Theo nghiên cứu được công bố hôm 16/5, một nhánh sông dài 64 km, từng chạy qua khu vực kim tự tháp Giza cùng với các kỳ quan khác, đã bị chôn vùi dưới sa mạc và đất nông nghiệp trong nhiều thiên niên kỷ. Sự tồn tại của dòng sông có thể giải thích vì sao các kim tự tháp được xây dựng thành một chuỗi dọc theo dải sa mạc trong thung lũng sông Nile từ khoảng từ 4.700 đến 3.700 năm trước.
|
Kim tự tháp Khafre - một trong những kim tự tháp sát nhánh sông bị thất lạc - trên cao nguyên Giza ở Cairo, Ai Cập
|
Dải đất gần thủ đô Memphis của Ai Cập cổ đại bao gồm Kim tự tháp Giza - công trình kiến trúc duy nhất còn sót lại trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại - cũng như các kim tự tháp Khafre, Cheops và Mykerinos. Từ lâu, các nhà khảo cổ tin rằng người Ai Cập cổ đại đã sử dụng tuyến đường thủy gần đó di chuyển những vật liệu khổng lồ dùng để xây dựng kim tự tháp.
“Tuy nhiên, không ai chắc chắn về vị trí, hình dạng, kích thước hoặc khoảng cách của tuyến đường thủy này với kim tự tháp”, tác giả chính của nghiên cứu, bà Eman Ghoneim thuộc Đại học Bắc Carolina Wilmington (Mỹ), cho biết.
Nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã sử dụng hình ảnh vệ tinh radar để lập bản đồ nhánh sông mà họ gọi là Ahramat - “kim tự tháp” trong tiếng Ả Rập. Vệ tinh mang lại cho họ “khả năng xuyên qua bề mặt cát và thu thập hình ảnh về những đặc điểm bị ẩn giấu, bao gồm những dòng sông bị chôn vùi và các công trình kiến trúc cổ xưa”, bà Ghoneim nói.
Theo nghiên cứu trên tạp chí Communications Earth & Environment (Giao tiếp Trái đất và Môi trường), các cuộc khảo sát lõi trầm tích tại khu vực này đã xác nhận sự hiện diện của dòng sông. Các nhà khoa học cho rằng, dòng sông hùng vĩ một thời này có thể đã bắt đầu bị cát bao phủ do một đợt hạn hán lớn khoảng 4.200 năm trước.
Kim tự tháp Giza đứng trên một cao nguyên cách bờ sông khoảng 1 km. Bà Ghoneim cho biết, nhiều kim tự tháp có “lối đi mang tính nghi lễ” chạy dọc theo dòng sông, trước khi kết thúc tại đền Valley Temple, nơi từng là bến cảng. Điều này cho thấy con sông đóng “vai trò quan trọng trong việc vận chuyển vật liệu xây dựng khổng lồ và nhân công cho việc xây dựng kim tự tháp”, bà nói thêm.
Làm thế nào người Ai Cập cổ đại có thể xây dựng được những công trình khổng lồ và lâu đời như vậy vẫn là một trong những bí ẩn lớn của lịch sử.
Theo đồng tác giả nghiên cứu, bà Suzanne Onstine từ Đại học Memphis, những vật liệu nặng này, hầu hết đến từ phía Nam, “sẽ dễ dàng trôi xuống sông hơn nhiều” so với cách vận chuyển trên đất liền.
Bà cho rằng, bờ sông có thể là nơi đón đoàn tùy tùng cho tang lễ của các vua Pharaoh, trước khi thi thể của họ được chuyển đến nơi chôn cất cuối cùng bên trong kim tự tháp. Con sông cũng có thể là nguyên nhân vì sao các kim tự tháp được xây dựng ở những vị trí khác nhau.
“Bởi vì dòng nước và khối lượng của nó thay đổi theo thời gian, các vị vua thuộc triều đại thứ tư sẽ phải đưa ra những lựa chọn khác với các vị vua thuộc triều đại thứ 12. Khám phá này nhắc nhở tôi về mối liên hệ mật thiết giữa địa lý, khí hậu, môi trường và hành vi của con người”, bà nói.
Theo Ngọc Diệp/Tiền phong