Làm bạn với vua như chơi với hổ
Người Trung Quốc có câu "Làm bạn với vua như chơi với hổ" quả đúng là như vậy. Nhiều phi tần trong hậu cung chỉ vì bất cẩn khi hầu hạ hoàng thượng mà có lúc bị tống vào lãnh cung. Trong lịch sử Trung Quốc, số phi tần bị đưa vào lãnh cung nhiều không kể hết. Nguyên nhân là do bản thân phạm lỗi hoặc bị người khác hãm hại.
"Lãnh cung" vốn không phải là tên của một cung điện, mà tên gọi tượng trưng của sự trừng phạt dành cho các phi tần. Phi tần khi bị "giam" vào lãnh cung, ngoài việc không được hầu hạ hoàng thượng, còn bị tước đi tước vị. Họ bị giam cầm mỗi ngày mà không thể đi ra ngoài, không khác gì ở trong tù.
Lúc này, các phi tần có thể bị hành hạ dã man. Nếu không có ai quan tâm, họ có thể sẽ chết rất thảm. Còn nếu may mắn thoát khỏi lãnh cung, họ được coi như là phúc lớn, mệnh lớn. Trong hậu cung thời nhà Minh có một phi tần như thế, nàng nổi tiếng với câu chuyện bị bỏ đói tới nửa tháng trời vẫn sống sót một cách thần kỳ.
Trở thành "ái phi" của hoàng thượng
Năm 1605, Thành phi Lý thị sinh ra ở nơi mà ngày nay gọi là thành phố Bảo Định, thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc. Cha của nàng là Lý Ngộ làm quản lý nội kho ở trong cung. Khi Lý thị đủ tuổi, nàng trúng tuyển và được chọn vào cung rồi trở thành phi tần của Minh Hy Tông Chu Do Hiệu (hoàng đế thứ 16 của nhà Minh).
Lý thị tuy vào cung không lâu nhưng được hoàng đế Minh Hy Tông rất sủng ái. Sau đó, nàng sinh ra công chúa Hoài Ninh, con gái thứ hai của của hoàng đế. Vì sinh ra công chúa, Lý thị được tấn phong làm Thành phi và ngày càng được vua Minh Hy Tông sủng hạnh nhiều hơn.
Lý Thành phi tính tình rộng lượng, chính trực. Trong cung, nàng thân thiết với Phạm Huệ phi như chị em. Khi đó, con trai của Huệ phi mới mất khiến cho nàng ta cả ngày sầu não, không màng ăn uống. Thế nhưng, hoàng thượng lại không đoái hoài gì đến nàng ta. Lý Thành phi sau khi biết chuyện, nàng đã chủ động đến trò chuyện với Huệ phi. Nhưng Huệ phi bị hoàng thượng đày vào lãnh cung.
Tuy nhiên, khoảng thời gian tốt đẹp không kéo dài bao lâu thì công chúa Hoài Ninh không may qua đời khi mới vài tháng tuổi. Một ngày trước khi công chúa mất đã xảy ra một trận động đất lớn, Minh Hy Tông cho rằng thảm họa là do Lý Thành phi gây ra. Hoàng đế một mực khẳng định nàng mang tới điềm dữ nên đã ra lệnh tống giam vào lãnh cung.
Lý Thành phi vừa trải qua nỗi đau mất đi con gái chưa lâu đã bị đẩy vào lãnh cung. Đời nàng đã chạm đến sự đau khổ tột cùng. Sau đó, nàng bị giam ở lãnh cung đến bốn năm, mãi đến khi Minh Hy Tông đột nhiên nhớ đến Lý Thành phi, nàng mới được thả tự do. Ít ai ngờ được rằng, không lâu sau, nàng lại bị tống vào lãnh cung một lần nữa, thậm chí lần này nàng đã suýt mất mạng.
Bị nhốt vào lãnh cung lần thứ hai
Vì sao hoàng đế Minh Hy Tông đã tống Lý Thành phi vào lãnh cung nhưng đột nhiên lại nhớ đến nàng? Nguyên nhân là bởi khi đó bên cạnh Minh Hy Tông chỉ còn Trương Hoàng hậu và Nhậm Quý phi. Những phi tần khác, người thì bị bắt giam, người đã bị giết hại. Trương Hoàng hậu vì sức khỏe suy nhược không thể hầu hạ hoàng thượng. Nhậm quý phi đang trong quá trình chuẩn bị sinh nở.
Vì thế, khi không chịu được sự cô đơn, Minh Hy Tông đã nhớ tới Lý Thành phi đang bị giam trong lãnh cung. Thế là ông đã đến chỗ của Lý Thành phi, đích thân đón nàng. Lý Thành phi một lần nữa lại nhận được sự sủng ái của hoàng thượng.
Lý Thành phi vẫn luôn nhớ đến người chị em của mình là Phạm Huệ phi. Lý Thành phi đã cầu xin Minh Hy Tông thả Huệ phi ra. Tuy hoàng thượng đồng ý nhưng hành động này của bà đã đắc tội đến Khách bà bà và Ngụy Trung Hiền.
Khách bà bà là vú nuôi của Minh Hy Tông, là vợ của thái giám Ngụy Trung Hiền. Thông thường vú nuôi của hoàng thượng sẽ phải rời cung sau khi hoàng đế cai sữa. Do Minh Hy Tông không có được tình thương của cha mẹ từ nhỏ nên Khách bà bà đã được giữ ở lại. Từ đó, ông đã nảy sinh tình cảm gắn bó bất thường với vú nuôi của mình.
