Tết đến, xuân về là dịp để mọi người thể hiện lòng thành kính của mình với tổ tiên, với đất trời và sum vầy bên nhau chào đón năm mới. Với người dân vùng biển Diễn Châu, đón tết và vui xuân ở đây với những phong tục có những nét độc đáo riêng.
|
Phong tục của dân vùng biển |
Thói quen tâm linh, tín ngưỡng thờ thần đã trở thành một phong tục, nét đặc sắc trong đời sống văn hóa của người dân vùng cửa biển Diễn Châu. Chính vì thế, dù lăn lộn với những con sóng ngoài khơi xa, nhưng trong thời khắc thiêng liêng ngày đầu năm mới, những người dân vùng biển Diễn Ngọc lại cùng nhau thành kính chuẩn bị những phẩm vật dâng lên các vị thần sông, thành hoàng tại miếu cá Ông (tục thờ cá Voi) đã có hàng trăm năm nay.
Đền cá Ông thuộc xóm Ngọc Minh, xã Diễn Ngọc được ngư dân tạo dựng nằm ngay sát cửa sông Lạch Vạn nhìn ra biển. Đây là nơi chứng kiến cảnh vào ra tấp nập của tàu thuyền đánh cá của ngư dân địa phương. Tại đền có hàng chục bộ xương cá voi lớn nhỏ, trong đó có bộ xương được lưu giữ cả trăm năm.
Nếu như trước đây, đền thờ cá Ông là nơi sinh hoạt đời sống tâm linh của riêng ngư dân xã Diễn Ngọc thì nay đã thu hút đông đảo ngư dân trong vùng đến dâng hương và lễ vật mỗi dịp đầu xuân năm mới để tạ ơn thần sông, thần biển. Ông Thái Bá Tranh - Người trông miếu Cá Ông cho biết: “Đền cá Ông đây đã bao đời nay, người dân Diễn Ngọc, các xã làm ăn sông nước cầu an toàn tuyệt đối, đảm bảo tài sản, con người, đưa kinh tế gia đình thuận lợi.”
Ngoài việc đi lễ đền cá Ông thì người dân vùng biển còn tổ chức lễ Cầu ngư ra quân đánh bắt đầu năm mới tại gia đình, bến cá và trong các đền chùa ở địa phương để giúp họ có một năm làm ăn thuận lợi, đi biển bình yên, thuyền về đầy tôm cá.
Ở Diễn Châu, lễ cầu ngư thường tổ chức từ những ngày đầu năm đến hết rằm tháng giêng Âm lịch. Mặc dù lễ vật không cầu kì nhưng nghi thức được tổ chức trang trọng. Trong không khí linh thiêng, thành kính, ngư dân cúng tạ gà, lợn, trái cây để cám ơn đất trời, thần biển.
Diễn Châu hiện có gần 1500 tàu thuyền các loại, trong năm qua nhờ phát huy hiệu quả nghề khai thác nên phong tục cầu ngư năm nay được ngư dân tổ chức linh đình hơn.
Anh Trần Văn Thuận - Ngư dân xóm Đông Lộc xã Diễn Ngọc chia sẻ: “Lễ cầu ngư của gia đình tâm niệm lúc nào cũng từ đầu năm lên đền chùa để thắp hương, tạ lễ cầu nguyện năm mới gặp nhiều may mắn, an khang phúc lộc. Bao gồm dưới thuyền nữa gắn liền công việc kinh tế gia đình ở biển.”
Qua các phong tục độc đáo ở vùng biển Diễn Châu đã thể hiện đựoc ý thức tri ân và khát vọng no đủ, thanh bình của ngư dân. Những nét sinh hoạt truyền thống tốt đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh đã làm cho không khí vui xuân đón tết của bà con vùng biển thêm vui tươi, giàu ý nghĩa, giúp họ yên tâm bám biển, vươn khơi, nâng tổng sản lượng khai thác hải lên trên 33 ngàn tấn trong năm mới 2014.
Ý thức tri ân đến các vị thần đầu năm mới cũng là niềm tin, sự vững tâm cho những chuyển biển bình yên. Bà Nguyễn Thị Loan–Xóm Ngọc Văn –Diễn Ngọc chia sẻ: Đầu xuân năm mới, các chủ tàu thuyền trong xã cũng như ngoài xã về đây để lễ đầu xuân nghĩa là cầu an cho gia đình và cầu an cho nghề nghiệp năm tới sẽ thuận hòa mọi điều mọi việc, mọi người đều tin rằng có ngài phù hộ, độ trì, ngài ban tài, tiếp lộc cho nhà nghề.
Tục lễ "đầu năm mua muối" đã trở thành một nét đẹp truyền thống không thể thiếu của người dân biển. Vì vậy, đã hàng chục năm nay, chị Bùi Thị Thành, xã Diễn Kim đều dành một lượng muối trắng nhất, đẹp nhất để bán vào sáng mồng 1 tết. Đây là tục để lại từ đời ông, đời cha và hôm nay chị vẫn duy trì.
Không chỉ để lấy may cho mọi người và cho bản thân, cho gia đình mà để truyền mãi một phong tục đẹp của người dân vùng biển với ước muốn cầu mong sự đậm đà, đồng thuận trong gia đình, sự mặn mà no đủ trong tình đoàn kết giữa con người với con người.
Chị Bùi Thị Thành cho biết: Không lấy lãi, lời gì đâu nhưng dân ta đầu năm lấy cái lộc, muối mặn cho đậm đà đầu năm, ai cũng cứ mua 10 nghìn để lấy lộc để làm ăn cho phát lộc phát tài.
Theo An Nhiên/Khoevadep