Ngày 18.9.1961, chiếc máy bay 4 động cơ cánh quạt DC6 của Hãng Hàng không Thụy Điển Transair đưa Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) là ông Dag Hammarskjoeld cùng 16 thành viên trên đường từ Kinhasa, thủ đô nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Congo đến Ndola, Rhodesia (nay là Cộng hòa Zambia) đã bị rơi khi chỉ còn cách sân bay Ndola khoảng 15km.
Hầu hết những người trên máy bay chết ngay lập tức ngoại trừ một hạ sĩ quan Mỹ nhưng viên hạ sĩ quan này cũng tử vong sau khi được đưa đến bệnh viện.
55 năm trôi qua, mọi việc tưởng như chìm vào quên lãng nhưng mới đây, Tổng thư ký LHQ Ban Ki Moon đã gửi công văn đến một số quốc gia liên quan, đề nghị làm sáng tỏ về cái chết của ông Dag Hammarskjoeld vì theo ông Ban Ki Moon, đây là một vụ tai nạn bất bình thường…
|
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Dag Hammarskjold. |
Nạn nhân của âm mưu chính trị?
Chỉ một thời gian ngắn sau khi chiếc DC6 chở Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Dag Hammarskojld bị rơi, một ủy ban điều tra được LHQ thành lập nhằm làm rõ nguyên nhân gây ra tai nạn.
Kết quả cuối cùng được cho là lỗi của phi công, do tính toán sai khoảng cách nên đã hạ thấp độ cao quá sớm rồi khi nhận ra đường băng vẫn còn xa thì máy bay đã mất tốc độ, không thể ngóc lên được nữa. Ngay cả viên hạ sĩ quan Mỹ chết ở bệnh viện cũng được giải thích là vết thương quá nặng, trang thiết bị của bệnh viện quá nghèo nàn.
Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, cái chết của ông Dag Hammarskojld cũng làm dấy lên nhiều nghi vấn, liên quan đến vụ giết hại Thủ tướng Congo là ông Patrick Lumumba. Những nghi vấn này cho rằng ông Dag Hammarskojld là nạn nhân của một âm mưu chính trị liên quan đến nhiều quốc gia, và những quốc gia này không muốn thế giới biết sự thật.
Ngược dòng thời gian, Congo khi ấy là thuộc địa của Bỉ. Năm 1960, Congo dành được độc lập rồi đổi tên là Cộng hòa dân chủ nhân dân Congo (RDC), do ông Joseph Kasa Vubu làm tổng thống, Patrick Lumumba là thủ tướng còn đại tá Joseph Désiré Mobutu (người mà sau này sẽ trở thành tổng thống Congo) là tổng tham mưu trưởng quân đội nhưng vùng Katanga dưới sự lãnh đạo của Moise Tschombé lại tuyên bố ly khai.
Bên cạnh đó, chính quyền trung ương cũng bị phân hóa thành hai nhóm, một nhóm ủng hộ thể chế liên bang của Tổng thống Joseph Kasa Vubu và một nhóm ủng hộ chế độ hợp nhất của Thủ tướng Lumumba.
Thế nhưng, chỉ 12 tuần sau ngày độc lập, chính phủ của Thủ tướng Patrick Lumumba bị lật đổ. Trước đó, để đối phó với quân ly khai, Thủ tướng Lumumba đã đề nghị LHQ gửi lực lượng gìn giữ hòa bình đến Congo nhưng ông nhanh chóng nhận ra rằng lực lượng này dưới sự chi phối của Mỹ và Bỉ, đã không làm gì nhằm giúp giữ gìn an ninh trật tự.
Thất vọng, Thủ tướng Lumumba quay sang cầu cứu Liên Xô. Chỉ trong 6 tuần, hàng nghìn cố vấn quân sự Liên Xô cùng một khối lượng lớn vũ khí đổ vào Congo. Lo sợ những mỏ uranium ở quốc gia này lọt vào tay Liên Xô, Chính phủ Mỹ và Bỉ khuyến khích Tổng thống Kasa-Vubu loại bỏ Thủ tướng Lumumba bằng cách tuyên bố giải tán chính phủ.
