Masamune còn được gọi là Goro Nyudo Masamune (thầy tu Goro Masamune) là một trong những thợ rèn kiếm giỏi nhất lịch sử Nhật Bản. Mặc dù không có nhiều tư liệu lịch sử về cuộc đời của Masamune nhưng người ta tin rằng ông sống trong những năm cuối thế kỷ 13, đầu thế kỷ 14 tại tỉnh Sagami. Tại Nhật Bản, giải thưởng mang tên Masamune luôn được dành cho những thợ rèn kiếm xuất sắc nhất.
Những thanh kiếm của Masamune luôn đẹp và cực kỳ sắc bén, mặc dù khi đó thép rèn kiếm có chất lượng rất tồi. Ông được xem là người đã đem lại sự hoàn hảo cho nghệ thuật rèn kiếm.
Mỗi thanh gươm của Masamune làm ra luôn được đặt tên riêng và là một tác phẩm nghệ thuật. Biểu tượng của gia tộc Tokugawa, thanh gươm Honjo Masamune, là một trong những thanh gươm nổi tiếng nhất của Masamune.
Thanh kiếm Honjo Masamune đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử Nhật Bản vì nó tượng trưng cho chế độ Mạc phủ (Tướng quân Shōgun) trong thời kỳ Edo của Nhật Bản. Nó được các Shōgun truyền cho nhau từ thế hệ này qua thế hệ khác. Năm 1939, thanh kiếm được công nhận là một báu vật quốc gia của Nhật Bản. Các tài liệu lịch sử cho rằng, báu vật này được đặt tên Honjo Masamune để vinh danh Honjo Shigenaga, một tướng quân samurai từng tham gia nhiều trận chiến giữa 2 lãnh chúa hùng mạnh Uesugi Kenshin và Takeda Shingen. Các cuộc đụng độ này còn có tên Trận chiến Kawanakajima (diễn ra từ năm 1553 đến 1564).
Trong khi phục vụ cho lãnh chúa Uesugi, Shigenaga lãnh đạo cuộc vây hãm lâu đài Dewa Shonai, nơi do Daihoji Yoshioki bảo vệ. Mặc dù Shigenaga chiếm thành công lâu đài, ông sau đó suýt chết trong vụ ám sát do Tozenji Umanosuke, một chiến binh của Daihoji, thực hiện. Không rõ bằng cách nào có được Honjo Masamune, Umanosuke dùng nó để giết Shigenaga.
Tuy nhiên, việc ám sát bất thành và tên thích khách bị giết chết. Shigenaga sau đó tuyên bố sở hữu thanh kiếm Honjo Masamune và luôn mang nó bên mình trong nhiều trận chiến sau này. Tuy nhiên, vào thời điểm khó khăn về tiền bạc, Shigenaga lại bán kiếm báu cho người cháu với giá 13 đồng vàng, mặc dù thời điểm đó nó giá hàng ngàn đồng tiền vàng. Honjo Masamune sau đó là vật sở hữu của nhiều nhân vật nổi tiếng khác trong thế kỷ 16, trước khi trở thành thần khí của Mạc phủ Tokugawa. Không may, sự tàn phá của Thế chiến II đã làm tàn lụi sức mạnh của nhiều gia tộc Nhật Bản, trong đó có gia tộc Tokugawa nổi tiếng. Sau khi Nhật Bản đầu hàng Đồng minh năm 1945, tướng MacArthur đảm nhiệm công việc giải trừ quân bị ở đây.
Ông giám sát việc phá hủy tất cả vũ khí của Nhật Bản, trong đó có cả các thanh kiếm. Trong số hàng triệu thanh kiếm bị tiêu hủy, rất nhiều thanh gươm giá trị thấp nhưng một số là báu vật gia truyền như thanh Honjo Masamune. Một số nguồn tin cho rằng, người cuối cùng giữ thanh kiếm Honjo Masamune là Tokugawa Iemasa. Tháng 12/1945, Iemasa giao nộp Honjo Masamune và 14 thanh kiếm khác cho một đồn cảnh sát ở Mejiro, Nhật Bản. Đến tháng 1/1946, cảnh sát Mejiro giao lại các thanh kiếm cho Trung sĩ Coldy Bimore (Trung đoàn Kỵ binh 7 của Mỹ). Kể từ đó, Honjo Masamune bị thất lạc.
Thanh Honjo Masamune có thể đã bị nấu chảy, nhưng một số chuyên gia cho rằng Bimore mang nó về nhà để làm vật kỷ niệm như cách nhiều binh sĩ Mỹ thực hiện. Trong nhiều năm qua, người ta phát hiện một số thanh kiếm quý bị rao bán trong thị trường chợ đen, nhưng danh tính của Honjo Masamune vẫn mù mịt. Các chuyên gia đánh giá, thanh kiếm này hiện có giá hàng triệu USD và là giấc mơ của nhiều nhà sưu tập đồ cổ.
Theo Dân Việt