Macedonia là một vùng thuộc Nam Âu, tiếp giáp với biên giới phía Bắc Hy Lạp. Macedonia có hai khu vực địa lý: miền thượng là vùng đồi núi cao nguyên thích hợp với việc chăn nuôi; miền hạ là vùng đồng bằng thuận tiện cho trồng trọt. Macedonia có nhiều gỗ quý, kim loại màu. Cư dân sống chủ yếu về chăn nuôi và trồng trọt, và sử dụng ngôn ngữ như ngôn ngữ của cư dân vùng Thessalie, Bắc Hy Lạp. Khi các thành bang Hy Lạp đã đạt tới thời kỳ phát triển huy hoàng của chế độ chiếm hữu nô lệ thì người Macedonia vẫn còn sống ở giai đoạn loạt kỳ của xã hội thị tộc.
Alexander Đại đế I (495-450 TCN) được coi là người đã thiết lập nên Nhà nước của người Macedonia, Archélaus (419-399 TCN) là người kế tục hoàn thiện và củng cố nhà nước Macedonia. Archélaus đã xây dựng thành phố Pella thành Thủ đô tráng lệ của xứ Macedonia, thiết lập hệ thống tiền tệ, xây dựng nhiều đường giao thông, khuyến khích sự phát triển của kinh tế công thương nghiệp, xây dựng lực lượng quân sự…
Đến thế kỷ 4 TCN, nhờ tiếp thu và học hỏi những thành tựu văn hóa, khoa học – kỹ thuật của các quốc gia lân bang (nhất là Hy Lạp), Macedonia đã nhanh chóng phát triển thế lực và trở thành một quốc gia hùng cường ở khu vực Balkans, khi các quốc gia – thành bang của người Hy Lạp đã dần suy yếu.
Philippe II (359 – 336 TCN), người đặt nền móng cho sự cường thịnh của Macedonia, đã thực hành một loạt cải cách kinh tế, xã hội và quân sự, tạo nên một quốc gia Macedonia thống nhất, giàu mạnh về kinh tế, hùng cường về quân sự, và có những chính sách đối ngoại khôn khéo. Philippe II đã tăng cường và tích cực xây dựng lực lượng, dự trữ lương thảo để thực hành chính sách xâm lược, bành trướng. Đánh chiếm Chalcidique và Thrace, Philippe II đã mở đầu công cuộc chinh phục và thống trị các quốc gia Hy Lạp của người Macedonia. Năm 338 TCN, Philippe II thống lĩnh một đạo quân lớn đánh thẳng xuống miền lục địa Hy Lạp. Một lần nữa, các thành bang Hy Lạp lại liên kết với nhau để chống trả (do Athènes và Thèbes lãnh đạo). Nhưng khác hẳn với thời gian chống Ba Tư, các thành bang Hy Lạp, do nhiều lý do khác nhau, đã không liên kết và chống trả thành công. Trận kịch chiến giữa Philippe II và Liên minh Hy Lạp đã xảy ra ở Chéronée – Béotie. Liên quân các thành bang Hy Lạp đại bại: toàn bộ chiến binh Thèbes tử trận, 1.000 binh sĩ Athènes bị giết, 2.000 binh sĩ khác bị bắt làm tù binh.
Năm 337 TCN, tại Corinth, Philippe II đã triệu tập hội nghị toàn thể các thành bang Hy Lạp (Thành bang Sparta không tham dự) thiết lập Đồng minh Corinth (còn gọi là Đồng minh Hy Lạp) do Macedonia chỉ huy. Về hình thức, các thành bang Hy Lạp vẫn giữ được quyền độc lập, nhưng thực ra đã bị lệ thuộc vào Macedonia (nhất là về quân sự, ngoại giao).
Từ năm 334 TCN đến năm 30 TCN, Alexander Đại đế của người Macedonia tiến hành một cuộc chinh phạt vĩ đại nhất lịch sử thế giới cổ đại. Với sức mạnh quân sự mạnh mẽ của mình, quân Alexander Đại đế tràn vào chiếm Babylon, Suse, Persépolis – những thủ phủ quan trọng nhất của Ba Tư. Đế quốc Ba Tư thứ Nhất diệt vong sau 200 năm tồn tại. Không dừng lại, Alexander Đại đế tiếp tục cho quân tràn vào chiếm Erbatane – kinh đô của Vương quốc Mêdi, Parrthie, Bactriane và tiến sâu vào vùng Trung Á. Tại Trung Á, quân Alexander Đại đế gặp phải sự chống đối quyết liệt của cư dân địa phương, 2.000 chiến binh Macedonia bỏ mạng. Vì vậy sau khi đã đè bẹp sự phản kháng ở vùng này, Alexander Đại đế đã thẳng tay tàn sát cư dân: 120.000 người đã bị giết hại.
Từ Afghanistan, Alexander Đại đế Macedonia thân chinh chỉ huy quân Macedonia tràn vào Tây Bắc Ấn Độ (vùng Pendjab) và làm chủ vùng này. Alexander Đại đế còn định tiếp tục vượt sông Indus (sông Ấn) vào sâu trong nội địa, nhưng vì quá mệt mỏi trên các nẻo đường chinh chiến, lại bị người Ấn thường xuyên đột kích, quấy phá, Alexander Đại đế buộc lòng phải cho quân Macedonia rút về nước (năm 325 TCN) sau khi đã để lại một lực lượng đồn trú tại Pendjab.
10 năm chinh chiến đầy chiến tích, bằng vũ lực, Alexander Đại đế đã thiết lập nên một quốc gia rộng lớn, bao gồm lãnh thổ của nhiều vùng, nhiều quốc gia có trình độ kinh tế, tổ chức chính trị khác nhau, nhiều trung tâm của thế giới cổ đại. Biên giới phía Bắc tới tận vùng Iran, Trung Á, phía Nam xuống vùng Bắc châu Phi, phía Tây tới bán đảo Balkans và phía Đông tiếp giáp với miền Tây Bắc Ấn Độ.
