Phố đi bộ ở Tây: Điều gì tạo nên sức hút?

Google News

(Kiến Thức) - Một số quốc gia có những con phố đi bộ tuyệt đẹp, trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách. Một số nơi áp dụng những quy định chặt chẽ về hoạt động biểu diễn nghệ thuật để không làm ảnh hưởng đến không gian của người đi bộ.

Mới đây, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) thông tin với báo chí về tình hình 2 năm thí điểm triển khai không gian phố đi bộ Hoàn Kiếm. Lãnh đạo quận Hoàn Kiếm chỉ ra những bất cập còn tồn tại tại phố đi bộ như ô nhiễm âm thanh, biểu diễn văn nghệ tự phát....
Trong đó, thú nuôi thả rông gây nguy hiểm cho mọi người gây bức xúc trong dư luận. Để giải quyết vấn đề này, sau khi tuyên truyền cho người dân đeo rọ mõm không hiệu quả, lãnh đạo quận Hoàn Kiếm thông báo sẽ cấm tuyệt đối việc du khách mang thú nuôi như chó, mèo vào phố đi bộ trong thời gian tới.
Pho di bo o Tay: Dieu gi tao nen suc hut?
Third Street - phố đi bộ nổi tiếng của Mỹ thường có nhiều ban nhạc biểu diễn nhưng đều phải tuân thủ quy định của chính quyền thành phố.  
Không riêng Việt Nam, nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha... cũng có những con phố đi bộ tuyệt đẹp, hấp dẫn du khách. Một trong những phố đi bộ nổi tiếng, được nhiều người biết đến là Third Street (tạm dịch: phố thứ ba) ở thành phố Los Angeles, Mỹ.
Third Street nằm ở khu vực Santa Monica, gồm ba khu nhà ở khoảng giữa đại lộ Broadway và đại lộ Wilshire. Khu phố đi bộ này cấm xe cộ lưu thông. Nhờ vậy, khu phố vô cùng sạch sẽ, ít khói bụi. Theo đó, mọi người cùng nhau tản bộ, vui chơi, chụp ảnh...
Khu phố đi bộ này của Mỹ có nhiều bảo tàng, nhà hát, nhà hàng... nên trở thành điểm đến thu hút đông du khách ghé thăm. Những hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Third Street luôn thu hút đông người theo dõi.
Để ngăn chặn việc biểu diễn văn nghệ tự phát, chính quyền thành phố đã đưa ra những quy định chặt chẽ. Theo đó, ban nhạc, nhóm nhạc, ca sĩ chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư đều có thể biểu diễn ở Third Street. Tuy nhiên, để có thể biểu diễn tại phố đi bộ này, họ phải có giấy biểu diễn do chính quyền thành phố cấp với chi phí 37 USD/năm (khoảng 860.000 đồng).
Thêm nữa, mỗi nhóm nhạc khi biểu diễn phải tuân thủ quy định cách nhau tối thiểu 150m để đảm bảo không gây ra trở ngại cho người đi bộ. Nhờ những quy định này, Third Street trở thành điểm đến yêu thích của nhiều người.

Mời độc giả xem video: Phố đi bộ xung quanh Hồ Gươm giành giải thưởng "Vì tình yêu Hà Nội" (nguồn: VTC14)

Thủ đô Paris của Pháp cũng nổi tiếng với phố đi bộ sầm uất. Cụ thể, vào tháng 5/2016, Đại lộ Champs Elysee trở thành phố đi bộ khi chính quyền Paris áp dụng quy định cấm tất cả các phương tiện gắn máy.
Chính quyền thành phố Paris hy vọng quy định trên sẽ nâng cao hình ảnh đại lộ Champs Elysee trong mắt du khách cũng như hạn chế khói bụi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường cho thủ đô.
Đến tháng 4/2017, tuyến đường nhộn nhịp chạy dọc bờ sông Seine nổi tiếng ở thủ đô Paris cũng trở thành phố đi bộ hấp dẫn du khách. Theo đó, toàn bộ xe cộ bị cấm lưu thông tại tuyến đường này.
Với độ dài 3,3 km, bắt đầu từ Vườn Tuileries và kết thúc tại Quảng trường Bastille, việc triển khai phố đi bộ sông Seine được đánh giá cải thiện tình hình ô nhiễm môi trường tại Paris, giúp thành phố trở thành thủ đô thân thiện với môi trường đồng thời biến tuyến phố này thành điểm đến hút khách.
Tâm Anh (TH)