Những cuộc khởi nghĩa hào hùng trước Cách mạng tháng 8

Google News

(Kiến Thức) - Phong trào Cần Vương, khởi nghĩa Yên Bái, phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh... là những cuộc vùng lên mạnh mẽ của người Việt trước khi cách mạng tháng 8 thành công.

Trong suốt giai đoạn bị thực dân Pháp đô hộ (1885 - 1945), người Việt đã tiến hành hàng loạt cuộc khởi nghĩa cho đến khi giành được thắng lợi toàn vẹn với cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945.
Phong trào Cần Vương
Phong trào Cần Vương nổ ra vào cuối thế kỷ 19 do đại thần nhà Nguyễn là Tôn Thất Thuyết nhân danh vị hoàng đế trẻ Hàm Nghi đề xướng trước nạn xâm lược của thực dân Pháp. Phong trào thu hút được một số các quan lại trong triều đình và văn thân. Ngoài ra, phong trào còn thu hút đông đảo các tầng lớp sĩ phu yêu nước thời bấy giờ.
Phong trào này thực chất đã trở thành một hệ thống các cuộc khởi nghĩa vũ trang trên khắp cả nước, hưởng ứng chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, bắt đầu từ năm 1885. Các cuộc khởi nghĩa tiêu biểu thời kỳ này gồm có: khởi nghĩa Ba Đình, khởi nghĩa Nghệ An, khởi nghĩa Bình Định, khởi nghĩa Thái Bình, Nam Định, hoạt động của Nghĩa hội Quảng Nam...
Đến năm 1888, sau khi vua Hàm Nghi bị người Pháp bắt và đưa đi đi đày tại Algeria, các cuộc khởi nghĩa chống Pháp vẫn tiếp tục. Tuy nhiên, phong trào Cần Vương suy yếu dần; từng cuộc khởi nghĩa lần lượt bị tiêu diệt.
Từ cuối năm 1895 đầu 1896, khi tiếng súng cuộc khởi nghĩa Hương Khê của Phan Đình Phùng thất bại, phong trào Cần Vương coi như chấm dứt.
Khởi nghĩa Yên Thế
Khởi nghĩa Yên Thế (1884 – 1913) là một cuộc đối đầu vũ trang giữa những người nông dân ly tán tại vùng Yên Thế Thượng và sau đó là Thái Nguyên, đứng đầu bởi Đề Thám, với quân Pháp, khi Pháp vừa kết thúc chiến tranh với Trung Quốc và bắt đầu kiểm soát toàn bộ vùng Bắc kỳ những năm cuối thế kỷ 19 trong lịch sử Việt Nam.
Nhung cuoc khoi nghia hao hung truoc Cach mang thang 8
Nghĩa quân Yên Thế.
Dù diễn ra trong một thời gian dài gây cho quân Pháp không ít tổn thất, cuộc khởi nghĩa đã suy yếu nặng nề từ năm 1909 khi quân Đề Thám thua 11 trận quan trọng.
Vào ngày 10/2/1913, Đề Thám bị hai tên thủ hạ giết hại tại một khu rừng cách chợ Gồ 2 km, nộp đầu cho Pháp lấy thưởng. Sự kiện này đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của phong trào khởi nghĩa Yên Thế.
Hà Thành đầu độc
Vụ Hà Thành đầu độc là vụ mưu sát và binh biến trong hàng ngũ bồi bếp và binh lính người Việt Nam phục vụ cho quân Pháp đóng ở thành Hà Nội diễn ra ngày 27/ 6/1908. Mục đích của họ nhằm đầu độc quân Pháp để chiếm Hà Nội, thêm sự tiếp ứng và chỉ đạo từ bên ngoài của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám, cùng với sự tham gia của Phan Bội Châu trong việc vạch kế hoạch để tạo cuộc khởi nghĩa đánh đuổi người Pháp.
Khi kế hoạch được tiến hành, 125 tên Pháp thuộc trung đoàn 4 pháo binh và 80 tên khác thuộc trung đoàn 9 bộ binh thuộc địa được cho ăn cà độc dược bị trúng độc và bất tỉnh. Tuy nhiên, quân Pháp đã nhận được tin báo về am mưu nổi dậy nên đã báo động toàn thành và khống chế toàn bộ lính người Việt.
Ngày hôm sau Pháp đem ra xử và khép tội tử hình đối với 13 binh lính và bồi bếp người Việt.
Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ
Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ năm 1908 hay còn gọi là Trung Kỳ dân biến là một trong những sự kiện nổi bật của phong trào chống thực dân Pháp ở Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ 20.
Phong trào bắt đầu từ tháng 3/1908 với những đoàn người biểu tình không mang theo vũ khí, không dùng bạo lực, chỉ kiên trì đòi hỏi mục đích là giảm sưu giảm thuế. Nhưng về sau, phong trào biến thành một cuộc đối đầu giữa dân nghèo và nhà cầm quyền và gần như trở thành một cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền.
