Đã 40 năm trôi qua, kể từ khi tờ báo đầu tiên đăng tin "Hiện tượng kỳ lạ về chiếc mâm quay", độc giả cả nước vẫn kiên trì chờ đợi lời giải đáp về bản chất của hiện tượng kỳ bí này. Giới báo chí đã dành dung lượng khá lớn và hết năm này đến năm khác mô tả sự kiện mâm quay, nhưng vẫn chưa có lời giải thích thoả đáng từ phía các nhà khoa học.
"Hiện tượng mâm quay" đã xuất hiện ở các tỉnh như Bình Định, Lâm Đồng, Đà Nẵng… từ hàng trăm năm nay. Đây là trò chơi dân gian được lưu truyền ở một số tỉnh phía Nam. Những chiếc mâm có tuổi thọ cả trăm năm, chuyên dùng để biểu diễn khiến khán giả kinh ngạc. Mâm quay có cấu tạo hình tròn, được làm bằng gỗ, đồng, nhôm hoặc thủy tinh. Mâm được đặt trên một ổ trục để giảm tối đa lực ma sát khi quay.
Những người tham gia cuộc chơi đứng quanh mâm, đặt tay lên mâm và "ra lệnh" liên tục trong đầu: "quay, quay, quay…". Mâm quay thuận hoặc ngược chiều kim đồng hồ là do quy ước với nhau khi tham gia. Khi người chơi đọc liên tục thì mâm bắt đầu quay theo chiều đã quy ước. Mọi người chỉ còn biết chạy theo chiều mâm quay đến lúc mệt. Khi muốn dừng thì tất cả lại cùng đọc: "hãy dừng lại, hãy dừng lại…". Đọc như vậy một lúc thì mâm cũng dừng hẳn. Từ cả trăm năm nay, các nhà khoa học, những người tỉnh táo nhất đều đã thử nghiệm, song mâm đều quay tít mù.
|
Chiếc bàn kỳ lạ. |
Là người thích nghiên cứu sự lạ, nên TS Vũ Thế Khanh (TGĐ Liên hiệp UIA) rất sốt sắng tìm ra sự thật. Với ông, những chuyện bí hiểm, kỳ lạ luôn có sức lôi cuốn đặc biệt.
Ông thành lập một đoàn khảo nghiệm gồm các nhà khoa học, trong đó có cả những người có năng lực đặc biệt, vào tận Đà Lạt, nơi có chiếc mâm quay kỳ lạ mà báo giới nhắc đến ròng rã trong nhiều năm qua. Chiếc mâm quay thuộc sở hữu của chị Phong Lan.
Theo sự phân tích của các nhà khoa học, mâm chỉ có thể quay khi có lực tác động vào mâm tạo ra mô-men quay, lực này nằm trong mặt phẳng của mâm, có phương vuông góc với bán kính quay, tức là tiếp tuyến với đường tròn quay. Những loại tác động có thể gây ra mô-men được xác định gồm: Tác động của điện từ trường, tác động của lực sinh học và tác động của lực cơ học.
Những người có năng lực đặc biệt đưa ra nguyên nhân nữa là do năng lượng, điện từ trường đặc biệt. Hầu hết người dân cũng như chủ nhân của những chiếc mâm quay đều khẳng định do cõi giới tâm linh vô hình.
Chiếc mâm quay của chị Lan được đặt trong một căn phòng 20 m2. Chiếc mâm làm bằng gỗ, đặt trên một ổ trục quay được thiết kế khá công phu. Chị bảo rằng, chiếc mâm đã rất lâu đời vì ông nội chị cũng không xác định được từ đời nào để lại.
Chị Lan mang cho ông Khanh xem 10 cuốn sổ, mỗi cuốn dày cả trăm trang ghi cảm tưởng của khách thập phương nói về sự kỳ diệu của mâm quay. Căn cứ vào các trang lưu bút thì thấy nhiều tầng lớp xã hội đã từng thí nghiệm tại đây: học sinh, sinh viên, kỹ sư, tiến sỹ, các cán bộ nghiên cứu khoa học thuộc nhiều lĩnh vực, ở khắp các địa phương trên toàn quốc, thậm chí có cả người ngoại quốc. Tất cả các ý kiến đều ca ngợi sự kỳ lạ của mâm quay, thậm chí còn thần thánh hoá về chiếc mâm quay, chẳng hạn như:
“Thật tuyệt vời, chuyện khó tin mà là sự thật. Đề nghị các nhà khoa học hãy vào cuộc, không nên võ đoán, đừng vội phủ định nếu chưa tự mình làm thí nghiệm…”.
“Đây là sự thật 100%, đề nghị các cơ quan khoa học Nhà nước kiểm định và công nhận đây là di sản văn hoá quốc gia”.
“Mâm quay được là do siêu năng lượng, cần nghiên cứu và khai thác dạng siêu nặng lượng này để phục vụ cho khoa học…”.
“Đây là hiện tượng cộng hưởng của "thần giao cách cảm", dù bạn có phủ nhận thì nó vẫn hiện hữu. Thế giới này quả là kỳ diệu…!”
“Nếu tìm được bản chất của hiện tượng quay này thì đó là phát minh thế kỷ!”.
