Rầm! Một chiếc xe gắn máy của người say rượu từ phía sau tông mạnh tới xe máy của tôi đang chạy, làm tôi mất thăng bằng té ngã, kết quả là tôi bị gãy tay và gãy chân.
|
Tâm tôi kiên định với pháp thực tập trường chay để giữ lòng mình thiện lành dù ai nói gì đi nữa - Ảnh minh họa |
Tôi nhập viện, các bác sĩ chẩn đoán tình trạng của tôi rất nặng. Chân thì gãy thường nên chỉ băng bột, còn tay thì gãy hết cả hai ống. Có một ống bị gãy nát ở đầu, bác sĩ phải tiến hành mổ gấp để sắp xương lại cho tôi. Phần xương to bị gãy đôi thì nẹp inox, phần xương bị nát vụn thì đục sụn đắp vào, mong thời gian các xương vụn sẽ bám vào đó mà lành.
Ca phẫu thuật trải qua hơn 4 giờ mới xong, tôi được đẩy ra phòng hồi sức chờ tỉnh. Lúc đầu còn thuốc tê và thuốc giảm đau thì không sao, khi hết thuốc nó đau nhức tận xương tủy. Đêm đó tôi không sao chợp mắt được. Lần đầu tiên trong đời tôi cảm nhận nỗi đau đớn và bất lực. Muốn bước đi vài bước cũng không được, làm gì cũng không xong. Ngay cả việc chăm sóc cá nhân cho mình cũng phải nhờ sự trợ giúp.
Rồi thời gian trôi qua, tới ngày tháo băng chân tôi mới tập đi từ từ như em bé mới biết đi. Rồi đến ngày tháo băng tay thì hỡi ôi! Các ngón tay, cổ tay, khuỷu tay, cánh tay đều bị cứng cơ, tôi phải đi tập vật lý trị liệu mấy tháng trời và mỗi lần tập như vậy phải chịu đau đớn vô cùng.
Tôi mong cho xương mau lành, để một lần nữa phẫu thuật lấy inox ra. Nhưng đã hơn nửa năm mà xương vẫn chưa lành. Bác sĩ bảo phải nhập viện để mổ lấy cây đinh ra và nạo bỏ hết các xương vụn không lành ấy. Mổ xong lần thứ hai, tôi thấy sức khỏe mình xuống dốc rõ rệt. Hơn nữa, thuốc giảm đau và kháng sinh nó hại gan và hành bao tử khủng khiếp. Mổ lần đầu thì còn sức để lướt qua, lần thứ hai mới thấy sức khỏe mình yếu đi hẳn.
Thấm thoát một năm trôi qua, cách đây vài ngày tôi đi tái khám, tôi hồi hộp chờ kết quả bác sĩ thẩm định, xem khi nào sẽ mổ lại lần nữa để lấy inox ra. Sau khi xem phim chụp X-quang, bác sĩ nói xương của tôi vẫn chưa lành, vết nứt giữa hai khúc xương quá to, thời gian trải qua lâu như vậy mà thịt không đủ để trám đầy vết nứt ấy thì xương không thể lành được. Để theo dõi thêm một thời gian nữa, nếu xương vẫn như vậy thì bắt buộc phải mổ lấy inox cũ ra, lóc thịt đắp vào chỗ gãy ấy rồi nẹp inox mới, khi nào xương lành sẽ tiếp tục mổ lấy inox ra.
Như vậy tôi phải trải qua hai lần phẫu thuật nữa. Nghe xong tôi cảm thấy bàng hoàng, vì tôi sợ mình không đủ sức để vượt qua hai lần nữa. Hiện giờ tôi chưa được 40kg mà lại không khỏe. Tôi mong chư Phật sẽ gia hộ cho tôi, tái khám lần sau thịt đủ xương liền để tôi chỉ mổ một lần nữa thôi.
Tôi nhớ lại trước kia bác sĩ có nói với tôi rằng: “Cô muốn lành xương thì phải ăn uống đầy đủ, nếu cô ăn chay thì tôi bảo đảm với cô xương sẽ khó lành. Cô về xin Phật ngã mặn trong thời gian điều trị đi, khi xương lành trường chay trở lại cũng được mà”. Trải qua phẫu thuật đau đớn tôi không khóc mà khi nghe nói phải ăn mặn mới lành xương tôi đã bật khóc nức nở. Thế rồi tôi quyết định giữ vững lập trường của mình, dù thế nào cũng không ngã mặn. Vì tôi nghĩ rằng, mình bị tai nạn mà còn đau đớn như vậy thì những con vật bị giết thịt còn đau đớn đến như thế nào.
Tôi không biết tai nạn của tôi là do sự bất cẩn của con người hay do phải trả nghiệp quá khứ. Dù sao thì tai nạn và bệnh tật không bao giờ là điều tốt. Nó rất đau khổ mà chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận hết được. Tôi viết bài này để chia sẻ với mọi người rằng: Hãy luôn tôn trọng sự sống của bản thân mình và của tất cả chúng sinh. Vì Đức Phật dạy: “Ai ai cũng sợ chết, sợ gươm đao”. Cầu chúc tất cả chúng sinh luôn sống trong an lành.
Theo Thanh Nhã/Giác Ngộ