Phát hiện “đền thờ hang đá” 35.000 tuổi ở Israel

Google News

Phát hiện ngoạn mục sâu bên trong một hang động ở vùng Tây Galilee của Israel đã cung cấp cái nhìn sâu sắc về xã hội loài người thời kỳ đầu.

Theo SciTech Daily, "đền thờ hang đá" được phát hiện sâu bên trong hang Manot ở Israel, được bao bọc tự nhiên bởi những măng đá có hình thù ấn tượng, làm tăng thêm vẻ bí ẩn.
Nhóm nghiên cứu từ Cơ quan Cổ vật Israel, Đại học Haifa, Đại học Ben-Gurion và Đại học Tel Aviv đã nghiên cứu địa điểm và công bố các phát hiện trên tạp chí khoa học PNAS.
“Phát hiện hiếm hoi này cung cấp cái nhìn thoáng qua về thế giới tâm linh của các nhóm cư dân săn bắt hái lượm thời kỳ đồ đá cũ, đã sống ở khu vực của chúng tôi cách đây khoảng 35.000 năm" - TS Omry Barzilai từ Đại học Haifa và Cơ quan Cổ vật Israel cho biết.
Một dạng đền thờ sơ khai đã được người cổ đại lập nên với trung tâm là một tảng đá khắc được cố tình đặt trong một hốc ở phần sâu nhất, tối nhất của hang động.
Phat hien “den tho hang da” 35.000 tuoi o Israel
Lối vào "đền thờ hang đá" ở Israel - Ảnh: CƠ QUAN CỔ VẬT ISRAEL
Thiết kế mai rùa, được chạm khắc trên một vật thể 3 chiều, cho thấy rằng nó có thể đại diện cho một vật tổ hoặc một nhân vật thần thoại, tâm linh nào đó trong văn hóa xa xưa.
Vị trí đặc biệt của tảng đá, cách xa các khu vực mà con người từng sinh sống ở gần lối vào hang động, xác nhận nó là một vật thờ cúng.
Trên thế giới, một số phát hiện tương tự cũng đã được ghi nhận ở Tây Âu và được chứng minh là những nơi mang tính biểu tượng và phục vụ cho các hoạt động nghi lễ và cộng đồng.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện tro trong một trong những vòng măng đá gần tảng đá được chạm khắc, xác nhận việc sử dụng lửa để thắp sáng không gian nghi lễ, có thể là bằng đuốc.
Các cuộc thử nghiệm âm thanh cho thấy cấu trúc của "đền thờ hang đá" này đã tăng cường âm thanh tự nhiên, có thể đã tạo ra trải nghiệm thính giác độc đáo cho các hoạt động cộng đồng như cầu nguyện, ca hát và nhảy múa.
Điều này khiến khu phức hợp nghi lễ trở thành một phát hiện chưa từng có về một không gian có yếu tố nghe nhìn được tính đến rất công phu khi lập nên.
Việc sử dụng phần tối nhất của hang động liên quan đến niềm tin lâu đời của người Israel rằng bóng tối thể hiện những phẩm chất thiêng liêng và ẩn giấu, tượng trưng cho sự tái sinh và đổi mới.
Trung tâm nghi lễ kiểu này là yếu tố trong quá trình phát triển và thể chế hóa bản sắc tập thể, một giai đoạn cần thiết cho quá trình chuyển đổi từ xã hội săn bắt hái lượm sang xã hội phức tạp hơn.
Theo Người Lao Động