Những tội trạng có thể bị xóa tên khỏi gia tộc Việt

Google News

Hình phạt đuổi ra khỏi họ, truất quyền ghi tên vào gia phả, không cho tham dự cúng tế tổ tiên thường áp dụng cho các lỗi liên quan tới luân lý đạo đức hoặc điều cấm kỵ của họ tộc.

Tộc ước gia quy là một loại văn bản Hán Nôm tồn tại khá phổ biến trong các dòng tộc của Việt Nam. Văn bản này được chép cùng gia phả, được lưu trữ trong các từ đường và các chi họ. Văn bản này cũng có tính chất luật tục, tính pháp lý chế ước hành vi của các thành viên trong gia tộc.
Trong cuốn “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập tộc ước gia quy” (NXB Hà Nội, 2019), nhóm tác giả Nguyễn Kim Sơn (chủ biên), Phạm Ánh Sao, Bùi Bá Quân, Đỗ Thị Bích Tuyển, Mai Thu Quỳnh, Mai Thị Thơm, Nguyễn Thọ Đức (sau hơn 5 năm nghiên cứu) đã công bố gần 100 văn bản tộc ước gia quy (bản gốc) trong cả nước (Thăng Long - Hà Nội chiếm phân nửa). Bên cạnh đó, nhóm tác giả còn làm rõ nhiều nội dung liên quan đến loại văn bản đặc biệt này.
Theo nhóm tác giả, các dòng họ soạn ra tộc ước, gia quy nhằm một mục tiêu củng cố và phát triển văn hóa gia tộc, quan hệ và lễ nghi gia tộc, khối đoàn kết gia tộc thông qua hệ thống phong tục tập quán lễ nghi được thể chế hóa và luật hóa… Tộc ước gia quy được thành viên trong tộc họ lập ra, hoặc cùng thông qua với các hình thức khác nhau. Khi thông qua, các đại diện trong gia tộc cùng ký, hoặc điểm chỉ xong thì lập tức có hiệu lực thi hành.
TỘC ƯỚC, GIA QUY GHI CHÉP NHỮNG NỘI DUNG GÌ?
Nhung toi trang co the bi xoa ten khoi gia toc Viet
Từ đường Phạm tộc ở Thừa Thiên Huế trong ngày giỗ Thượng thủy tổ. Nguồn: hophamvietnam. 
Theo nhóm tác giả, trong việc của họ tộc, vấn đề nổi bật hàng đầu là vấn đề tế tự, phụng sự tổ tiên. Không phải ngẫu nhiên mà tất cả các bản tộc ước, gia quy đều đặt lên trước nhất quy định về việc thờ cúng tiên tổ. Một mặt, nó xuất phát từ thứ tình cảm tự nhiên thông thường nhất, từ truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn ngàn đời, nó cũng là sự thể hiện văn hóa Nho giáo trong các gia tộc. Mặt khác nó là cơ sở tập hợp liên hệ mọi người, vừa là dịp họp mặt bàn việc đối với các họ.
Trong cuốn sách, bên cạnh đề cập đến các lễ cúng giỗ tổ tiên quan trọng như: Lễ kỵ nhật hay húy nhật của các vị tổ khảo tổ tỷ, lễ cúng tế Thủy tổ, lễ chạp Tổ, các kỳ tuần tiết, thời gian, địa điểm tế tự, chuẩn bị tế tự, nhóm tác giả cho biết nghi thức tế tự là yếu tố rất quan trọng trong việc cúng tế vì nó thể hiện thái độ tôn kính tuyệt đối của con cháu đối với tổ tiên.
Thông qua các nghi thức tế tự này, mọi người trong tộc có thể ý thức được về tôn vị của liệt tổ, lại vừa có thể tu chỉnh hành vi tế tự của mình. Theo quy định, mọi người đến từ đường làm lễ thì phẩm phục phải chỉnh tề, thái độ phải nghiêm cẩn thành kính, hành lễ phải trật tự nghiêm túc, hướng lên bài vị tiên tổ làm lễ, và phải giữ gìn thái độ trang phục ấy từ đầu cho đến cuối buổi lễ, không được lơ là...
Vấn đề thứ hai là tài sản chung. Đây là vấn đề dễ gây mất đoàn kết nhất trong tông tộc, do đó, các tộc ước, gia quy rất chú ý quy định về việc này. Các quy định thường xoay quanh các trường hợp như: Việc phát canh thu lợi tộc điền, việc cho vay lấy lãi tiền quỹ họ, việc thầu cấy ruộng họ, việc giữ quỹ và sử dụng quỹ, việc mở rộng quỹ...
Về tương trợ trong gia tộc, hầu hết các bản tộc ước, gia quy đều dành riêng một số điều khoản để quy định về việc người trong tộc giúp đỡ lẫn nhau. Những quy định này thường chỉ áp dụng với những đối tượng thực sự cần được trợ giúp, chứ không phải ai họ cũng giúp, đặc biệt là những kẻ rượu chè bê tha thì nhất thiết là không thuộc diện này.
