Đó là một tên cướp khét tiếng họ Khang hoành hành khắp chốn Bắc Tân (Bắc Kinh – Thiên Tân: Nơi quy tụ đông đảo thương nhân, thôn trang giàu có và là trung tâm kinh tế bậc nhất của Trung Quốc thời bấy giờ).
Tên cướp này có biệt hiệu là "Khang Bát thái gia", được người giang hồ gọi là "Khang Tiểu Bát" hay Ngô đầu trọc. Tên Khang Tiểu Bát này tính tình lỗ mãng, từ nhỏ đã quen với việc sử dụng bạo lực, đi tới đâu là đánh người tới đó, bất kể nam nữ, gặp phụ nữ xinh đẹp thì giở trò hà hiếp, người dân xung quanh chỉ có thể hận chứ không dám làm gì.
Một ngày nọ, có một tên phú hào đến từ Bắc Kinh đã biết được "chiến tích hào hùng" của Khang Tiểu Bát, nên đã đắc chí mời hắn về làm bảo vệ cho mình với thù lao hậu hĩnh.
Vì để Khang Tiểu Bát thực hiện nhiệm vụ bảo vệ tốt hơn, tên phú hào này đã cho hắn một khẩu súng ngắn. Khang Tiểu Bát từ nhỏ đã thích các loại binh khí nên khi nhận được khẩu súng thì vui mừng như nhặt được bảo vật.
Khang Tiểu Bát vẫn "ngựa quen đường cũ" không thể bỏ được bản chất xấu xa, hắn đã lợi dụng vũ khí này để tiếp tục tung hoành ngang dọc giở trò hại dân. Tên phú hào biết được đã rất hối hận và muốn thu hồi lại khẩu súng. Thế nhưng, Khang Tiểu Bát nào nỡ bỏ đi bảo vật của mình. Cuối cùng, hai bên bắt đầu tranh chấp và Khang Tiểu Bát đã bắn chết tên phú hào kia.
Khang Tiểu Bát không còn chỗ dựa kinh tế nên hắn đã quay lại với "nghề" cướp bóc như xưa. Cho đến một ngày, Khang Tiểu Bát nghe ngóng được có một lượng tiền lớn của triều đình được vận chuyển về Bắc Kinh. Vì vậy, hắn lên kế hoạch và đã cướp được thành công chỗ tiền ấy.
Chuyện số tiền triều đình bị mất cắp đã truyền đến tai Từ Hi Thái Hậu. Bà cho rằng muốn đấu với bọn cướp giang hồ thì phải dùng cách của giang hồ để trị. Từ Hi Thái Hậu đã mời hai "đại hiệp" nổi tiếng lúc bấy giờ là Thượng Vân Tường và Mã Ngọc Đường cùng giúp sức bắt Khang Tiểu Bát.
Thượng Vân Tường là một võ sư nổi tiếng và là người sáng tạo nên Hình Ý Quyền (hay còn gọi là Võ Thiếu Lâm). Dù sở hữu dáng người nhỏ nhắn, chỉ cao chưa tới 1,6m, nhưng ông đã nổi danh với những chiến tích cực kì đáng ngưỡng mộ cùng những thế võ tự chế. Ông từng làm trong những tiêu cục lớn và từng là vệ sĩ của Tổng quản Đại nội triều Thanh – Lý Liên Anh.
Mã Ngọc Đường là truyền nhân của Hình Ý Quyền, tính tình ngay thẳng, trung lương; là một trong những đại hiệp nổi tiếng được ghi trong cuốn "Giang Nguyên Kỳ Hiệp Truyện".
Sự kết hợp của 2 vị đại hiệp giang hồ đã khiến Khang Tiểu Bát bị bắt giam một cách nhanh chóng. Trong lúc thẩm tra, khi được hỏi đến nguyên nhân của hành động trộm cướp của mình, Khang Tiểu Bát vừa cười vừa nói: "Họ Khang ta đã làm chuyện gì thì phải làm cho kinh thiên động địa. Muốn cướp thì phải cướp tiền quan, muốn hãm hiếp thì phải hãm hiếp Thái hậu".
Bản thân Khang Tiểu Bát tội ác đầy đầu, ai cũng biết bản tính của hắn vốn đã xấu xa, thế nhưng những lời mà hắn thốt ra ngay trong lao tù vẫn khiến người khác không khỏi run sợ. Từ Hi Thái Hậu sau khi biết chuyện vô cùng tức giận, ra lệnh tiêu diệt Khang Tiểu Bát với hình phạt lăng trì, không giới hạn số nhát, chém càng nhiều càng tốt.
Hình phạt lăng trì hay còn gọi là "tùng xẻo" tượng trưng cho hành động có một tiếng trống đánh "tùng" thì xẻo một miếng thịt. Vào thời phong kiến Trung Quốc, những ai phạm vào tội phản quốc, nổi loạn, giết cha mẹ… đều bị quy vào tội lăng trì.
Theo quy định, phạm nhân bị tùng xẻo với tối đa 3.600 nhát chém. Thế mà Từ Hi Thái Hậu lại hạ lệnh nhát chém không giới hạn. Điều này cũng đủ thấy bà cảm thấy bị sỉ nhục và hận tên Khang Tiểu Bát này như thế nào.
Năm 1905, Khang Tiểu Bát bị xử tử với tổng cộng 3.874 nhát dao và đã trở thành phạm nhân cuối cùng của lịch sử Trung Quốc bị xử tội lăng trì.
Theo PHAN/ Phapluatbandoc