Sau khi Minh Hy Tông lên ngôi, ông đã phong cho vú nuôi thành "Phụng thánh phu nhân" và ban cho bà cả những quyền lực tối cao. Đôi khi, ông còn để cho Khách bà bà can thiệp vào chính sự. Điều này đã tạo cơ hội để bà ta và Ngụy Trung Hiền có thể thâu tóm việc triều chính.
Trên thực tế, quyền lực trong tay Ngụy Trung Hiền đều là do Khách bà bà chuyển giao cho. Hai người họ đã liên kết và giết nhiều trung thần, khiến nhiều các quan lại bất bình mà không dám phản kháng.
Không những thế, ngay cả phi tần trong hậu cung họ cũng không buông tha. Khách bà bà có nhiều thủ đoạn tàn ác. Khi đó, bất cứ phi tần nào trong cung mang thai, bà ta sẽ tìm mọi cách để hãm hại họ. Các phi tần thường bị đầu độc để họ sẩy thai hoặc thai chết lưu. Nếu ai may mắn thoát nạn thì những đứa trẻ mới sinh sẽ bị tìm cách giết hại.
Lý do mà Khách bà bà làm vậy là bởi bà ta lo sợ rằng khi những đứa trẻ lớn lên, hoàng đế sẽ không còn để bà ta nắm quyền trong tay. Bất ngờ hơn cả, Minh Hy Tông biết Khách bà bà làm những chuyện xấu xa này, nhưng chỉ cười trừ cho qua như thể người chết không phải con của mình. Vì thế, người chịu thiệt thòi nhất trong chuyện này chính là các phi tần.
Khách bà bà ở hậu cung vô cùng hống hách, các phi tần ai cũng sợ bà ta. Lần này, việc Lý Thành phi giúp Phạm Huệ phi lấy lại sự sủng hạnh của hoàng thượng xem như đã thực sự đắc tội đến Khách bà bà. Bởi Phạm Huệ phi bị tống giam là do Khách bà bà trước mặt Minh Hy Tông dựng chuyện nói xấu.
Sau đó, Khách bà bà đã trực tiếp đi tìm Minh Hy Tông để tố cáo Lý Thành phi là một người kiêu căng ngạo mạn, bất kính với hoàng thượng. Minh Hy Tông nghe xong những lời này cũng không phân biệt đúng sai liền ra lệnh tống Lý Thành phi vào lãnh cung.
Đại nạn không chết
Lý Thành phi bị Khách bà bà hãm hại, nàng lại bị nhốt vào lãnh cung. Lần này còn thê thảm hơn trước rất nhiều. Khách bà bà quyết để cho Lý Thành phi chết ở nơi này. Bà ta ra lệnh khóa cửa lãnh cung, cho lính canh nghiêm ngặt và cấm mọi người mang đồ ăn đến cho nàng.
Trước đó không lâu, một vị phi tử là Dụ phi Trương thị cũng bởi đắc tội với Khách bà bà mà bị dày vò đến chết với thủ đoạn tương tự. Thậm chí, khi đó, Trương thị đang mang thai. Những việc này, Lý Thành phi đều tận mắt chứng kiến, nàng bị ám ảnh và trong lòng mang đầy nỗi căm phẫn với Khách bà bà.
Lý Thành phi bị giam giữ trong lãnh cung đã nửa tháng. Một hôm, Khách bà bà đột nhiên nhớ tới nàng nên đã sai thái giám Ngụy Trung Hiền đến để "nhặt xác". Kỳ lạ thay, khi Ngụy Trung Hiền mở cửa, hắn ta thấy Lý Thành Phi vẫn đang ngồi trong phòng. Ngụy Trung Hiền lúc đó còn tưởng mình nhìn thấy ma nhưng khi định thần lại, hắn xác nhận rằng đó là người sống.
Ông ta ngạc nhiên thốt lên rằng: "Ngươi là thần tiên hay sao? Đói nửa tháng trời mà vẫn còn sống được". Tin Lý Thành phi bị bỏ đói nửa tháng vẫn còn sống truyền đến tai của Khách bà bà. Dù trong lòng không tin nhưng Khách bà bà vẫn lo lắng rằng Lý Thành phi được thần phật che chở. Sau đó, bà ta đã thả Lý Thành phi ra.
Kỳ thực, Lý Thành phi có thể thoát được kiếp nạn này vốn không phải do thần linh nào bảo vệ mà do nàng tự cứu mình. Vậy nàng đã làm cách nào?
Thoát chết nhờ tài trí
Lý Thành phi vốn là một người rất thông minh. Nàng biết rằng Khách bà bà thường giam giữ các phi tần trong lãnh cung và hại họ bằng cách bỏ đói. Do đó, để phòng khi bất trắc, Lý Thành Phi đã giấu thức ăn ở mọi ngóc ngách trong lãnh cung.
Không ngờ, hành động này đã thực sự cứu sống nàng. Sau này, Lý Thành phi thoát khỏi lãnh cung, nàng bị giáng xuống làm cung nữ. Mãi đến khi hoàng đế Sùng Trinh lên ngôi, nàng mới được phục hồi tước vị.
Qua đây, có thể thấy, phi tần muốn tồn tại trong hậu cung đầy tàn khốc, không chỉ cần có sự xinh đẹp mà còn cần có tài trí. Lý Thành phi có thể đoán được rủi ro mà chuẩn bị trước nên trong thời khắc quan trọng nàng đã cứu sống chính mình.
Theo Dân Trí