Ở nước ngoài, giáo viên phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe nào?

Google News

(Kiến Thức) - Nhiều nước trên thế giới rất coi trọng nghề giáo bởi họ là người dạy dỗ học sinh, sinh viên thành những công dân gương mẫu, cống hiến tài năng cho sự phát triển của đất nước sau này. Vì vậy, mỗi nước có những quy định riêng đối với giáo viên.

Giáo viên là một nghề nghiệp quan trọng trong xã hội bởi có ảnh hưởng lớn đến quá trình học tập của học sinh, sinh viên. Mới đây, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị xin ý kiến về Chính sách nhà giáo trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi. Trong đó, dư luận quan tấm đến đề xuất nhà giáo phải có chứng chỉ hành nghề.
Giống như Việt Nam, nhiều nước trên thế giới coi trọng vấn đề giáo dục. Trong số này, mỗi nước có những quy định, tiêu chí dành cho giáo viên khi đứng lớp như về năng lực và đạo đức nghề nghiệp. Nhật Bản là một trong những nước có nền giáo dục hiện đại và có những quy định riêng dành cho giáo viên - những người mang trên mình sứ mệnh dạy dỗ học sinh, sinh viên để trở thành những công dân gương mẫu, có đức có tài.
O nuoc ngoai, giao vien phai dap ung tieu chuan khat khe nao?
Để trở thành người dạy dỗ thế hệ tương lai của đất nước, giáo viên phải đáp ứng nhiều tiêu chí.  
Cụ thể, nghề giáo viên ở Nhật Bản rất được coi trọng. Do vậy, việc tuyển chọn giáo viên vô cùng khắt khe và có sự cạnh tranh lớn. Nguyên do là vì mỗi năm chỉ có khoảng 14% đơn ứng tuyển của các thí sinh được các trường sư phạm tiếp nhận.
Thêm nữa, phần lớn giáo viên Nhật Bản có ít nhất một tấm bằng cử nhân. Ngoài bằng cử nhân theo chương trình mà sinh viên theo học, sinh viên phải vượt qua những kỳ thi nhằm đáp ứng yêu cầu của Bộ Giáo dục – Văn hoá – Thể Thao – Khoa học và Công nghệ (MEXT) để có được giấy chứng nhận giáo viên. Theo đó, giáo viên thường có nhiều chứng chỉ dạy học.
Trong thời gian theo học chương trình đào tạo, sinh viên tham gia các chương trình cả về môn học và khoa học giáo dục – sư phạm. Quá trình này sẽ được một giáo viên có kinh nghiệm và hiệu trưởng quan sát và đánh giá. Sinh viên sư phạm mới tốt nghiệp phải thực tập giảng dạy trong thời gian ít nhất là 3 tuần.
Các trường học không trực tiếp tuyển giáo viên. Thay vào đó, các tỉnh phụ trách vấn đề này. Theo đó, sinh viên mới tốt nghiệp tiếp phải thông qua kỳ thi tuyển gồm nhiều bài kiểm tra theo quy định của uỷ ban giáo dục địa phương. Các bài kiểm tra này bao gồm bài kiểm tra năng lực, phỏng vấn hoặc bài luận, kiểm tra kiến thức môn học, kiến thức sư phạm… Chỉ có những thí sinh đạt điểm cao nhất mới được tỉnh tuyển dụng làm giáo viên chính thức.
Cứ 3 năm một lần hoặc ít hơn, giáo viên sẽ được luân chuyển công tác giảng dạy ở những trường học khác nhau. Điều này giúp giáo viên học hỏi kinh nghiệm và tương tác với những đồng nghiệp khác cũng như liên tục phát triển trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Mời độc giả xem video: Giáo viên 'dễ thở' cách đánh giá học sinh mới (nguồn: VTC1)

Không chỉ quan tâm đến chuyên môn, năng lực của giáo viên, vấn đề đạo đức cũng được chú ý đến. Trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của giáo viên được nhiều trường đặt lên hàng đầu và có những quy định cụ thể.
Một trong những quy định về đạo đức của giáo viên ở nhiều nước trên thế giới là cấm thầy - trò có quan hệ tình cảm để tránh xảy ra những vấn đề gây nhức nhối như luận như đổi tình lấy điểm và quấy rối tình dục. Trong số này, nhiều trường học ở Mỹ như Đại học Syracuse, Đại học Harvard, ĐH Stanford, đưa quy định cấm giảng viên và học sinh có quan hệ tình cảm nhằm tránh xảy ra tiêu cực. Nhiều trường còn sa thải giáo viên nếu như bị hội đồng nhà trường phát hiện có quan hệ tình ái với học sinh, sinh viên.
Tâm Anh (tổng hợp)