Ranh giới thiện - ác trong "Thảm kịch trắng"

Google News

Thảm kịch trắng chắc chắn sẽ là một sự lựa chọn không tồi dành cho những độc giả yêu thích trinh thám nói chung và yêu mến những tác phẩm văn học Việt Nam nói riêng.

Tiểu thuyết Thảm kịch trắng là cuốn thứ ba trong chuỗi series trinh thám Trắng của nhà văn Kim Tam Long, trước đó là Mặt nạ trắng và Ẩn ức trắng.

Phải nói rằng, Thảm kịch trắng có cốt truyện với những tình tiết lắt léo, nghệ thuật khắc họa tâm lý nhân vật sắc nét, những mâu thuẫn và bi kịch trong góc khuất của một xã hội hiện đại đã lần lượt được bóc tách, phơi bày một cách tường tận dưới ngòi bút đầy tinh tế nhưng cũng không kém phần sâu cay.

Ranh gioi thien - ac trong

Tiểu thuyết Thảm kịch trắng. Ảnh: Hoàng Hanh.

Xã hội chính là một bức tranh tổng thể với những mảng màu đan xen khó phân định rạch ròi giữa ranh giới thiện và ác. Để trả thù, để bảo vệ tôn nghiêm, để che giấu những tội ác hòng trốn chạy những sai lầm trong quá khứ, những nhân vật của câu chuyện đã lừa lọc và lợi dụng lẫn nhau, lần lượt dùng những thủ đoạn tinh vi khó lường để đẩy đối phương vào những cái bẫy đã được giăng mắc sẵn.

Cho tới cuối cùng, khi đã phải trả giá bằng mọi thứ, có lẽ họ mới hay, lòng người thật sắc bén như dao.

Với Thảm kịch trắng, Kim Tam Long đã đi sâu vào nội tâm con người thông qua ngòi bút khắc họa tâm lý kỹ lưỡng và tỉ mẩn. Các vụ án được liên kết chặt chẽ với nhau thông qua những tình tiết đan xen hồi hộp nhưng nổi bật hơn cả vẫn là chiều sâu và tâm lý của mỗi nhân vật được bộc lộ, khắc họa rõ nét để thể hiện mối tương quan chặt chẽ giữa thiện và ác.

Cái thiện có thể tồn tại với chúng ta suốt cuộc đời nếu chúng ta có cuộc sống bình lặng, yên ổn. Nhưng khi rơi vào nghịch cảnh, liệu cái thiện còn chiến thắng được cái ác trong mỗi con người hay không? Và rồi, khi lỡ dung túng cho cái ác, chúng ta có thể sẽ bị nó chiếm lấy, liệu chúng ta có thể làm chủ bản thân được nữa?

Câu hỏi về nhân tính được đặt ra. Và câu trả lời đã được giải đáp khi gấp cuốn sách lại. Đó là điều mà con người luôn hoài nghi ở chính bản thân mình vì không thể chắc chắn giới hạn của cái xấu đang tồn tại trong mỗi bản ngã.

Bằng giọng văn sắc sảo và điềm tĩnh, tác giả đã tiếp cận nỗi sợ hãi ám ảnh này dưới góc nhìn trực quan nhất đồng thời cũng phơi bày triệt để những góc khuất trái chiều của một xã hội hiện đại với nhiều tệ nạn - nơi con người đang dần đánh mất đi lòng hướng thiện bởi những ích kỉ và vụ lợi.

Như mọi tác phẩm trinh thám khác, Thảm kịch trắng mở đầu bằng một vụ án mạng. Không còn manh mối, các hướng điều tra của cảnh sát đi vào những ngõ cụt và vụ án bí ẩn dần bị quên lãng. Nhưng đó chỉ là một sự khởi đầu cho một chuỗi những bi kịch phía sau.

Những khúc cua vừa đủ gây tò mò, kịch tích nhưng vẫn đảm bảo sức logic và thuyết phục. Giọng văn hóm hỉnh đặc trưng nhưng vẫn đủ độ tạo không khí gay cấn và dồn dập khi cần thiết. Tất cả tạo nên một cuốn sách trinh thám đủ khéo léo hấp dẫn lôi cuốn người đọc, hồi hộp nín thở theo chân các nhân vật cho đến tận những trang sách cuối cùng. Và khi gấp lại vẫn còn nhiều dư âm trăn trở về tình cảm gia đình, đạo nghĩa vợ chồng, mối quan hệ bạn bè ngoài xã hội.

Ranh gioi thien - ac trong

Tác phẩm nằm trong bộ ba tiểu thuyết trinh thám "Trắng" của Kim Tam Long.

Tác giả luôn bám sát vào những vấn đề nóng bỏng trong dư luận xã hội, tưởng nhỏ nhưng lại là cái dằm cắm sâu, gây nhức nhối mà chẳng thể lấy ra nổi. Từ việc nhân vật có tính cách cổ hủ, gia trưởng, hay vấn nạn ngoại tình, lợi dụng nhau vì chữ tiền, những kẻ có tâm lý bất thường đến biến thái… đối với Kim Tam Long đều có thể trở thành nguyên nhân để cái ác phát triển.

Khi thì tác giả đẩy nhanh nhịp độ khiến dây thần kinh người đọc căng như dây đàn, thoáng cái phải bật cười vì sự hóm hỉnh, rất “bắt trend” theo kịp thời thế.

Những vụ án mạng bất ngờ và đầy kinh hoàng đã xảy ra. Cảnh sát vào cuộc điều tra, truy tìm hung thủ. Nhưng mọi thứ không hề dễ dàng. Những lúc tưởng chừng như rơi vào bế tắc, đi vào ngõ cụt thì lại phát hiện ra tình tiết mới. Những lúc tưởng rằng đã đi được đến tận cùng của sự thật, thì tất cả giống như chỉ mới bắt đầu. Liệu đến cuối cùng, bức màn bí mật có được vén mở? Công lý có được thực thi hay không?

Mỗi khi một mảnh ghép được từ từ lật mở, độc giả lại phải ngậm ngùi tự hỏi: Liệu những nhân vật có thật sự chỉ đơn giản giống như vẻ bề ngoài, hay tất cả chỉ là vỏ bọc cho sự biến chất và méo mó bên trong? Sự lương thiện trong mỗi con người rốt cuộc sẽ đủ sức chiến thắng, hay những mưu mô tham vọng sẽ đè bẹp lên tâm hồn họ và biến họ trở thành những con ác quỷ?

Đặc biệt ở Thảm kịch trắng, tác giả để nhân vật nữ có thể nói lên tiếng lòng và tự làm chủ cuộc đời của mình, không còn phụ thuộc vào ai.

Có lẽ một lần nữa chúng ta sẽ phải ngả mũ thán phục khả năng xây dựng cốt truyện của tác giả Kim Tam Long, vì mặc dù câu chuyện đã xảy ra với nhiều diễn biến và nhiều tuyến nhân vật chính- phụ đan xen, rất nhiều tình tiết xen lẫn nhưng người đọc không hề bị cảm thấy rối rắm ngột ngạt bởi, lối diễn đạt rõ ràng và mạch lạc.

Thảm kịch trắng chắc chắn sẽ là một sự lựa chọn không tồi dành cho những độc giả yêu thích trinh thám nói chung và yêu mến những tác phẩm văn học Việt Nam nói riêng.

Theo Hoàng Hanh/Zing News