Cuộc nổi dậy của giới dân nghèo miền Trung Việt Nam trong thời gian dài đã làm tê liệt bộ máy chính quyền thực dân và phong kiến ở nhiều nơi. Nhà cầm quyền Pháp đã sai lính đi lùng sục khắp nơi, bắt bớ và bắn giết những người chống cự. Cuối tháng 5/1908, phong trào chống sưu thuế ở miền Trung bị dập tắt.
Phong trào Việt Nam Quang phục hội
Năm 1912, Phan Bội Châu thành lập Việt Nam Quang phục hội để đánh Pháp bằng biện pháp vũ lực. Những năm 1914-1918 là thời kỳ tổ chức này hoạt động mạnh ở trong nước dù Phan Bội Châu lúc này đang bị Trung Hoa Dân quốc bắt giam.
Chi bộ Việt Nam Quang phục hội ở Vân Nam do Đỗ Chân Thiết đứng đầu tổ chức âm mưu đánh úp Hà Nội nhưng không thành. Cuộc vây bắt của Pháp diễn ra từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 10/1914. Đỗ Chân Thiết và 58 người khác bị xử tử.
Sau đó các Chi bộ ở trong nước mở các cuộc tấn công, tập kích vào các căn cứ của Pháp như tỉnh lị Phú Thọ (6/1/1915), Nho Quan, Lục Nam (10/1914), Bát Xắc (8/8/1916), Đồng Văn (3/3/1917)... nhưng cuối cùng đều thất bại.
Khởi nghĩa Yên Bái
Năm 1927, Nguyễn Thái Học cùng các cộng sự bí mật thành lập Việt Nam Quốc dân Đảng, chủ trương chống Pháp bằng vũ lực.
Năm 1929, đảng này thực hiện vụ ám sát tên trùm mộ phu người Pháp Bazin làm chấn động toàn cõi Đông Dương. Sau năm 1929, do những tổn thất nặng nề từ cuộc đàn áp của chính quyền thực dân, một số lãnh tụ của Việt Nam Quốc Dân Đảng chủ trương phản công bằng một cuộc khởi nghĩa vũ trang. Năm 1930, Việt Nam Quốc dân đảng quyết định tiến hành khởi nghĩa.
Khởi nghĩa bắt đầu ngày 9/2, nơi nổ súng đầu tiên là Yên Bái. Tại Yên Bái, Phú Thọ, quân đội Việt Nam Quốc dân đảng tạm chiếm một số nơi nhưng không giữ được. Tại Hà Nội, họ chỉ kịp gây ra một số vụ nổ bom ở Sở sen đầm, Sở mật thám. Tại Kiến An, Hải Dương, mãi đến ngày 15/2 mới nổi dậy, chiếm được Vĩnh Bảo (Hải Dương) và Phụ Dực (Thái Bình), nhưng không đánh chiếm được Phả Lại, Hải Dương. Khởi nghĩa Yên Bái thất bại và tan rã.
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, phong trào cách mạng ở Việt Nam với hạt nhân là lực lượng công nhân và nông dân đã chuyển biến mạnh mẽ. Đến tháng 9/1930, đã có hàng loạt cuộc đấu tranh quy mô lớn, đỉnh cao là cuộc biểu tình ngày 12/9/1930 của khoảng 8.000 nông dân phủ Hưng Nguyên kéo đến phủ lỵ với những khẩu hiệu: "Đả đảo chủ nghĩa đế quốc! Đả đảo phong kiến! Bỏ sưu thuế, chia ruộng đất". Thực dân Pháp đã dùng máy bay ném bom giết chết 217 người.
Nhung cuoc khoi nghia hao hung truoc Cach mang thang 8-Hinh-2
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.
Sự kiện này đã thổi bùng thêm ngọn lửa đấu tranh lan rộng khắp các địa phương trong tỉnh, kéo dài cho tới năm 1931, dẫn tới sự tan rã bộ máy chính quyền thực dân, phong kiến và hình thành các Xô viết tại Nghệ Tĩnh. Trong suốt thời gian tồn tại, các Xô viết đã đóng chức năng là chính quyền chuyên chính công nông, các đội "Tự vệ Đỏ" được lập ra để chống Pháp và trấn áp những người phản động.
Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã giành được sự ủng hộ dưới nhiều hình thức của các địa phương, đồng thời cũng kích thích phong trào cách mạng trên toàn quốc dâng cao.Khí thế của cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh nhanh chóng lan rộng trong cả nước. Chỉ trong tháng 9 và tháng 10/1930, cả nước có 362 cuộc đấu tranh. Cuối cùng, do thực lực yếu, thực dân Pháp xua quân tấn công, các Xô viết đều bị đàn áp, khủng bố và tan rã.
