Nữ tiến sỹ về nước khởi nghiệp, bỏ lương tiền tỷ ở trời Tây

Google News

Lọt thỏm trong phòng thí nghiệm, TS hóa học Vũ Thị Tần mang áo blouse, đồ bảo hộ, cặm cụi pha trộn các loại bột, dung dịch trong loạt ống nghiệm đủ hình thù.

Phòng thí nghiệm là nơi chị Tần gắn bó nhiều nhất trong suốt hành trình học tập cũng như làm việc liên quan đến ngành hóa học của mình. Đây cũng là nơi hoàn thành nhiều công trình khoa học và cho ra đời viên rửa bát cho máy đầu tiên của Việt Nam mà chị "thai nghén" trong thời gian dài.
Chị Vũ Thị Tần (quê ở Lý Nhân, Hà Nam) đã từ bỏ công việc ổn định, mất nhiều công sức mới có thể có được tại tập đoàn thép hàng đầu ở Tây Ban Nha về nước, với khát vọng làm giàu trên quê hương.
Giờ đây, chị vừa là giảng viên đại học, vừa làm doanh nhân - cổ đông sáng lập công ty sản xuất, kinh doanh chất tẩy rửa.
Nu tien sy ve nuoc khoi nghiep, bo luong tien ty o troi Tay
Nữ doanh nhân làm khoa học với sản phẩm "Make in Việt Nam"
Nhận tấm bằng kỹ sư ở Nga, bằng tiến sỹ tại Tây Ban Nha, chị Tần vào làm việc tại tập đoàn thép hàng đầu thế giới ở Tây Ban Nha, đạt được ước mơ "vươn tới trời Tây" sau nhiều năm nỗ lực học hành, tìm kiếm và chắt chiu từng cơ hội.
Nhưng đến tuổi 30, khi suy nghĩ chín chắn hơn, tầm nhìn dài hơi hơn, không còn ưa bay nhảy, thích khám phá và thử thách như thời thanh xuân, nữ tiến sĩ có đánh giá, nhìn nhận khác về cơ hội, thành công.
Và khi ở đỉnh cao sự nghiệp với 15 sáng chế về lĩnh vực vật liệu, xử lý về mặt cho tập đoàn thép hàng đầu thế giới đó, chị dứt khoát trở về Việt Nam, với nhìn nhận về môi trường phát triển, cơ hội thể hiện, đóng góp cũng như dự định vun đắp cho cuộc sống riêng của mình. Chị rời Tây Ban Nha về nước làm việc, từ bỏ cả cơ hội định cư, công việc với địa vị cao ở trời Tây.
Nu tien sy ve nuoc khoi nghiep, bo luong tien ty o troi Tay-Hinh-2
Trúng tuyển là giảng viên dạy tại Viện Kỹ thuật hóa học, Bộ môn Công nghệ các chất vô cơ, Đại học Bách khoa Hà Nội hồi tháng 8/2017, chị nhận thấy đây là môi trường làm việc năng động, nhà trường tạo điều kiện cho cán bộ trẻ giảng dạy, nghiên cứu… không khác gì môi trường làm việc ở nước ngoài.
Ngoài công việc giảng dạy, triển khai các đề tài khoa học, chị còn dành nhiều tâm huyết cho việc nghiên cứu chế tạo ra các sản phẩm thân thiện bảo vệ môi trường. Một trong những sản phẩm tâm huyết của chị là viên rửa bát đầu tiên "Make in Việt Nam".
Chị Tần kể lại, những ngày mới sang Tây Ban Nha, lần đầu tiên chị biết là bát có thể rửa bằng máy. Khi về Việt Nam, chị cũng phải sắm ngay cho mình một chiếc tương tự để giải phóng sức lực của phụ nữ trong việc bếp núc. Song bấy giờ, chị tìm mua viên rửa rất khó khăn, thường phải nhờ bạn bè xách tay từ nước ngoài về.
Sau khi lập gia đình, sinh con, năm 2020 chị cùng cộng sự ấp ủ sáng chế viên hóa chất rửa bát đầu tiên mang thương hiệu Việt, yêu cầu là đáp ứng ba tiêu chí an toàn với người sử dụng, thân thiện với môi trường và hiệu quả. Chị nhận lo việc chuyên môn, sáng chế, sản xuất viên rửa bát. Từ đó, ngoài giờ giảng dạy trên lớp, chị lao vào phòng thí nghiệm tìm tòi, thử nghiệm.
Nu tien sy ve nuoc khoi nghiep, bo luong tien ty o troi Tay-Hinh-3
Chị Vũ Thị Tần (Ảnh: Hoa Lê).
"So với những dòng sản phẩm nhập khẩu, đúng là ban đầu tôi không có kinh nghiệm về hóa chất tẩy rửa như này. Nhưng tôi tin với kiến thức cơ bản, được đào tạo bài bản, cứ cố gắng rồi sẽ có ánh sáng nơi cuối con đường", chị Tần nói.
