Hoàng Đình Bảo (1743-1782) còn được người đương thời gọi là Huy Quận Công (hay Quận Huy) thời vua Lê - chúa Trịnh. Trước đây, tên của ông ta là Đăng Bảo, sau đó lại đổi là Tố Lý và sau nữa lại đổi là Đình Bảo. Ông quê ở Hoan Châu (nay thuộc huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh), là con nuôi danh tướng Hoàng Ngũ Phúc.
Hình ảnh lẳng lơ của Tuyên phi Đặng Thị Huệ trên phim.
Ông thi đậu hương tiến và về sau lại đậu tạo sĩ rồi lấy con gái của chúa Trịnh Doanh. Vì được phong làm Huy Quận Công nên ông thường được gọi là Quận Huy. Năm 1774, ông theo Quận Việp Hoàng Ngũ Phúc đánh chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chiếm được kinh thành Phú Xuân. Do uy tín của Quận Việp trong triều quá lớn, nhiều người dị nghị hai chú cháu sẽ cướp ngôi chúa của họ Trịnh. Thời ấy, có người đã đặt ra những câu sấm đồn đại việc này. Quận Việp sợ bị vạ lây bèn đổi tên ông thành Tố Lý. Về sau, trước khi qua đời (1775), ông lại đổi tên lần nữa thành Đình Bảo.
Năm 1777, ông làm trấn thủ trấn Nghệ An. Tại đây xảy ra nạn đói, Quận Huy ra lệnh cho các nhà giàu trong vùng phải xuất thóc lúa trợ cấp cho người nghèo. Vì vậy người nghèo Nghệ An rất biết ơn ông. Năm 1778, ông được Tĩnh Đô Vương Trịnh Sâm cho coi việc trong phủ chúa và lĩnh chức trấn thủ Sơn Nam (địa bàn của Sơn Nam thời Lê gồm: Hà Đông, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình).
Bấy giờ, trong họ Trịnh xảy ra tranh chấp ngôi thế tử giữa con trưởng là Trịnh Tông và con thứ là Trịnh Cán, do người mẹ của Trịnh Cán là Tuyên phi Đặng Thị Huệ làm đại diện. Quận Huy từng có ý theo Trịnh Tông nhưng không được bèn ngả theo Đặng Thị Huệ để giúp Trịnh Cán còn nhỏ. Nhân vụ án năm Canh Tý (1780), Trịnh Tông có ý làm loạn nhưng thất bại nên bị truất ngôi xuống làm con út và ngôi thế tử thuộc về Trịnh Cán. Sau khi Trịnh Sâm mất, Trịnh Cán mới 5 tuổi lên thay, tức là Điện Đô Vương. Quận Huy được cử giữ chức phụ chính trong phủ chúa Trịnh. Vì Tuyên phi còn trẻ tuổi, Quận Huy thường ra vào bàn kế sách với Tuyên phi nên mọi người trong cung ngoài phủ dị nghị là ông tư thông với Tuyên phi. Vì vậy, người đương thời có lời đồn đại về ông như sau:
Trăm quan có mắt như mờ
Để cho Huy quận vào rờ chính cung.
Về sau, lính kiêu binh ủng hộ Trịnh Tông cùng nhau thực hiện âm mưu đảo chính lật đổ Trịnh Cán để lập Trịnh Tông. Sách Lê quý dật sử có đoạn chép vắn tắt sự việc này như sau:
Lính trong phủ ước hẹn cùng vào núi bí mật toan định ngày giờ phế Trịnh Cán. Bên trong theo ý quốc mẫu (mẹ Trịnh Sâm), bên ngoài dựa vào sự chi viện của Phan quận công (Nguyễn Phan) và nhờ Nguyễn Nhưng làm bài hịch khích lệ quân lính, phù chính nghĩa. Lại có Thư cho Tiệp Bảo là Nguyễn Bằng lên gác phủ đánh trống làm hiệu. Nghe có biến, Quận Huy sai đội quản voi chỉnh đốn bành voi. Huy lên voi tuần hành để răn đe quân sĩ. Quân sĩ đập phá gạch ngói ném bừa vào Huy. Huy bị thương ngã gục trên mình voi, quân sĩ lại lấy kiếm dài đâm lên làm Huy bị thương tiếp. Rồi lại lấy câu liềm lôi Huy xuống và băm ra từng khúc. Quận Huy bị giết, Trịnh Cán và Đặng Thị Huệ bị truất, Trịnh Tông lên ngôi, tức là Đoan Nam Vương.
Lời bàn:
Vào thời Lê Mạt, người ngồi trên ngai vàng để trị vì đất nước vẫn là nhà vua, nhưng triều đình trong cung vua chỉ là hình thức, còn thực quyền cai quản và điều hành các bộ, các tổng trong nước lại do phủ chúa Trịnh quyết định. Thậm chí có những công việc nhà vua ra lệnh nhưng phủ chúa chưa đồng ý thì lệnh ấy cũng như không. Ngược lại, việc gì phủ chúa đã quyết thì vua cũng không thể cản. Và chính vì quyền lực và địa vị như vậy nên ngôi vua thì chẳng ai dòm ngó, còn chiếc ghế trong phủ chúa thì lại tranh nhau.
Cũng chính vì quyền lực, địa vị, danh vọng và bổng lộc nên Quận Huy từ một con người có tài, một người có thời được dân chúng tin tưởng đã nhanh chóng trở thành kẻ mù quáng. Thế mới hay rằng, quyền lực cùng sự vinh hoa và cả đàn bà... luôn là cái bẫy đối với tất cả những người đàn ông không biết mình là ai. Và từ thượng cổ cho tới ngày nay, đã có biết bao người hùng thân bại danh liệt và thậm chí là mất mạng bởi cái bẫy này. Mong rằng hậu thế sẽ không còn ai vướng vào bả vinh hoa, bẫy quyền lực như tiền nhân nữa.
Theo NN/ Báo Bình Phước