Khởi nghĩa Bắc Sơn
Ngày 27/9/1940, người dân Bắc Sơn do Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương địa phương lãnh đạo đã chớp cơ hội đế quốc Nhật tấn công vào Lạng Sơn, đế quốc Pháp trốn chạy về Thái Nguyên qua Bắc Sơn, Đảng bộ Bắc Sơn huy động dân chúng vũ trang cướp chính quyền, tấn công chiếm được đồn Mỏ Nhài, tiếp tục tấn công tàn quân Pháp ở đèo Canh Tiêm, Sập Dì.
Xứ ủy Bắc Kỳ Đảng Cộng sản Đông Dương cử Trần Đăng Ninh lãnh đạo phong trào và xây dựng lực lượng để chiến đấu lâu dài. Pháp sau đó tập trung quân chiếm lại các đồn và đàn áp phong trào. Khởi nghĩa Bắc Sơn tan rã nhưng phong trào du kích vẫn tiếp tục.
Khởi nghĩa Nam Kỳ
Năm 1940, Xứ ủy Nam Kỳ của Đảng Cộng sản Đông Dương chủ trương và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ trong hoàn cảnh nước Pháp bị bại trận trong Chiến tranh thế giới thứ hai, đế quốc Nhật xâm chiếm Đông Dương, chiến tranh Pháp-Xiêm có nguy cơ bùng nổ, phong trào phản kháng của binh sĩ người Việt trong quân đội Pháp ở miền Nam Việt Nam có dấu hiệu phát triển.
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương họp tháng 11 nhận định điều kiện cách mạng chưa chín muồi, đã quyết nghị đình hoãn cuộc khởi nghĩa. Nhưng quyết định đó chưa kịp phổ biến thì lệnh khởi nghĩa đã được ban bố.
Ngày 23/11, khởi nghĩa đã diễn ra ở Mỹ Tho, Gia Định, Chợ Lớn, Tân An, Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long, Long Xuyên, Bạc Liêu... Chính quyền cách mạng được thành lập ở một số nơi và đã bắt đầu ngay một số cải cách dân chủ. Riêng ở Sài Gòn, kế hoạch bị lộ, Pháp kịp đề phòng, và khởi nghĩa không thực hiện được.
Quân Pháp đã thẳng tay đàn áp phong trào khởi nghĩa. Hàng nghìn người bị giết và bị bắt, nhiều làng mạc bị triệt phá, nhiều cán bộ Đảng Cộng sản Đông Dương (Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Phan Đăng Lưu, Võ Văn Tần, Nguyễn Thị Minh Khai...) bị xử tử. Lực lượng khởi nghĩa một số rút được về U Minh, Đồng Tháp...
Binh biến Đô Lương
Ngày 13/1/1941, dưới sự chỉ huy của Đội Cung (Nguyễn Văn Cung), binh lính người Việt trong quân đội Pháp đang đóng ở đồn Chợ Rạng (Thanh Chương, Nghệ An) đã nổi dậy. Tối hôm đó, họ đánh chiếm đồn Đô Lương rồi lên xe kéo về Vinh, định cùng binh lính người Việt ở đây tấn công Pháp để chiếm thành.
Kế hoạch không thành, Đội Cung bị bắt và bị xử tử cùng với 10 đồng đội của ông tại Vinh ngày 24/4/1941. Nhiều người khác bị kết án khổ sai và đưa đi đày.
Cao trào kháng Nhật
Tối 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp trên toàn bán đảo Đông Dương. Trước tình hình này, vào ngày 12/3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", chủ trương phát động cao trào kháng Nhật mạnh mẽ và chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa; đồng thời thay đổi hình thức tuyên truyền, thay đổi khẩu hiệu tuyên truyền, tổ chức đấu tranh để thích hợp với tình hình mới.
Phong trào đã diễn ra mạnh mẽ, phong phú về nội dung và hình thức, tấn công Nhật toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa v.v. trên khắp các thành thị, nông thôn, và vùng thượng du. Phong trào đã chiếm giữ được nhiều vùng rộng lớn, hình thành nhiều căn cứ cộng sản.
Nhung cuoc khoi nghia hao hung truoc Cach mang thang 8-Hinh-3
Người dân phá kho thóc Nhật trong cao trào kháng Nhật năm 1945.
Quân đội Nhật đã mở các cuộc càn quét, bình định, tấn công mạnh vào các vùng của Việt Minh. Quân Việt Minh, các đội dân quân - tự vệ, du kích đã chống trả quyết liệt, bảo vệ căn cứ của họ. Tại các đô thị, các phong trào đấu tranh của công nhân, học sinh, viên chức dâng cao. Nhiều tổ chức công nhân cứu quốc được xây dựng ở nhiều xí nghiệp.
Cao trào kháng Nhật hoạt động sôi nổi trên cả nước đã tạo nên những tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa toàn quốc vào tháng 8/1945, thủ tiêu toàn bộ hệ thống chính quyền Nhật, thiết lập hệ thống chính quyền dân chủ nhân dân.
T.B (tổng hợp)