Sau thời gian dồn tâm huyết với hàng trăm lần thử nghiệm thất bại cuối cùng chị cũng đi đến giai đoạn hoàn thiện, viên rửa bát "Made in Việt Nam" đầu tiên của chị đã được Quatest 1 (Trung tâm kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 1) thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng.
Chất lượng viên rửa bát do chị Tần nghiên cứu và sáng chế tương đương hàng nhập khẩu từ một số nước châu Âu như Pháp, Đức.
Khi được thương mại hóa, sản phẩm nhận về những nhận xét như "hàng Việt mà" khiến nữ tiến sỹ từng thấy dao động, hoang mang với quyết định trở về.
Sau này, khi các khách hàng đã trải nghiệm sản phẩm quyết định tiếp tục sử dụng, chị Tần mới thực sự vững tâm về năng lực sản xuất, về cơ hội thị trường trong nước.
"Trí tuệ Việt không thua kém bất cứ nơi đâu. Chính vì vậy, sản phẩm của người Việt dần sẽ có vị trí riêng", chị Tần quả quyết.
Theo nghiên cứu của chị, nhu cầu sử dụng máy rửa bát tại Việt Nam chưa phổ biến, sản phẩm chị làm ra hiện để đáp ứng thị trường ngách. Nỗ lực phát triển, đa dạng hóa sản phẩm, công ty của chị bung thêm nước tẩy lồng giặt, đánh cặn canxi, tẩy dầu mỡ… để thu hút khách hàng.
Nu tien sy ve nuoc khoi nghiep, bo luong tien ty o troi Tay-Hinh-4
Viên rửa bát dành cho máy đầu tiên "make in Việt Nam" (Ảnh: NVCC).
Nữ tiến sĩ chia sẻ có quan điểm khởi nghiệp tinh gọn, đi từ nhỏ đến lớn, chậm mà chắc. Một đơn vị non trẻ về chất tẩy rửa sẽ có những bước tiến chậm mà bền vững, đó là phương châm làm việc của chị Tần.
Giờ đây, chị hài lòng với công việc, cuộc sống hiện tại và thành quả có được trên hành trình khởi nghiệp tại quê nhà, vẫn tiếp tục theo đuổi ước mơ, đam mê với hóa học.
Nỗ lực và đánh đổi
Thuở nhỏ, bố đi làm ăn xa, mẹ chị Tần vừa làm ruộng, nấu rượu, vừa dành thời gian chăm sóc các con. Lên 7 tuổi, chị đã hỗ trợ mẹ một số đầu việc trong quy trình nấu rượu gạo.
Trong tâm trí non nớt của một đứa trẻ, chị ngạc nhiên khi thấy cơm lên men biến thành chất lỏng. Chị gặng hỏi, mẹ lắc đầu nói, chỉ biết đó là một quá trình hóa học.
Những thắc mắc đó vẩn vơ trong suy nghĩ của chị rồi cũng được giải đáp với môn hóa học năm học lớp 8. Hứng thú với quá trình biến đổi chất ảo diệu đó, cô bé Tần khi đó "say" môn hóa lúc nào không hay. Học tốt môn học giúp chị vun đắp lên tình yêu với hóa học - "mối tình" theo đuổi mãi đến giờ.
Năm 2004 trở thành sinh viên ngành Hóa học, sau vài tháng nhập trường, Tần đã xác định cuộc thử sức mới, chinh phục học bổng đi học tại Nga.
Nu tien sy ve nuoc khoi nghiep, bo luong tien ty o troi Tay-Hinh-5
"Sau các vòng xét tuyển ngặt nghèo, tôi đi từ cảm xúc hồi hộp đến ngỡ ngàng, rồi vỡ òa hạnh phúc khi nhận được thông tin chính thức nằm trong top sinh viên giành được học bổng 100% sang Nga học tập", chị Tần kể.
Nhớ lại, chị Tần kể về kỷ niệm khó quên: "Trong khi bố buồn rầu, mẹ khóc ngất tại sân bay, tôi đã đi thẳng vào trong mà không hề ngoái lại. Câu chuyện này đến giờ vẫn được bố mẹ nhắc lại về sự vô tâm của đứa con gái mới lớn".
6 năm học tập ở Nga đối với chị trôi qua nhanh chóng. Sau khi nhận tấm bằng kỹ sư danh giá, chị lại có suy nghĩ khác biệt với chúng bạn. Chị muốn vươn mình khám phá những quốc gia khác, chứ không tiếp tục học tiến sỹ ở Đông Âu.
Chị tỉ mẩn làm hồ sơ, liên hệ email đến các giáo viên ở Tây Ban Nha, Singapore, Ý… để tìm kiếm những học bổng mới. Sau khi nỗ lực giành học bổng tiến sỹ do Chính phủ Tây Ban Nha tài trợ, cuối tháng 11/2010, chị đặt chân đến đất nước Tây Âu này.
