Những điều ít ai rõ về "Bình Tây đại nguyên soái"

Google News

Quê gốc miền Trung, nhưng "Bình Tây đại nguyên soái" lại thành danh nơi đất Gia Định, đem hết gia sản vào công cuộc đánh Tây.

Quê gốc ở đất miền Trung xứ Quảng, nhưng “Bình Tây đại nguyên soái” Trương Định (hay Trương Công Định) lại nên danh nơi đất Gia Định, đem hết sức vóc, tư gia hiến vào cuộc đánh Tây. Dù sau này thân bị lụy, nhưng anh hùng “da ngựa bọc thây”, nào xá chi mũi tên hòn đạn, nào xá chi sa trường tử địa.
Cui cút làm ăn
Ấy, ban đầu, cũng như đa phần dân đất Nam Kỳ lục tỉnh này, coi sự sinh cơ lập nghiệp làm mối quan tâm chính, Trương Định cũng vậy. “Đại Nam liệt truyện”, ghi về tiểu sử của ông, rằng: “Trương Định vốn người Bình Sơn, tỉnh Quảng Nghĩa , là con quan Thủy vệ úy Trương Cầm tỉnh Gia Định. Sau khi cụ Cầm mất thì ông cư ngụ luôn ở đó”.
Nhung dieu it ai ro ve
 Ảnh minh họa.
Lại về hình dung của họ Trương, cứ xem trong “Lãnh binh Trương Định truyện”, thì ông có dáng mạo khôi ngô. Do là con nhà võ quan, nên Trương Định thông hiểu binh thư, bắn giỏi. Trong “Thi văn quốc cấm thời thuộc Pháp” còn ghi lại “Văn tế Trương Định” của cụ đồ Chiểu miêu tả:
Từ thuở ở hàng viên lữ,
Pháp binh trăm trận đã làu.
Đến khi ra quản đồn điền,
Võ nghệ mấy ban đều trải.
Khi ở Gia Định, Trương Định kết hôn với con một nhà hào phú ở huyện Tân Hòa. Riêng nói về Trương Định, đời ông có nhiều vợ, trong đó “Đại Nam thực lục” có nhắc đến bà Lê Thị Thưởng. Ngoài ra, còn có một bà vợ khác được nhắc tên là Trần Thị Sanh, người đất Gò Công.
Dẫu trong đời có nhiều thê tử, nhưng là một người làm việc nghĩa vì dân vì nước, nên ông được vợ rất ủng hộ. Tỉ như bà Thưởng sau này trở về quê chồng lo việc hương hỏa. Còn bà Sanh, xem qua tác phẩm “Nghìn năm bia miệng (sự tích và giai thoại dân gian Nam Bộ)”, ta được biết bà có mẹ là Phạm Thị Phụng, là em ruột Đức quốc công Phạm Đăng Hưng (xét ra bà Phụng là cô ruột của Thái hậu Từ Dũ). Bà Sanh được “Nam Kỳ phong tục nhơn vật diễn ca” khen là:
Gò Công bốn tổng đông giàu,
Mà riêng có một bà hầu giàu to.
Khi Trương Định chiếm được đất Gò Công, đã kết hôn với bà. Chính bà đã cung ứng tiền bạc để giúp chồng khai khẩn vùng Gia Thuận để làm hậu cần cho nghĩa quân.
Quay về lúc ban đầu, sau khi cưới vợ ở huyện Tân Hòa, theo lời thuật của Nguyễn Thông trong “Lãnh binh Trương Định truyện”, ông đã “bỏ hết gia tài mộ dân lập đồn điền, được bổ chức Quản cơ”. Những tưởng ở thời bình, kẻ làm trai gây dựng cơ nghiệp làm trọng, nhưng rồi Tây xâm.
Gia Định súng nổ đì đùng
Khi quân Pháp rút khỏi Đà Nẵng vì không chiếm được “yết hầu” của triều đình Huế, chúng kéo quân vào Gia Định tháng 2 năm Kỷ Mùi (1859), nơi “vựa lúa” sung túc. Lúc này, nghiên cứu “Khởi nghĩa Trương Định” của Nguyễn Phan Quang, Lễ Hữu Phước, với đội quân đồn điền có sẵn trong tay, “Trương Định mang cơ binh của đồn điền mình đến gia nhập đội quân triều đình chống giặc”.
Tuy nhiên, thành Gia Định thất thủ, ông đành đem quân trong cơ theo quan quân về đóng ở Thuận Kiều. Trong những lúc giao phong đối địch với giặc, Nguyễn Thông khen ông là “thường đi tiên phong, nhiều lần lập công”.
Trong “Bốn vị anh hùng kháng chiến miền Nam” cho hay, vào năm Canh Thân (1860), Trương Định với chức Quản cơ, đóng quân ở đồn Kỳ Hòa, ông chỉ huy một cơ binh ở đồn Trung (trấn giữ mặt tiền tuyến) để bảo vệ đồn Hậu là hành dinh của quan Kinh lược Nguyễn Tri Phương. Nhưng rồi quan quân triều đình bị thất thủ trước tàu đồng, súng ống của quân Pháp.
Trong khi các đại tướng lui về giữ Biên Hòa, thi theo lời thuật nơi “Lãnh binh Trương Định truyện”, ông “đem quân về đóng tại đồn cũ ở Tân Hòa”. Tại đây, ông tập trung gây dựng lực lượng, xây dựng căn cứ để kháng chiến chống giặc.