Bị gạt khỏi chức vụ thủ tướng, Lumumba cùng những người trung thành với ông chạy đến thành phố Stanleyville rồi thành lập nội các mới. Một lần nữa, Liên Xô lại cung cấp cho Lumumba vũ khí nhưng do quân số ít, thiếu sự huấn luyện và tiếp tế hậu cần nên tháng 11.1960, sau những trận đánh khốc liệt, Lumumba bị lực lượng ly khai do Moise Tshombe bắt giữ và bị giải về Katanga.
Tại đây, ông bị tra tấn rồi bị giết vào ngày 17.1.1961. Người ra lệnh giết Lumumba là Joseph Désiré Mobutu được thăng lên thiếu tướng. Cái chết của Lumumba chính thức được công bố trên đài phát thanh Katangan, nội dung cho rằng Lumumba đã cố tình bỏ trốn nên đã bị giết bởi sự giận dữ của những người dân!
Mặc dù cùng liên quan trực tiếp đến vụ giết hại Thủ tướng Lumumba nhưng Moise Tshombe, thủ lĩnh quân ly khai và Joseph Désiré Mobutu, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Congo lại chống nhau kịch liệt. Giữa hai phe liên tục nổ ra những cuộc giao tranh đẫm máu để giành quyền kiểm soát vùng Katanga, nơi có các mỏ uranium, dẫn đến nguy cơ Congo bị chia cắt.
Trước tình hình này, Hội đồng bảo an LHQ đã thông qua một nghị quyết, cho phép một lực lượng quốc tế - chủ yếu là quân đội Thụy Điển - đến Congo để bắt giữ Moise Tshombe và những phần tử ly khai. Từ tháng 6 đến tháng 9.1961, các trận đánh liên tục nổ ra giữa quân Moise Tshombe với lực lượng LHQ và quân của Mobutu, dẫn đến sự thiệt mạng của hàng trăm binh lính các bên và hàng nghìn dân thường.
Đến giữa tháng 9.1961, qua nhiều trung gian, thủ lĩnh lực lượng ly khai Moise Tshombe đồng ý gặp Tổng Thư ký LHQ Dag Hammarskjold tại thủ đô Ndola, Rhodesia (nay là Cộng hòa Zambia) để tiến hành đàm phán ngừng bắn.
Việc đàm phán ngừng bắn dẫn đến một nước Congo thống nhất đã khiến nhiều quốc gia có lợi ích ở Congo không hài lòng. Mỹ và Bỉ chẳng hạn, với chiến lược “ngư ông đắc lợi”, họ sử dụng Tshombe để đối phó Lumumba vì sợ Lumumba dựa vào Liên Xô, sợ Congo trở thành một ngọn hải đăng trong phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc ở châu Phi. Khi đã loại bỏ được Lumumba, Mỹ và Bỉ dùng Mobutu để khống chế Tshombe.
Với Liên Xô, một Congo theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa sẽ châm ngòi cho những cuộc cách mạng khác ở “lục địa đen”, chưa kể nguồn uranium dồi dào của quốc gia này sẽ giúp Liên Xô trở thành cường quốc nguyên tử. Bên cạnh đó, nước Anh cũng có nhiều quyền lợi không dễ dàng từ bỏ ở châu Phi.
Vì thế, Tổng Thư ký LHQ Dag Hammarskjold phải chết. 15km trước khi hạ cánh xuống đường băng sân bay Ndola, chiếc DC6 nổ tung. Tất cả những người trên máy bay đều thiệt mạng.
|
Hiện trường nơi chiếc DC6 bị rơi. |
Các nhân chứng nói gì?
Một thời gian ngắn sau khi chiếc DC6 gặp nạn, dẫn đến cái chết của Tổng Thư ký LHQ Dag Hammarskjold, một ủy ban điều tra trực thuộc LHQ đã được thành lập nhưng kết luận được cho là “lỗi của phi công”. Tuy nhiên, trong suốt cuộc điều tra, chẳng ai chú ý đến những lời khai của các nhân chứng tận mắt nhìn thấy vụ việc.