Sức mạnh quân sự của Macedonia dựa vào sức mạnh kỉ luật và vững chãi của những bộ binh theo đội hình Phalanx và khả năng cơ động, đột phá của những đội kị binh Hetairoi thiện chiến. Bộ binh Phalanx của Macedonia phát triển dựa trên đội hình Phalanx của các chiến binh Hoplite Hy Lạp nhưng được trang bị ngọn giáo dài hơn và luôn chiến đấu theo đội hình phối hợp với kị binh xung kích.
Alexander Đại đế đã chọn Babylon làm kinh đô của đế quốc. Để thống trị cai quản đế quốc rộng lớn này, ông đã chia đế quốc thành những trấn (satrapes), sử dụng quan lại địa phương bên cạnh các Tổng trấn người Macedonia, duy trì trật tự, xã hội bằng bạo lực, quân đội. Alexander Đại đế nuôi tham vọng xâm chiếm vùng Ả rập và đã tích cực chuẩn bị, thăm dò đường thủy dọc sông Euphrate và những điểm có thể đổ bộ lên bán đảo này, nhưng giữa lúc đó – ngày 13/6/323 TCN, Alexander Đại đế chết đột ngột vì bệnh sốt rét ác tính, lúc đó mới 33 tuổi. Cái chết đột ngột của Alexander Đại đế đã làm cho tình hình đế quốc Macedonia khủng hoảng, đúng như dự đoán của chính Alexander Đại đế khi đang còn nằm trên giường bệnh: “Các tướng quân của ta sẽ làm cho đám tang của ta đẫm máu”.
Cuộc xung đột giữa các tướng lĩnh Macedonia đã diễn ra, các nhà sử học Hy Lạp gọi cuộc xung đột này là “Xung đột của các Diadekhos”. Những người kế tục các tướng quân đã tôn Aride (em trai Alexander Đại đế) làm Hoàng đế, Perdicas là Tể tướng nắm quyền nhiếp chính, nhưng thực tế là chia nhau hùng cứ các vùng. Ptolémé ở Ai Cập, Léonide ở Syria, Philos ở Sicile, Antigonos ở Phrygie, Nearkhos ở Lycie… Cuối cùng, đến thế kỷ 3 TCN, đế quốc Macedonia bị phân liệt thành nhiều quốc gia nhỏ, trong đó có ba quốc gia lớn nhất (với những vận mệnh lịch sử khác nhau):
1. Quốc gia Ptolémée, bao gồm Ai Cập, một phần Libya, thủ phủ là thành phô Alexandria.
2. Quốc gia Séleucus, gồm những vùng đất của đế quốc Ba Tư cũ ở châu Á, trung tâm là Syrie.
3. Quốc gia Antigonos, gồm đất đai của Macedonia cũ và phần lục địa Hy Lạp.
Sau đó, do nhiều biến cố lịch sử, lãnh thổ của người Macedonia bị thu hẹp dần. Đến năm 192 TCN, người La Mã tấn công Macedonia. Vua Philippos V và Hoàng tử Perseus thất bại trong cuộc chiến chống lại những đội quân của Cộng hòa La Mã (2 lần vào năm 192 TCN và 168 TCN), hầu hết lãnh thổ Macedonia bị người La Mã chinh phục. Đến năm 30 TCN, những thành phố cuối cùng của người Macedonia cũng rơi vào tay người La Mã. Macedonia diệt vong vả trở thành 1 tỉnh của La Mã.
Thời kỳ lịch sử từ khi Alexander Đại đế Macedonia Đông chinh (năm 334 TCN) cho tới khi bị La Mã xâm chiếm và biến thành một tỉnh của La Mã (năm 30 TCN) được gọi là thời kỳ Hy Lạp hóa (Hellénisme) do người Macedonia chịu ảnh hưởng của văn hóa Hy Lạp đã mang văn hóa Hy Lạp đi khắp các vùng lãnh thổ chiếm đóng.
Trong thời kỳ Hy Lạp hóa, nền văn hóa Hy Lạp được phổ biến và truyền bá mạnh mẽ sang các nước xung quanh (kể cả những vùng đất thuộc châu Âu), tạo nên bộ mặt phồn vinh của phương Đông, tạo nên những thành thị lớn với tư cách là những trung tâm thương mại lớn như Antioch (Syria), Alexandria (Ai Cập)…
Thời kỳ Hy Lạp hóa, những điều kiện khách quan đã tăng thêm sức sống cho các thành bang Hy Lạp, tạo điều kiện cho Hy Lạp phục hưng lại nền kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng, suy thoái.
Thời kỳ Hy Lạp hóa là thời kỳ có sự giao lưu của nền văn hóa Đông – Tây. Văn học, nghệ thuật, khoa học – kỹ thuật… Hy Lạp đã được truyền bá và ảnh hưởng sâu sắc tới văn hóa, lối sinh hoạt của các quốc gia phương Đông. Ngược lại, người Hy Lạp cũng tiếp thu được nhiều thành tựu văn hóa, khoa học – kỹ thuật của phương Đông (kể cả lối sống, cách trang phục theo kiểu Ba Tư, Ấn Độ). Thời kỳ Hy Lạp hóa cũng là thời kỳ có sự pha trộn chủng tộc lớn trong lịch sử nhân loại.
Người Macedonia có công rất lớn trong việc đưa văn hóa Đông – Tây trở nên gần với nhau hơn.
Theo MA/Lịch sử các nền văn minh nhân loại