia thứ 3 (1214). Thế nhưng điều này lại mâu thuẫn vì Lý Công Bình là nhân vật sống vào nửa đầu thế kỷ 12 mà thời Kiến Gia là đầu thế kỷ 13.
Có nguồn khác cho rằng Phạm Công Bình thi đỗ vào năm 1123, tức năm Thiên Phù Duệ Vũ thứ 4 thời Lý Nhân Tông. Tuy nhiên, tất cả các chính sử đều không ghi chép gì về khoa cử trong hai năm 1123 và 1214. Vì thế, Lý Công Bình, Phạm Công Bình, Nguyễn Công Bình có phải là một người hay không vẫn là những nghi vấn, đồng thời là những câu hỏi chưa có đáp án đồng nhất.
Tuy nhiên, dù thế nào cũng phải khẳng định nhân vật Lý Công Bình là có thật, được chính sử như "Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư", tập I, bản khắc in năm Chính Hòa thứ 18 ghi chép.
Phò mã cầm quân đánh trận
Theo thần tích làng Thanh Nghĩa, sau khi trở thành phò mã, Lý Công Bình lạy tạ rồi xin nhà vua rước Lan Hoa công chúa về quê bái yết gia tiên, ra mắt cha mẹ, họ mạc. Ông bà Nguyễn Danh Khang - Trương Thị Nguyệt cùng dân làng Thanh Nghĩa mừng vui khôn xiết, mở hội ăn mừng.
Ít lâu sau thân phụ, thân mẫu Lý Công Bình cùng đột ngột qua đời, Lan Hoa công chúa xót thương vô cùng, hết lòng lo liệu chu tất mọi việc rồi xin vua cha ở lại quê chồng chịu tang cho trọn đạo dâu con.
Sẵn lòng thảo hiền và ý nguyện góp sức hộ quốc an dân, Lan Hoa công chúa nhất mực chăm lo, truyền dạy dân chúng Thanh Nghĩa cung cách làm ăn, lại dốc lòng bỏ tiền tôn tạo đường sá, cầu cống, mở mang chợ.
Mấy năm sau, đất nước có ngoại bang xâm lấn, vua Lý Thần Tông triệu phò mã Lý Công Bình cùng Lan Hoa công chúa về triều bàn việc. Vua phong Lý Công Bình là đại tướng, cấp 10 vạn quân, lại thuận theo ý con gái cấp cho Lan Hoa 3 vạn binh để cùng chồng đi dẹp giặc ngoại bang, giữ yên bờ cõi.
Lúc này người Khmer hùng bá Đông Nam Á, những cuộc chinh phục khắp nơi giúp người Khmer bá chủ vùng đất rộng lớn đến 1,2 triệu km2, bao gồm cả Miến Điện (Myanmar), Campuchia, Lào, Thái Lan, vùng Nam Bộ thuộc Việt Nam ngày nay, hình thành Đế quốc Angkor rộng lớn với sự trị vì của vua Suryavarman II. Trong khi đó diện tích của Đại Việt thời nhà Lý nhỏ bé, lại có nhiều địch thủ nhòm ngó.
Ngày 4 tháng Chạp năm Đinh Mùi (1127), vua Lý Nhân Tông mất, Lý Thần Tông lên nối ngôi khi mới 12 tuổi. Nghe tin vua Đại Việt mất, vua mới lại còn nhỏ tuổi, vua Suryavarman II cho rằng thời cơ đã đến liền nhanh chóng cất quân chinh phục Đại Việt.
Việc này, sách "Đại Việt sử ký bản kỷ toàn thư" chép: "Suryavarman II cho 20.000 quân sang tấn công bến Ba Đầu thuộc châu Nghệ An. Triều đình nhà Lý cử Nhập nội Thái phó Lý Công Bình điều động các đô quan chức đi đánh dẹp.
Đến tháng 2, Lý Công Bình đại phá quân Chân Lạp, gửi thư báo thắng trận về kinh thành Thăng Long. Lý Thần Tông đến các cung Thái Thanh, Cảnh Linh và các chùa quán trong thành để lễ tạ ơn Phật và Đạo. Đến tháng 3, Lý Công Bình về kinh thành, dâng số tù nhân bắt được là 169 người".
Hai lần lập công lớn
Sau đó Suryavarman II còn 2 lần tấn công Đại Việt (tháng 8/1128 và năm 1132) nhưng đều bị đánh bại và đến năm 1135, Chân Lạp buộc phải triều cống Đại Việt trở lại.
