Nỗi oan Thái sư “hoá hổ giết vua” Lê Văn Thịnh

Google News

Là người đỗ đầu trong trong khoa thi đầu tiên của Nho học nước ta. Nhờ tài năng, đức độ mà Lê Văn Thịnh trở thành Thái sư triều Lý.

Ông từng dùng “ba tấc lưỡi” khiến triều đình nhà Tống phải trả lại cho Đại Việt một vùng đất rộng lớn. Thế nhưng, oan khiên trong vụ án “ Thái sư hoá hổ giết vua” đã khiến ông thân bại danh liệt.
Khai khoa đỗ đầu
Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, ông Lê Viết Nga là một trong những người trực tiếp khảo sát, làm hồ sơ trình Bộ Văn hoá – Thông tin xếp hạng đền thờ Lê Văn Thịnh ở xã Đông Cứu (Gia Bình) là di tích Quốc gia.
Ông Nga cũng là một trong những người phát hiện tượng rồng đá cắn thân có một không hai trên thế giới trong khu vực đền thờ Lê Văn Thịnh.
Noi oan Thai su “hoa ho giet vua” Le Van Thinh
Toàn cảnh tượng rồng đá cắn thân. 
Tuy nhiên, ông Nga bày tỏ quan điểm không đồng ý trước cách gọi không chính xác về nhân vật Khai khoa đỗ đầu Lê Văn Thịnh. Ông Nga cho biết:
“Nhiều người, thậm chí cả biển hiệu ở đền Lê Văn Thịnh đều ghi là Trạng nguyên mà không hiểu tính chất lịch sử. Tất nhiên, đỗ đầu tương đương với Trạng nguyên sau này nhưng Lê Văn Thịnh không chỉ là người đỗ đầu, mà còn là người duy nhất đỗ trong kỳ thi chỉ lấy một người giỏi nhất thiên hạ để dạy học cho vua”.
Ông Nga cho biết thêm, Lê Văn Thịnh là người tài năng kiệt xuất. Ông không chỉ là người thầy dạy của vua, mà còn là một Thái sư đầu triều. Nhờ tài năng ấy, ông đã đàm phán với nhà Tống để lấy lại 6 huyện 3 động của châu Quảng Nguyên, nay là phần đất phía Tây Bắc tỉnh Cao Bằng.
Thái sư “hoá hổ giết vua”
Noi oan Thai su “hoa ho giet vua” Le Van Thinh-Hinh-2
Đền thờ Lê Văn Thịnh. 
Tuy có nhiều công lao nhưng đến năm năm 1095 thái sư triều Lý Lê Văn Thịnh lại bị liệt vào vụ án “hoá hổ giết vua” vô lý nhất trong lịch sử. Đại Việt sử ký toàn thư, ghi:
“Bấy giờ vua ra hồ Diêu Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném.
Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: “Việc nguy rồi!”. Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh.
Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang”.
Nhà sử học Ngô Sĩ Liên từng đặt câu hỏi: Tại sao tội giết vua lại có thể tha? Câu hỏi ấy đã minh chứng oan khiên tày liếp của Lê Văn Thịnh nằm trong “mưu đồ hạ bệ” người tài.
Khi đó, Thái sư Lê Văn Thịnh đứng dưới một người mà trên vạn người. Dù có muốn chiếm ngôi của vua Lý Nhân Tông thì cũng phải dè chừng Hoàng Thái hậu Ỷ Lan và Thái uý Lý Thường Kiệt.
Đại học sĩ hàn lâm Viện Đông Các dưới triều Hậu Lê là Nguyễn Bính đã đánh giá, ghi nhận công lao của Lê Văn Thịnh, nhưng dường như vẫn chưa chạm tới chân lý của vụ nghi án.
Noi oan Thai su “hoa ho giet vua” Le Van Thinh-Hinh-3
 Nhiều tranh luận chuyên môn đặt câu hỏi đây là rồng hay rắn?
Đến những năm 1990, dưới ánh sáng khoa học, vụ án hồ Diêu Đàm mới được xem xét một cách thấu đáo và trọn vẹn.