Về giáo dục đạo đức nhân cách cho các thành viên trong tộc họ có được đặt ra, nhưng không quan trọng bằng vấn đề tế tổ tiên và bảo quản tài sản chung của họ. Một số bản tộc ước, gia quy có đề cập tới vấn đề giáo dục đạo đức nhân cách cho các thành viên, thì hầu hết cũng chỉ là những lời giáo huấn, khuyến cáo chung chung…
Ngoài các hoạt động trên, tộc ước, gia quy còn quy định các vấn đề khác như: Khuyến học, cưới xin, lên lão, lệ nhập tộc, khao vọng, mừng sinh con trai, đầy tháng, mừng thăng quan tiến chức...
BẤT HIẾU, DÂM LOẠN, LÀM TRÁI TỘC ƯỚC GIA QUY CÓ THỂ BỊ XÓA TÊN KHỎI TỘC HỌ
Theo nhóm tác giả, một trong những phương diện thể hiện tính chất luật tục của các văn bản tộc ước, gia quy chính là ở cơ chế vận hành, ở các hình thức chế tài của nó. Khi chế định ra tộc ước, người ta luôn hy vọng chúng được thực thi một cách nghiêm túc và có kết quả. Để các điều khoản được thực thi, người ta đặt ra các mức độ thưởng phạt.
Hình phạt phổ biến nhất được nêu trong các bản tộc ước, gia quy là phạt tiền. Số tiền phạt đối với những người vi phạm một điều ước nào đó, mức trung bình chỉ vài ba quan tiền, nhiều thì năm, mười quan, hoặc thấp nhất chỉ là vài mạch hoặc vài văn. Số tiền phạt chỉ lớn đối với những người làm thất thoát tài sản chung của họ, và số tiền phạt lớn có tính chất bồi thường hơn là phạt. Tiền phạt bao giờ cũng sung vào quỹ chung của họ tộc. Việc quy định hình thức phạt có bản ghi cho từng vấn đề…
Hình phạt phổ biến thứ hai là phạt bằng hiện vật hoặc đánh vào quyền lợi kinh tế. Việc phạt chỉ có ý nghĩa tượng trưng nhắc nhở là chính. Hiện vật nộp phạt cũng thường nhỏ và giản dị, nhiều là mấy mâm cỗ, buồng cau, chai rượu, đèn nến; nhỏ có khi chỉ vài chục miếng trầu, chai rượu...
Loại hình phạt thứ ba thuộc loại nặng nhất là đánh vào danh dự và quyền lợi tinh thần. Danh dự của thành viên trong tộc chỉ thường là phạt không cho dự tế, không được đến từ đường, không cho giữ quỹ hoặc ruộng tộc.
Hình thức phạt nặng nhất thuộc loại này là truất tên khỏi danh sách tộc họ, cũng tức là đuổi ra khỏi họ. Nhiều bản tộc ước, gia quy có áp dụng hình phạt không cho tới từ đường, không cho dự tế thường cũng chỉ có thời hạn một số năm để nhắc nhở. Hình phạt đuổi ra khỏi họ cũng được nhiều bản tộc ước quy định.
Bản Nguyễn thị khoán ước của họ Nguyễn xã Tương Mai, huyện Thanh Trì (nay thuộc phường Tương Mai, quận Hai Bà Trưng), điều 30 ghi: “Phàm ngày hành lễ mà có mổ lợn, thì thủ lợn kính biếu các viên khoa trường chức sắc trong họ, nọng lợn kính biếu người già trong họ từ 60 tuổi trở lên, lại kính biếu trưởng của các chi mỗi người một cái chân giò. Những người khác không thuộc lệ này, cũng không được buông lời xấc xược. Người nào làm trái thì phạt tiền 05 mạch. Nếu kẻ nào ngang bướng thì xoá tên khỏi sổ họ”.
Tộc ước họ Nguyễn Huy xã Phú Thị, huyện Gia Lâm quy định: “Tông tộc lấy lễ nhượng làm đầu… Nếu ai xưng hô xấc xược không kể thứ bậc trên dưới, hay nói năng bừa bãi, cố tình giả vờ không biết để nói ra những lời xúc phạm đến người khác, đặc biệt là giọng của dân chợ búa... Với loại người như vậy, thì định lệ đuổi ra khỏi họ, vĩnh viễn không bao giờ nhắc tới để răn đe việc tuân thủ nghiêm túc theo tôn ty trật tự. Đối với những kẻ bất hiếu, bất mục và dâm loạn, cho đến những kẻ làm việc sai trái, mắc tội thì phải xóa tên, không cho ghi vào phả”.
Hình phạt đuổi ra khỏi họ, truất tên hoặc truất quyền ghi tên vào gia phả, không cho tham dự cúng tế tổ tiên thường áp dụng cho các lỗi liên quan tới luân lý đạo đức hoặc những điều cấm kỵ thiêng liêng của dòng họ. Đối với xã hội xưa, đây là hình phạt hết sức nặng nề.
Theo Minh Châu/Zing