Lúc này, quan quân triều đình tổ chức cự địch. Bên cạnh đó, hưởng ứng lời kêu gọi của vua Tự Đức, nhiều nơi dân binh nổi dậy. Trong “Việt Nam thời Pháp đô hộ” cho hay “Sự kháng cự lại quân Pháp được tổ chức rất mau chóng: có một sự kháng cự của nông dân, nhưng hữu hiệu nhất là sự kháng cực của các đội quân đồn điền dưới sự điều khiển của quan lại Việt Nam trung thành với triều đình”. Trong những đội quân đồn điền, không thể thiếu đội quân dưới tay Trương Định.
Đối với những lãnh tụ kháng chiến đất Nam Kỳ như Trương Định, Thủ khoa Huân, Võ Di Nguy,… các sĩ quan Pháp dù ở phía đối địch, coi họ là giặc cướp, nhưng đa phần đều tỏ ra thán phục tài năng của những họ, như J.Silvestre khi nhận định về Trương Định, đã có lời khen: “Ông ta là một người thông minh, lanh lợi, can đảm và bất khuất; ông ta được thúc đẩy bởi sự thù ghét người ngoại quốc cũng như bởi lòng trung thành với nước An Nam”.
Giương cờ “Bình Tây”
Trong “Cận đại Việt sử diễn ca”, khi viết về anh hùng Trương Định, đã có đôi dòng ghi:
Chí hòa tham chiến trậm trầy,
Bại binh, Khổng tước về xây cơ đồ.
Đó là nói về việc sau thất bại của đồn Kỳ Hòa, Trương Định đưa quân về đất Gò Công (Khổng Tước) lập căn cứ chống Pháp. Nhân lúc giặc Tây đang còn đường bận đi đánh Biên Hòa, Vĩnh Long, ông cùng Tri huyện Lưu Tuấn Thiện, Thư lại Lê Quang Quyền trữ lương, đúc súng, mộ thêm quân hơn nghìn người, rồi đem quân phục kích đường hành quân của quân Pháp, thu được nhiều trận thắng nhỏ. Được tin ấy, triều đình nhà Nguyễn đứng đầu là vua Tự Đức ngợi khen ông, và theo ghi chép nơi “Lãnh binh Trương Định truyện”, thì triều đình “bổ chức Phó Lãnh binh tỉnh Gia Định”.
Thế rồi cuối năm Tân Dậu (1861) Biên Hòa thất thủ, Trương Định về đóng ở Gò Công, quân lính lúc ấy khoảng 5.000 người. Năm Nhâm Tuất (1862), Hòa ước Việt Pháp được ký kết, quan quân triều đình phải bãi binh.
Trương Định được vua thăng làm Lãnh binh An Giang, yêu cầu phải giải binh để đi nhận chức mới. Đây chính là lúc kẻ sĩ họ Trương phải lưỡng lự giữa hai lựa chọn, ở lại cùng nhân dân chiến đấu, tức là ngược ý triều đình, hoặc thuận theo ý vua, nhận chức mới và bãi binh.
Lúc này, Trương Định bèn sắp xếp cho vợ con đi trước, còn mình ở lại kiểm quân sẽ đi sau. Theo lời kể của Nguyễn Thông, với sự tín nhiệm của thân hào, nhân dân địa phương, Trương Định đã đi tới lựa chọn bước ngoặt cho cuộc đời xông pha tên đạn của mình, và cũng từ đây mà tên tuổi ông bay cao, bay xa hơn nữa:
“Nhưng các nghĩa hào không muốn giải binh, giữ Định lại không cho đi, bàn với nhau rằng “Quân Tây nhiều lần bị dân mình đánh, nên lấy binh lực bắt triều đình nghị hòa, không phải là thật lòng đâu. Nay đã định Hòa ước, bọn mình không nơi nương tựa, chi bằng ra sức chống đánh, giữ một mảnh đất mà đùm bọc lấy nhau”. Và thế rồi…
Tất thảy đều cùng nhau đồng một dạ hướng về lãnh đạo họ Trường, và đề nghị ông giữ binh quyền không giải giáp. Lại thêm lúc ấy “Phạm Tuấn Phát ở Tân Long gởi thư cho của các nghĩa hào tới muốn tôn Định làm chủ soái. Định bèn xưng làm Bình Tây đại nguyên soái”.
Vậy là từ đây, họ Trương về cùng với “quân đội nhân dân” để chống giặc Tây. Khi nói về “Hào khí Đồng Nai”, trong “Đất và người Nam Bộ”, học giả Ngạc Xuyên Ca Văn Thỉnh cho rằng Trương Định là một trong những người tiêu biểu cho hào khí ấy, và khen ông là “Anh hùng Trương Định không theo lệnh vua, được nghĩa sĩ tôn làm Bình Tây đại nguyên soái”.
Căn cứ Gò Công từ lúc này, trở thành đại bản doanh của nghĩa quân Trương Định, nào đại bác được đúc thêm, lũy được tôn tạo, lính tinh nhuệ được bổ sung, các phủ huyện thì bí mật vận động lương thực nuôi quân. Đây chính là lúc theo như lời của cụ đồ Chiểu là:
Dẫu biết dụng binh nhờ đất hiểm,
Chẳng đành xa bỏ cõi Gò Công.../.
Theo Báo Pháp Luật