Nuôi lợn từ số tiền vay 10 triệu đồng, anh nông dân đổi đời

Google News

Thời gian qua, ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế trồng trọt, chăn nuôi tiêu biểu mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ nguồn vốn của Agribank.

Mô hình chăn nuôi lợn (heo) và bán vật tư nông nghiệp của gia đình anh Lê Anh Dũng (47 tuổi, ở thôn Phú Bình, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) là một trong những mô hình điển hình như thế.

Đổi đời nhờ nuôi lợn

Chúng tôi cùng cán bộ Ngân hàng Agribank Chi nhánh huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam (Agribank Đại Lộc) đến thăm mô hình kinh tế tổng hợp của anh Dũng, được anh Dũng cho biết: Trước đây vợ chồng anh làm lao động phổ thông ở địa phương, ai thuê gì làm đó nhưng thu nhập chỉ đủ sống qua ngày. Từ đó anh đã bàn với vợ xây dựng chuồng trại để nuôi lợn với quy mô lớn, làm hướng phát triển kinh tế tiếp theo cho gia đình.

Nuoi lon tu so tien vay 10 trieu dong, anh nong dan doi doi

Mô hình kinh tế tổng hợp gồm chăn nuôi lợn của anh Lê Anh Dũng ở thôn Phú Bình, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: T.H

Nuoi lon tu so tien vay 10 trieu dong, anh nong dan doi doi-Hinh-2

 

Anh Dũng nhớ lại, năm 2005 với số tiền tích lũy được và vay thêm 10 triệu đồng từ Agribank Đại Lộc, anh đã đầu tư hơn 20 triệu đồng cho mô hình chăn nuôi lợn, ban đầu do nguồn vốn ít nên anh chỉ nuôi khoảng 10 con lợn thịt, ngoài ra còn chăn nuôi thêm gà, vịt.

Là tay ngang rẽ hướng sang chăn nuôi, nên anh gặp muôn vàn khó khăn do chưa có kinh nghiệm, hơn nữa nguồn vốn để đầu tư xây dựng chuồng trại, con giống cũng khá lớn.

Anh Dũng cho biết, dù có lúc thất bại nhưng với quyết tâm đổi đời, là trụ cột kinh tế cho gia đình anh không nản trí, vừa làm vừa học hỏi thêm kinh nghiệm, theo thời gian mô hình chăn nuôi lợn của anh phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Hàng năm anh đã lấy nguồn lãi thu được để trả tiền lãi cho ngân hàng và tái đầu tư mở rộng quy mô đàn lợn.

Trước đây, trang trại chăn nuôi lợn của anh Dũng mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 300 con lợn thịt. Nhưng hiện nay, do ảnh hưởng của tình hình dịch tả lợn châu Phi, giá thức ăn gia súc tăng cao nên ngành chăn nuôi gặp khó khăn, lãi không cao, anh chỉ duy trì đàn lợn khoảng 50 con/lứa (mỗi năm 3 lứa).

Anh Dũng cho biết thêm, hiện nay anh đang tập trung vào mảng buôn bán vật tư nông nghiệp và thu mua hàng nông sản (chủ yếu là lúa), mỗi vụ anh thu mua hơn 300 tấn lúa cho người dân trên địa bàn.

Việc thu mua lúa gạo giúp anh tự chủ nguồn thức ăn cho lợn, ngoài ra anh còn xay gạo bán cho chủ các lò sản xuất bánh tráng. Anh Dũng chia sẻ, mô hình kinh tế tổng hợp gồm chăn nuôi lợn thịt, bán vật tư nông nghiệp, thu mua hàng nông sản đã giúp cho gia đình anh lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Nhờ đó, vợ chồng anh đã thoát khỏi cảnh khó khăn, có nguồn thu nhập ổn định để nuôi con cái ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang.

Tiếp tục tiếp vốn cho lĩnh vực tam nông

Sau nhiều lần vay trả, đến nay tổng dư nợ của anh Dũng là 2 tỷ đồng, việc được Agribank "hậu thuẫn" đã giúp cho anh không còn cảnh lo sợ thiếu vốn, nhất là vào các vụ mùa.

Được biết, ngoài làm kinh tế giỏi, anh Dũng còn giải quyết việc làm cho 5 lao động thời vụ tại địa phương. "Được Agribank tiếp vốn là nguồn khích lệ rất lớn cho tôi vững tin tái đàn lợn trong những lúc thiên tai, dịch bệnh, ngân hàng thật sự là "phao cứu sinh" không những cho gia đình tôi mà còn nhiều hộ dân tại huyện Đại Lộc, giúp họ phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập…"- anh Dũng phấn khởi.

Ông Lê Đăng Tuấn - Giám đốc Agribank Đại Lộc cho biết: Thời gian qua, đơn vị đã chủ động cung cấp vốn cho người dân để phát triển kinh tế, đặc biệt là các mô hình kinh tế trang trại, gia trại, hộ cá thể… Việc tiếp cận nguồn vốn Agribank kịp thời đã giúp cho người dân mạnh dạn phát triển kinh tế, nhờ đó mà hàng nghìn hộ dân ở huyện Đại Lộc đã thoát cảnh khó khăn, nhiều hộ đã vươn lên làm giàu.

Trong đó, tiêu biểu như mô hình trồng cây ăn quả kết hợp du lịch sinh thái của ông Nguyễn Tổng (ở xã Đại Minh);… "Bám sát chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, mục tiêu của ngành, của địa phương và mục tiêu cụ thể của đơn vị, thời gian tới Agribank Đại Lộc tiếp tục hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua do địa phương và ngành phát động. Đặc biệt, là đầu tư tín dụng cho lĩnh vực tam nông.

Phấn đấu hoàn thành toàn diện, vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh; hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, Agribank Đại Lộc tiếp tục là đơn vị tiên phong có những đóng góp tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương…"- ông Tuấn cho hay.

Tính đến 30/6/2023 tổng nguồn vốn của Agribank Đại Lộc đạt 2.446 tỷ đồng, tăng 157 tỷ đồng so với đầu năm 2023, tỷ lệ tăng đạt 6,84%, dư nợ cho vay đến nay đạt hơn 1.210 tỷ đồng, tăng 70 tỷ đồng so với đầu năm, tỷ lệ tăng đạt 6,15%. Riêng cho vay phát triển nông nghiệp nông thôn chiếm hơn 85%/tổng dư nợ.


Theo Trần Hậu - Hiếu Nhi/ Dân việt