Ông Vũ Thế Khanh lật chiếc mâm (mặt bàn) ra khỏi ổ trục quay, xem trong đó có cài các thiết bị có thể bị ảnh hưởng của sóng điện từ điều khiển từ xa hay không. Nhưng phương án này cũng nhanh chóng bị loại bỏ vì chẳng tìm được gì, hơn nữa, từ xa xưa chiếc mâm đã được biểu diễn như vậy, mà lúc đó cũng chưa thể có thiết bị điều khiển từ xa bằng sóng điện từ như bây giờ.
Để tiến hành thí nghiệm, trước hết ông Khanh cũng làm theo đúng quy trình như các nhóm khác đã làm trước đây. Mọi người đứng xung quanh, đặt tay trực tiếp lên mặt mâm và đọc cho mâm "quay". Lần đầu ra lệnh cho mâm quay theo chiều kim đồng hồ. Sau hơn 4 phút đọc "thần chú", mâm từ từ quay, càng lúc càng nhanh. Khoảng 10 phút sau, ông Khanh yêu cầu mọi người cùng đọc "hãy dừng lại". Sau hơn 2 phút, mâm đã dừng lại hẳn.
Lần hai, đoàn khảo nghiệm lại làm đúng như đợt đầu, nhưng "ra lệnh" cho mâm quay ngược chiều kim đồng hồ. Lần này, chỉ khoảng 3 phút mâm đã quay và khi muốn dừng lại thì cũng chỉ mất hơn một phút. Điều này hết sức kỳ lạ, bởi những người tham gia thí nghiệm đều là cán bộ của UIA.
Cuộc thí nghiệm lần ba, ông Khanh đưa cho mỗi người tham gia thí nghiệm một quả cầu mà ông mang theo từ trước, cỡ xấp xỉ bằng quả bóng bàn. Lần thí nghiệm này mọi người không đặt tay trực tiếp lên mặt mâm mà đặt tay thông qua quả cầu trên mặt mâm.
Các quá trình đọc "thần chú" vẫn thực hiện như các thí nghiệm trước đây. Nhưng lạ thay, mọi người đọc đến 30 phút mà mâm vẫn không nhúc nhích. Dù đổi "thần chú" đọc cho mâm quay ngược lại, nhưng mâm vẫn trơ trơ bất động.
Người chủ nhà thấy vậy thốt lên: “Từ trước tới nay, chưa có vụ nào làm mà mâm không quay. Các bác là nhóm đầu tiên đọc "thần chú" mà mâm không chịu nghe lời".
Sau khi tổng kết, đánh giá các thí nghiệm, ông Khanh kết luận: “Khi tay người chơi không tiếp xúc với mặt mâm, mà phải gián tiếp thông qua quả cầu, thì người chơi chỉ có thể tác dụng lực vuông góc với mặt mâm (mà phương này thì không gây ra mô-men quay cho mâm).
Quan sát kỹ các lần làm thí nghiệm, thấy rõ người chơi dù vô tình hay cố ý đẩy tay đi thì quả cầu lập tức lăn ngay, không truyền lực đẩy ngang xuống mâm được nữa. Phương pháp này đã triệt tiêu ma sát tạo mô-men quay và làm cho mâm hết "phép lạ". Như vậy, có thể khẳng định không hề có tác động của lực từ trường, lực sinh học, điện từ trường hay lực lượng tâm linh siêu hình nào đó như mọi người vẫn từng nghĩ. Mâm chỉ quay khi có lực cơ học do tay người chơi đặt trực tiếp vào mặt mâm tạo mô-men quay. Nếu lực này bị khử mất do quả cầu lăn thì mâm không thể quay được nữa”.
Điều mà mọi người đều thắc mắc, đó là lực cơ học gây ra mô-men quay do đâu mà có?
Theo ông Khanh, khi người chơi đặt tay trực tiếp lên mặt mâm, liên tục đọc khẩu lệnh cho mâm quay, thì tâm lý phát sinh tự kỷ ám thị, dần dần bị rơi vào ảo giác: hình như đang có lực vô hình nào đó làm cho mâm quay, và cảm thấy mâm "chuẩn bị quay", nên người chơi có xu hướng nương theo chiều quay quy ước trong đầu. Khi nương theo, vô tình hay hữu ý đã gia tăng lực vào mặt mâm. Cứ như vậy mâm sẽ quay càng lúc càng nhanh hơn. Đấy là chưa kể đến trường hợp trong số đó có một người cố tình đẩy cho mâm quay. Quá trình dừng mâm lại cũng theo nguyên tắc ấy để phát sinh tâm lý tương ứng.
Như vậy, thực chất của hiện tượng "mâm quay" là do tay người chơi đã tác động lực cơ học vào mặt mâm tạo mô-men quay. Người chơi cũng vô tình không hề nghĩ rằng chính mình bị tự kỷ ám thị, đã tưởng tượng ra mâm đang quay (hoặc sắp quay), nên đã gia tăng lực vào khiến mâm quay nhanh hơn. Như vậy, câu hỏi tồn tại hàng thế kỷ nay về chiếc mâm quay đã được giải mã một cách dễ dàng bằng thí nghiệm đơn giản.
Theo VTC News