Nếu ai đã đọc qua tác phẩm Tam quốc chí thông tục diễn nghĩa hay còn được gọi là Tam Quốc Diễn Nghĩa, một tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của La Quán Trung viết vào thế kỷ 14, thì chắc hẳn không còn quá xa lạ với cái tên "Xích Thố".
Tuy nhiên, không nhiều người biết tại sao tuấn mã của hai vị anh hùng thời Tam Quốc Lã Bố và Quan Vân Trường (tên thật là Quan Vũ) sử dụng lại có cái tên là Xích Thố mà không phải là tên gọi khác.
Giải mã tên gọi "Xích Thố": Ngựa quý của Lã Bố và Quan Vân Trường
Không hổ được xếp vào hàng tứ đại danh tác (bốn tác phẩm văn học cổ điển được cho là danh tiếng nhất của Trung Quốc), Tam Quốc Diễn Nghĩa là một tác phẩm kinh điển, miêu tả lại thời kỳ hỗn loạn và đầy biến động Tam Quốc (190-280), không chỉ thành công trong việc định hình các nhân vật nổi tiếng mà còn tạo ra rất nhiều thứ in sâu vào trong tâm trí của người đọc.
Trong đó, Xích Thố, tuấn mã có màu đỏ của hai vị anh hùng Lã Bố và Quan Vân Trường, chắc chắn là con ngựa nổi tiếng nhất trong tiểu thuyết này cũng như những bộ phim về Tam Quốc.
Chính vì vậy, không ít người tò mò và hiểu nhầm về Xích Thố (赤兔), con ngựa có cái tên kỳ lạ này.
Khiến nhiều người tưởng nhầm là thỏ đỏ khi mới nghe tên, bởi vì chữ 兔 (thố) trong tiếng Hán có nghĩa là thỏ, còn 赤 (xích) để chỉ màu đỏ.
Một số người cũng tò mò rằng một con ngựa quý (tương truyền một ngày có thể đi được ngàn dặm, nhảy qua hào và dễ dàng trèo non lội suối) của những vị anh hùng nổi tiếng thời Tam Quốc như Lã Bố và Quan Vân Trường, thì tại sao cái tên của nó lại được ghép với loài động vật nhỏ và dễ thương như thỏ, để tạo nên một sự "tương phản" như vậy?
Câu hỏi đặt ra là cái tên "Xích Thố" (có nghĩa là con thỏ đỏ) xuất phát từ đâu?
Người ta cho rằng cái tên "Xích Thố" được nhà văn La Quán Trung sử dụng là dựa trên nguyên mẫu của con ngựa quý này trong lịch sử. Cụ thể, theo trong các cuốn như "Tam Quốc Chí", "Ngụy Thư" và "Lã Bố truyện", ghi chép lại rằng vào thời kỳ này: "Có một con ngựa quý với toàn thân màu đỏ".
Mặt khác trong dân gian Trung Quốc còn lưu truyền câu nói về con ngựa nổi tiếng này cùng vị chủ nhân tài ba của nó: "Nhân trung Lã Bố, mã trung Xích Thố" (có nghĩa là "Người có Lã Bố, ngựa có Xích Thố", được coi như một lời tôn vinh cho người và vật hiếm có trên đời này.
Tuy nhiên, theo một số ghi chép lịch sử, cái tên "Xích Thố" của tuấn mã này không phải mang ý nghĩa là con thỏ đỏ, mà bởi vì chữ "Thố" được sử dụng ngầm ý để chỉ một tên gọi khác của một loài hổ trong thời cổ đại ở Trung Quốc.
Đó là nguyên nhân, người ta thường gọi ngựa quý của Lã Bố và Quan Vân Trường là "Xích Thố", con ngựa màu đỏ mạnh như mãnh hổ tả xung hữu đột, vạn người không địch nổi trên chiến trường.
Ngoài ra, theo một số ghi chép trong lịch sử vào thời Tam Quốc, nếu đầu của một con ngựa nào đó có hình dáng gần giống với đầu của thỏ, thì đó được coi là một trong những dấu hiệu chứng tỏ nó là một con tuấn mã. Đây có thể là một sự trùng hợp hay mang ý nghĩa thể hiện cái tên "Xích Thố" là để chỉ một con ngựa quý có màu đỏ.
Xích Thố: "Thần mã" có nghĩa có tình trong Tam Quốc Diễn Nghĩa
Nhắc tới Xích Thố, người ta thường ví nó như một thần mã (ngựa thần), vì khả năng chiến đấu cùng những phẩm chất hiếm có. Trong tiểu thuyếtTam Quốc Diễn Nghĩa, Xích Thố được mô tả là con ngựa dài tới một trượng, cao tám thước, lông đỏ rực như lửa, không có một sợi lông tạp,...
Ngựa Xích Thố được cho là đã qua tay nhiều chủ. Cụ thể, người chủ đầu tiên của nó là Đổng Trác, vị tướng nhà Đông Hán. Về sau, vì muốn thu phục nên Đổng Trác đã đem tặng "vật quý" là ngựa Xích Thố cho Lã Bố. Sau khi Lã Bố bị Tào Tháo (một nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán) giết, con tuấn mã này lại thuộc về Tào Tháo.
Chủ nhân cuối cùng của Xích Thố chính là Quan Vân Trường. Nguyên nhân là do Tào Tháo muốn thu phục Quan Vân Trường nên đã bắt chước Đổng Trác cố ý tặng tuấn mã cho anh hùng. Nhận Xích Thố do muốn tìm được người anh em của Lưu Bị nên Quan Vân Trường không vì được tặng vật quý mà nảy sinh ý định phản trắc.
Sau cùng, khi Quan Vân Trường chết, ngựa Xích Thố lại rơi vào tay một tướng khác tên là Mã Trung, nhưng lần này con tuấn mã này đã tuyệt thực rồi chết. Có người nói nó làm như vậy là muốn đi theo Quan Vân Trường và không muốn phục tùng ai khác nữa.
Chính vì hành động này mà người đời sau thường coi Xích Thố không chỉ là một tuấn mã, mà còn là con vật có nghĩa có tình và rất trung thành với chủ nhân.
Kể từ đó, Xích Thố luôn được nhiều người coi là một trong những con ngựa nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc.
Theo Nguyễn Hằng/Tri Thức Trẻ