Xuyên suốt chặng đường lịch sử lâu dài hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, có biết bao câu chuyện bí ẩn, biết bao điều uẩn khúc mà qua lớp bụi phủ dày của thời gian có thể khiến hậu thế sẽ không bao giờ lý giải được. Đi tìm câu trả lời cho những ẩn số thiên cổ ấy, xét đến cùng mà nói, chính là cách lưu truyền, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống dân tộc vẹn toàn nhất.
Vụ án Lệ Chi Viên
Vụ án Lệ Chi Viên, tức vụ án vườn vải là vụ án mà Hành khiển Nguyễn Trãi và vợ là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ bị triều đình quy tội giết vua Lê Thái Tông, dẫn tới tru di tam tộc.
Bản thân vụ án được 3 nguồn chính sử đề cập là Đại Việt sử ký toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục và Lịch triều hiến chương loại chí.
Tại 3 nguồn nêu trên, đều nhắc đến thời điểm xảy ra vụ án là khoảng tháng 7 Âm lịch, tức năm Nhâm Tuất 1442, năm Nguyễn Trãi 63 tuổi (theo Lịch triều hiến chương loại chí) và vợ là Thị Lộ đón vua về ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi sau khi vua đi tuần ở miền Đông và duyệt quân ở thành Chí Linh (Hải Dương).
|
Nguyễn Trãi sau khi đại thắng quân Minh đang thanh thản gác kiếm viết lại bài cáo Bình Ngô (bình Ngô Đại Cáo) lừng danh. (Ảnh: Internet) |
Ngày 4 tháng 8 Âm lịch vua về đến Lệ Chi Viên thuộc huyện Gia Định (nay là thôn Đại Lai, xã Đại Lao, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh), cùng đi với vua là thiếp của Nguyễn Trãi, bà Thị Lộ khi đó nhờ xinh đẹp, tài văn chương nên được vua phong chức Lễ nghi học sĩ, được vào hầu bên cạnh vua.
Đêm đó, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi mất. Các quan bí mật đưa thi hài vua Lê Thái Tông về đến kinh, nửa đêm ngày 6 tháng 8 Âm lịch mới phát tang. Thị Lộ bị quy tội giết vua, sau khi thái tử Bang Cơ - tức Lê Nhân Tông - khi đó mới 2 tuổi lên nối ngôi, triều đình bắt Nguyễn Trãi rồi tru di tam tộc.
Các bản chính sử đều cho rằng, đây là một vụ án oan. Vua Lê Nhân Tông sau này xem sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi từng cho rằng "Nguyễn Trãi là người trung thành…không may bị người đàn bà gây biến, để người lương thiện mắc tội là rất đáng thương".
Vua Lê cho rằng Nguyễn Thị Lộ mới là người gây ra cái chết cho vua chứ không phải là Nguyễn Trãi, sau đó ban chiếu minh oan cho ông, truy tặng Nguyễn Trãi tước Tán Trù bá.
Tuy nhiên, trong cuốn "Nhìn lại lịch sử" xuất bản năm 2003 của nhóm tác giả Phan Duy Kha, Lã Duy Lan, Đinh Công Vĩ lại cho rằng, chủ mưu vụ án là Nguyễn Thị Anh, vợ thứ vua Lê Thái Tông. Cho đến nay, thủ phạm thực sự là ai vẫn còn là một bí ẩn.
Các vua Hùng trị vì bao nhiêu năm?
Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, triều đại các vua Hùng ở Việt Nam bắt đầu khi vua Kinh Dương Vương lên ngôi năm Nhâm Tuất (2879 TCN). Triều đại này kéo dài đến năm Quý Mão (258 TCN) thì kết thúc với 18 đời vua Hùng nối nhau trị vì trong 2.622 năm. Tính trung bình, mỗi thời vua Hùng Vương kéo dài tới... 150 năm.
Đây rõ ràng là một con số khó tin. Vì vậy, nhiều sử gia đã tỏ ý nghi ngờ và đưa ra các cách lý giải khác nhau về niên đại của thời kỳ Hùng Vương.
|
18 vua hùng. |
Theo đó, con số 18 ở đây không phải 18 đời vua mà là 18 ngành vua, mỗi ngành gồm nhiều đời vua mang chung vương hiệu, khi hết một nhành mới đặt vương hiệu mới. Nếu tính như vậy thì có thể có đến 180 đời vua Hùng, và thời gian trị vì trong 2.622 năm là hoàn toàn hợp lý.
Cũng có một số nhà nghiên cứu cho rằng nước Văn Lang của các vua Hùng chỉ tồn tại trong khoảng 300 - 400 năm và niên đại kết thúc là khoảng năm 208 TCN chứ không phải là năm 258 TCN.
Vì sao có bể xương chùa Thầy?
Hang Cắc Cớ thuộc khu di tích chùa Thầy ở xã Sài Sơn (Quốc Oai, Hà Nội) được dư luận quan tâm đặc biệt vì trong hang này có một chiếc bể chứa hàng nghìn bộ xương người.
