Cụ thể, các nhà khảo cổ đã giải mã được nguyên nhân tuyệt chủng của 3 trong số các loài người khác:
1. Người Neanderthal tuyệt chủng do… cách ăn uống
Người Neanderthal là loài người được nhắc đến nhiều nhất trong các hồ sơ khảo cổ bởi họ là một trong các loài người tiến hóa cao nhất và có một giai đoạn lịch sử. Loài người này đã tuyệt chủng 30.000 - 50.000 năm trước sau khoảng 350 - 600 thiên niên kỷ tồn tại.
Người Neanderthal - Ảnh: Sci-News
Theo đó, nhóm nghiên cứu đa quốc gia từ Đức, Áo, Romania, Mỹ và Anh đã phân tích măng đá trong các hang động có dấu tích của người cổ đại từ 40.000 - 44.000 năm trước và đối chiếu với các dữ liệu khảo cổ khác. Măng đá là một dạng trầm tích hang động, ghi dấu rất nhiều dữ liệu lịch sử. Họ phát hiện ra rằng không có công cụ lao động của người Neanderthal trong các thời kỳ lạnh!
Bài báo công bố trên tạp chí khoa học PNAS số tháng 8/2018 kết luận rằng người Neanderthal đã tuyệt chủng vì cách ăn uống của họ. Sự thiếu vắng công cụ cho thấy họ dường như bất lực, không thể tìm kiếm cái ăn trong thời tiết lạnh. Bởi lẽ thực phẩm chính của họ là thịt. Người hiện đại Homo Sapiens chúng ta ngoài thịt còn ăn khá nhiều cá và thực vật, vì vậy đã sống sót.
2. Người lùn Hobbit biến mất vì núi lửa
Người lùn Hobbit không chỉ là một tộc người trong tiểu thuyết của nhà văn J. R. R. Tolkien. Họ thực sự tồn tại và là một loài người khác đã tuyệt chủng.
Hơn 1 thập kỷ trước, các di chỉ phát hiện trong hang Liang Bua (đảo Flores, Indonesia) đã cung cấp các bằng chứng về sự tồn tại của loài người này. Một công trình công bố hồi tháng 8-2018 đã cố tìm kiếm DNA của loài người Hobbit trong cơ thể một tộc người có chiều cao khiêm tốn ở bản địa nhưng rất tiếc không thấy.
Sọ người Hobbit - Ảnh: BBC
Hang động người Hobbit - Ảnh: BBC
Các bằng chứng thu thập được đưa đến một giả thuyết khá vững chắc: họ đã bị xóa sổ hoàn toàn do thảm họa núi lửa. Người Hobbit chỉ cao trung bình 1 m và có cội nguồn từ Homo habilis, một trong những loài người đầu tiên xuất hiện trên trái đất.
3. Người Homo Erictus thông minh nhưng lười lao động
Người Homo Erictus đã để lại những bằng chứng khảo cổ tuyệt vời ở khu định cư của họ tại Ả Rập Saudi, đó là những công cụ lao động và vũ khí tinh xảo. Họ cũng có một thể chất tốt. Thế nhưng, khuyết điểm của họ là khá lười biếng, rất ngại đi xa nhà.
Sau gần 2 triệu năm bình yên, trái đất đã không cho họ nguồn tài nguyên sống dễ dàng như trước. Khoảng 50.000 -100.000 năm trước, một đợt hạn hán dài đã khiến các con sông Ả Rập khô cạn.
Người Homo Erictus - Ảnh: Viện Smithsonian
Các loài người khác như Neanderthal hay Homo Sapiens chúng ta đã cố gắng đi xa hơn, trèo lên núi đồi… để tìm kiếm thức ăn và các vật liệu để làm công cụ lao động phù hợp, vì thế vượt qua biến cố.
Thế nhưng, người Homo Erictus có lẽ quá lười biếng hoặc quá tự tin hoặc quá bảo thủ. Bằng chứng khảo cổ cho thấy họ thà cố nhặt nhạnh những hòn đá hiếm hoi quanh khu định cư để làm những công cụ cuối cùng còn hơn phải đi xa và quyết không cải tiến các công cụ cho phù hợp tình hình hiện tại. Điều đó dẫn đến việc họ không thể kiếm sống hiệu quả như những loài người khác và lụi tàn.
Theo Anh Thư/Người lao động