Cuối năm 1135 và năm 1136, các đại thần nhà Lý là Trương Bá Ngọc (Lê Bá Ngọc), Lưu Khánh Đàm, Dương Anh Nhĩ lần lượt qua đời, triều đình nhà Lý mất đi nhiều trụ cột. Tháng 1/1137, Suryavarman II lần thứ tư đem quân sang đánh Đại Việt, cho tướng Tô Phá Lăng tấn công Nghệ An.
Lý Công Bình khi đó đang giữ chức Thái úy được cử đi đánh dẹp. Đến tháng 2, trước đó Nghệ An xảy ra động đất và nước sông hiện màu đỏ như máu, Lý Công Bình báo cáo về triều đình, sau đó đem quân đánh bại quân đội Chân Lạp.
Sử sách không ghi chép gì về việc phong thưởng cho Lý Công Bình sau khi thắng trận. Bởi vậy khi bàn về việc vua làm lễ tạ ơn trời đất và Đạo mà không ban thưởng công trạng, sử gia Lê Văn Hưu viết trong "Đại Việt sử ký toàn thư" rằng: "Phàm việc trù tính ở trong màn trướng đều là công của người tướng giỏi cầm quân làm nên. Thái phó Lý Công Bình phá được quân Chân Lạp vào cướp ở châu Nghệ An và sai người báo tin thắng trận, Thần Tông đáng lẽ phải làm lễ cáo thắng ở Thái Miếu rồi xét công ở triều đình để thưởng cho bọn Công Bình về công đánh giặc, đàng này lại quy công cho Phật và Đạo đi các chùa quán để lạy tạ, như thể không phải là cách để ủy lạo kẻ có công và cổ vũ chí khí của quân sĩ".
Tuy nhiên, thần tích làng Thanh Nghĩa lại khẳng định, sau khi lập công hiển hách, Lý Công Bình cùng Lan Hoa công chúa được vua ban thưởng, cho lập ấp ở phủ Lý Nhân. Công việc đại sự còn dở dang thì Lan Hoa công chúa đột ngột qua đời. Vua Lý Thần Tông vô cùng thương xót, bèn cho phò mã Lý Công Bình về quê hương Thanh Nghĩa lập đền phụng thờ.
Lý Công Bình xây đền, tự tay viết bài vị, lại bày tỏ tâm nguyện với dân làng Thanh Nghĩa rằng sau này khi qua đời sẽ được viết bài vị thờ cùng hiền thê công chúa. Sau khi Lý Thần Tông băng hà (năm 1138), Lý Anh Tông lên ngôi kế vị lại cho vời Lý Công Bình vào triều cùng chăm lo chính sự, góp sức vun đắp nền thịnh trị, thái bình.
Khắc nhớ công ơn cha mẹ sinh thành, ghi tạc nghĩa tình phu thê sâu nặng, Đại tướng Lý Công Bình về quê ban tiền của mua ruộng làm đất công, lập lệ cho dân làng thờ tự lâu dài. Mọi việc chu tất, ông đem theo vài chục gia nhân đi hộ vệ tìm về Quyền Châu thăm lại chiến trường xưa, nơi đã cùng Lan Hoa lập công lớn.
Đúng mùng 10 tháng 10 năm Tân Dậu (1141), ông đến đỉnh núi Lĩnh Sơn ngoạn cảnh, trời bỗng thình lình nổi mưa to, gió lớn, Lý Công Bình thoắt cái hiển linh hóa thánh… Gia nhân theo hầu vội về tâu với Lý Anh Tông, nhà vua bàng hoàng trước sự lạ, lập tức phong sắc "Thượng đẳng phúc thần" và chuẩn cho dân làng Thanh Nghĩa lập ngôi thờ phụng để muôn đời ghi tạc công lao, ân đức.
Dân làng Thanh Nghĩa lập bài vị, tôn trí Thiên Cương đại vương Lý Công Bình tại đình làng. Cứ ba năm một kỳ, hội làng Thanh Nghĩa với đầy đủ lề tục rước xách, tế lễ, hội hè để truyền tụng lề xưa, tích cũ. Đình Thanh Nghĩa nổi tiếng bởi kiến trúc độc đáo theo lối nội công - ngoại kích, 5 nóc, 10 mái, 17 gian, 52 cột và có nét dáng cổ kính bề thế.
Năm 2009, theo Quyết định số 305/QÐ-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, đình Thanh Nghĩa được công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Theo Trần Siêu/GD&TĐ