Theo lời kể được truyền qua nhiều thế hệ, khi tìm thấy hang, người ta chứng kiến những bộ hài cốt này nằm trong một hố như cái giếng, nằm chồng chất lên nhau. Cách đây hàng trăm năm, người dân xây một chiếc bể vuông, tựa vào vách dùng để chứa hài cốt. Trên tấm bia ghi bên ngoài bể bằng tiếng Hán, dịch ra đại ý là “Lữ Gia chống Hán lưu sử sách/Bể hận ngàn xương mãi mãi ghi”.
|
Những bộ hài cốt này nằm trong một hố như cái giếng, nằm chồng chất lên nhau. (Ảnh: Internet) |
Mới đây, chúng tôi đã phát hiện ra một số tài liệu giải mã chủ nhân của hàng ngàn bộ xương bí ẩn này. Theo sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, trước các công phu của các nhà sử học lỗi lạc Lê Văn Hưu, Ngô Sỹ Liên… câu chuyện đau thương bắt đầu từ một viên ngụy quan Lộ Văn Luật, người ở Thạch Thất (Hà Tây cũ), không rõ năm sinh, năm mất.
Nhà Hồ làm mất nước, Lộ Văn Luật đem thân phụng sự giặc Minh, giúp giặc đàn áp người dân Việt đang chịu muôn vàn khổ nhục dưới ách đô hộ. Được giặc sử dụng làm tướng, không rõ Lộ Văn Luật đã tham gia đàn áp bao nhiêu trong số hơn 60 cuộc khởi nghĩa của người Việt đương thời.
Chỉ biết đến tháng 7 năm 1419, Lộ Văn Luật đã là tướng tiên phong của Tổng binh Lý Bân, đem quân đi đàn áp cuộc binh biến ở thành Nghệ An. Nguyên trước đó có một viên ngụy quan khác là Phan Liêu, tri phủ Nghệ An, do không chịu bức bách phải nộp vàng bạc cho quan quân nhà Minh, đã nổi dậy giết các quan nhà Minh.
Bị Lý Bân kéo đến đàn áp, Phan Liêu không hạ nổi thành Nghệ An, bèn theo đường Thanh Hóa chạy trốn sang Lào. Lý Bân sai Lộ Văn Luật làm tiên phong truy đuổi, nhưng sai đi rồi lại gọi về bàn việc khác, khiến Luật lo sợ, hoài nghi, bỏ quân trốn đi mất. Bân bèn bắt hết người nhà và gia thuộc của Lộ Văn Luật.
|
Những lương dân nước Việt, mến nghĩa đem thân chống giặc, chẳng may sa cơ bỏ mình. (Ảnh minh hoạ: Internet) |
Lộ Văn Luật bỏ trốn về quê ở Thạch Thất, tập hợp nhân dân dựng cờ khởi nghĩa. Người dân thấy có người tụ nghĩa chống Minh thì ùn ùn kéo theo. Lý Bân đem quân đến đánh, tháng 4 năm 1420 thì dập tắt cuộc khởi nghĩa đang trong thời kỳ trứng nước.
Vẫn sách đã dẫn, chép rất cô đọng: “Lộ Văn Luật chạy sang Ai Lao (Lào – PV), dân chúng thì trốn vào hang núi Phật Tích và An Sầm (những tên cũ của hang động núi Chùa Thầy mà PV VTC News đã khám phá). Quân Minh dỡ nhà hun động, người trong động bị khói lửa hun đều chết, người nào ra hàng cũng bị giết sạch, vợ con thì bị bắt làm nô tỳ”.
Nhưng chỉ ít dòng đó thôi, cũng vẽ rõ chân dung người cầm đầu cuộc khởi nghĩa. Giặc đến thì bán nước cầu vinh, giết hại đồng bào. Khi có chút tỉnh ngộ về bản chất kẻ thù, ông ta tỏ chút chí khí, bỏ giặc mà đi, họp dân khởi nghĩa.
Khi bị thua trận, chút chí khí ít ỏi của ông biến mất. Một thân bỏ chạy hàng trăm dặm trốn sang xứ khác, để mặc những lương dân mến nghĩa chịu số phận thảm khốc trong ngọn lửa hung tàn của quân giặc. Có thể thấy rõ họ là những lương dân nước Việt, mến nghĩa đem thân chống giặc, chẳng may sa cơ bỏ mình. Đây cũng là một giả thiết rất hợp tình hợp lý.
Theo Đại Việt sử ký toàn thư, Lữ Gia là tướng nhà Triệu, nước Nam Việt (thế kỷ 2 TCN). Dưới triều Thuật Dương Vương (111 TCN), ông giữ chức Tể tướng. Tuy vậy, giới sử học và khảo cổ Việt Nam đưa ra nhiều phỏng đoán khác về nguồn gốc bể xương này.
Vậy câu trả lời chính xác cho chủ nhân của những di cốt tại hang động núi Chùa Thầy là ai?
Mời quý độc giả xem video Chuyện ấy của các Hoàng đế xưa (nguồn Youtube):
Theo Khỏe & Đẹp