Hơn 20 năm trước, khi những người dân xã Đông Cứu tìm ra bức tượng rồng oan khiên, cũng là lúc nỗi oan của Lê Văn Thịnh được hoàn toàn cởi bỏ.
“Rồng hay rắn” cắn thân?
Cụ Nguyễn Đức Đam, Thủ từ đền Lê Văn Thịnh cho biết, vào năm 1990 khi ông Lê Viết Nga dẫn đoàn khảo sát của Sở Văn hoá Hà Bắc (cũ) thì cũng là lúc tìm được rồng đá.
Khi cụ rồng được đưa lên mặt đất khiến mọi người kinh ngạc lẫn sợ hãi. Bức tượng nặng hàng tấn, cao gần 1m, dài rộng mỗi chiều 1m, tư thế rồng rất kỳ dị.
Noi oan Thai su “hoa ho giet vua” Le Van Thinh-Hinh-4
 Từ bức tượng toát lên nỗi oan khuất tày liếp của Thái sư Lê Văn Thịnh. Miệng rồng cắn vào thân mình một cách đau đớn, các móng vuốt bấu chặt vào thân với sự giằng xé uất ức.
Từ bức tượng lạ lùng ấy, ai cũng có thể hiểu nỗi oan của ông là từ trên trời rơi xuống nhưng không thể tỏ cùng ai.
Ngay khi tìm được bức tượng, nhiều người đã đặt câu hỏi: Ai là tác giả của bức tượng và được tạc vào thời nào? Đây là tuyệt tác mô tả sự giằng xé nội tâm do chính Lê Văn Thịnh tạo nên hay học trò của ông – vua Lý Nhân Tông?
Sở dĩ, câu hỏi ấy được đặt ra vì nhiều nhà nghiên cứu căn cứ vào bên tai lành, tai điếc của rồng đá mà cho đó là sự ân hận của vua vì đã nghe lời xiểm nịnh mà hại oan người thầy đáng kính.
Giám đốc Bảo tàng Bắc Ninh, ông Lê Viết Nga khẳng định bức tượng được tạc vào thời Hậu Lê khi công trạng của Lê Văn Thịnh được ghi nhận và vụ nghi án hồ Diêu Đàm được soi xét. Bức tượng được đặt tại xã Đông Cứu, sau mấy trăm năm bị vùi lấp cho mãi đến năm 1990 mới được phát hiện.
Trong quyết định công nhận bảo vật quốc gia do Thủ tướng Chính phủ ký ngày 30/12/2013, thì bức tượng rồng đá cắn thân là hiện vật số 15 có tới 2 tên gọi.
Cụ thể, bảo vật này được ghi: “Rồng đá (Xà thần), thời Lý, hiện ở tại đền thờ Lê Văn Thịnh, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh”. Cách định danh bằng cả hai tên gọi này cho thấy việc xác định đây là rắn hay là rồng vẫn còn chưa thống nhất.
Chính vì thế, quan điểm cho rằng nếu để mô tả nỗi hàm oan của một vị quan thì không thể dùng hình tượng rồng. Hình rồng vốn chỉ sử dụng cho nhà vua. PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nhận định đây là rắn chứ không phải rồng. Chính ông là người đã đề nghị Hội đồng khoa học thẩm định bảo vật quốc gia ghi tên là Xà thần.
PGS.TS Tống Trung Tín cho hay: “Tôi thấy về mặt tạo hình thì đây là rắn chứ không phải rồng thời Lý. Tuy nhiên, đó là rắn thần”. Trái ngược với quan điểm ấy, thì khá nhiều nhà khoa học khẳng định đó chính là rồng.
Lê Văn Thịnh người làng Đông Cứu, xã Chi Nhị, tổng Đại Lai, huyện Yên Định, lộ Bắc Giang. Nay là thôn Bảo Tháp, xã Đông Cứu (Gia Bình – Bắc Ninh). Năm Ất Mão (1075) vua Lý Nhân Tông cho mở khoa thi Minh kinh bác học và thi Nho học tam trường, Lê Văn Thịnh dự thi và đỗ đầu. Từ thầy dạy học của vua, Lê Văn Thịnh làm tới chức Thái sư đầu triều. Ông thoát chết trong vụ án “hoá hổ giết vua” nhưng bị đày ở Thao Giang, nay là Tam Nông – Phú Thọ.

Theo Trần Hòa/Khoa học & Đời sống