Cuộc sống nơi đây khác biệt hoàn toàn với Việt Nam, Đông Âu. Người dân Tây Ban Nha thân thiện, dễ mến. Chị nhận ra đây là nơi mình muốn gắn bó, làm việc, định cư. Chính vì vậy, sau khi lấy bằng tiến sỹ, chị đã tìm cách xin việc, sinh sống lâu dài ở đây.
1 "chọi" 100, vượt 7 vòng thi tuyển, đạt ước mơ rồi… từ bỏ
Bắt tay vào tìm việc, chị sững người trước con số 27-30% lao động thất nghiệp lúc bấy giờ. Hầu như sinh viên mới ra trường rất chật vật trong vấn đề tìm kiếm việc làm. Song chị cũng thử sức mình ứng tuyển vào chương trình kỹ sư tài năng cho Arcelormittal - Tập đoàn Thép hàng đầu thế giới, đúng với chuyên ngành chị được đào tạo về vật liệu.
"Nhìn con số ứng viên nộp hồ sơ lên đến 3.000 người, tỷ lệ 1 chọi 100 nhưng tôi cũng không chùn bước, muốn thử sức mình. Để được tuyển dụng vào đây, chúng tôi phải trải qua 7 vòng tuyển chọn", chị Tần nhớ lại.
Nu tien sy ve nuoc khoi nghiep, bo luong tien ty o troi Tay-Hinh-6
Chị Tần cùng đồng nghiệp tại tập đoàn thép ở Tây Ban Nha (Ảnh: NVCC).
Vòng tuyển dụng đầu tiên là xem xét hồ sơ, các bài kiểm tra tư duy thuộc nhiều cấp độ, làm việc nhóm, phỏng vấn trực tiếp.
Sau nhiều tháng thi thố, "vượt rào", chị Tần cũng bước đến vòng thứ 7. Thời điểm đó, chị được người phục trách nhân sự của công ty chúc mừng là 1 trong 60 ứng viên lọt vào vòng cuối cùng. Trong số 60 ứng viên vòng cuối này, doanh nghiệp sẽ chỉ chọn 30 người.
Theo chị Tần, trong cuộc phỏng vấn, chị được hỏi rất nhiều thông tin về cuộc sống, đời tư, quá trình học tập, sở thích… Nhớ lời mẹ dạy, chị luôn sống theo phương châm trung thực, chân thành khi trao đổi với nhà tuyển dụng.
Cô gái Việt Nam duy nhất ứng tuyển vào tập đoàn thép hàng đầu thế giới, nhiều lúc, chị Tần tưởng chừng không thể tiếp tục "cuộc đua", may mắn đã dừng lại. Không ngờ, một tuần sau, chị vỡ òa vui sướng khi nhận được thông báo trúng tuyển.
"Thực sự trải qua mấy tháng, biết bao vòng phỏng vấn gian nan mới có ngày nhận trái ngọt nên tôi vui lắm. Niềm vui sướng có lẽ còn hơn cả việc tôi nhận được học bổng tiến sỹ", chị kể.
30 kỹ sư mới như chị được công ty thử thách trong 2 năm rồi mới đánh giá lại và quyết định nhân sự được vào chính thức hay không. Mức lương tính ra tiền Việt gần 50 triệu đồng/tháng lúc bấy giờ giúp chị có cuộc sống dễ dàng, thoải mái ở Tây Ban Nha. Bên cạnh chế độ đãi ngộ, chị thường xuyên được đi công tác ở nhiều quốc gia khắp châu Âu, Mỹ.
Nu tien sy ve nuoc khoi nghiep, bo luong tien ty o troi Tay-Hinh-7
Trong những năm làm việc tại Arcelormittal, chị Tần đã miệt mài sáng tạo, nghiên cứu cho tập đoàn tới 15 sáng chế về lĩnh vực vật liệu, xử lý bề mặt. Năm 2016, chị chính thức vào làm việc ở tập đoàn với mức lương 70 triệu đồng/tháng (sau thuế).
Khi đó, chị từng nghĩ sẽ gắn bó cả cuộc đời của mình ở đất nước tuyệt đẹp bên bờ Địa Trung Hải này. Chị từng dứt khoát chia tay với bạn trai trong quân đội để thực hiện dự tính, hoài bão riêng của bản thân.
Sau tất cả, nữ tiến sỹ lựa chọn bỏ lại tất cả để trở về Việt Nam làm việc, cống hiến cho giáo dục nước nhà cũng như khởi nghiệp trong lĩnh vực hóa chất tẩy rửa, "về để làm chủ".
Từ câu chuyện của bản thân, chị Tần tin tưởng, những người Việt được đào tạo bài bản, tích lũy kiến thức, kinh nghiệm làm việc ở nước ngoài khi về nước sẽ là nguồn nhân lực tốt, cống hiến cho sự phát triển của đất nước.
Những du học sinh như chị chọn về nước, ngoài những cân nhắc cá nhân, tính toán trước những cơ hội mới, động lực lớn còn là khát khao cống hiến, mang những kiến thức, kinh nghiệm đóng góp cho sự phát triển của đất nước, quê hương.
Theo Hoa Lê / Dân Trí