Dickson Mbewe, nay đã 84 tuổi, lúc ấy đang ngồi uống cà phê ngoài sân cùng với một nhóm bạn ở làng Chifubu, phía tây Ndola kể với tờ báo Anh Guardian: “Chúng tôi nhìn thấy một chiếc máy bay bay qua Chifubu nhưng ban đầu chẳng ai để ý đến nó vì những chiếc máy bay khác lúc hạ cánh đều bay ngang Chifubu như vậy. Đến khi nó vòng lại thì đột nhiên chúng tôi thấy chiếc máy bay khác bay cao hơn, tốc độ cũng nhanh hơn, phóng một tia lửa vào chiếc máy bay này rồi tiếp theo là một tiếng nổ lớn. Rất nhanh chóng, chiếc vừa phóng ra tia lửa quay ngoắt đầu lại và biến mất”.
Ngay lập tức, Mbewe cùng nhóm bạn chạy đến nơi khối cầu lửa rơi xuống. Ông cho biết phải mấy tiếng sau mới thấy cảnh sát xuất hiện, ra lệnh giải tán đám đông hiếu kỳ. Theo báo cáo chính thức của Ủy ban điều tra LHQ, xác chiếc DC6 chỉ được phát hiện vào lúc 3 giờ chiều trong lúc những gì Mbewe chứng kiến là gần mờ sáng. Mbewe kể tiếp: “Có một nhóm lính da trắng khiêng một người ra khỏi đống đổ nát. Tôi nghe nói là người này vẫn còn sống và cần được đưa đến bệnh viện”.
Người còn sống chính là là Harold Julian, trung sĩ quân đội Mỹ, làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh cho ông Dag Hammarskjold. Báo cáo chính thức cho biết Harold chết vì vết thương quá nặng nhưng bác sĩ Mark Lowenthal, người đã trực tiếp điều trị cho Harold nói viên trung sĩ lẽ ra sẽ sống nếu được chuyển viện kịp thời: “Lần đầu tiên tôi tự hỏi tại sao nhà chức trách Mỹ lại thờ ơ trong việc cứu chữa công dân mình? Gửi một máy bay đến để đưa Harold vào bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị không phải là việc quá khó với không quân Mỹ”.
Harold Julian nằm ở Bệnh viện Ndola trong 5 ngày. Trước khi chết, ông nói với cảnh sát rằng qua khung cửa sổ, ông đã nhìn thấy một tia lửa đi thẳng vào chiếc máy bay chở Tổng thư ký LHQ Dag Hammarskjold.
Một nhân chứng khác, Custon Chipoya - chủ hãng sản xuất than củi, nay đã 75 tuổi cũng khẳng định nhìn thấy một chiếc máy bay khác trên bầu trời hôm đó.
“Tôi thấy chiếc máy bay thứ hai lượn quanh một vòng. Hai bên cánh nó sáng đèn và tôi có thể nghe thấy âm thanh ầm ầm của động cơ. Nó không bay cao lắm, chỉ ở trên chiếc kia một khoảng ngắn rồi vòng lại lần thứ hai. Sau đó, tôi thấy một ánh sáng lóe lên như anh đèn flash của máy chụp hình trước khi chiếc kia cháy bùng như ngọn đuốc và đâm đầu xuống đất, gần chỗ tôi đứng. Sợ quá, tôi cắm đầu bỏ chạy”.
|
Thi thể của Tổng Thư ký LHQ Dag Hammarskjold lúc được đưa ra khỏi xác chiếc DC6. |
Safeli Mulenga, 83 tuổi, cũng ở Chifubu vào lúc xảy ra tai nạn. Ông cho biết không nhìn thấy chiếc máy bay thứ hai nhưng đã chứng kiến một vụ nổ: “Lửa đã bốc ra từ một chỗ nào đó trên thân máy bay rồi nó nổ tung”.
Sau khi chiếc DC6 gặp nạn, công chúng không hề nghe bất kỳ một thông báo nào từ phía Chính phủ Congo. Các báo cáo chính thức khẳng định tháp kiểm soát không lưu sân bay Ndola không có thiết bị ghi âm những cuộc liên lạc giữa phi công và nhân viên không lưu mặc dù thiết bị này mới được lắp đặt. 33 tiếng sau vụ tai nạn, báo cáo của sân bay Ndola về vụ rơi máy bay mới được nộp cho cảnh sát.
Hai trong số các trợ lý hàng đầu của Tổng Thư ký LHQ Dag Hammarskjold là ông Conor Cruise O'Brien và George Ivan Smith đều cho rằng ông Dag Hammarskjold đã bị bắn hạ bởi nhóm lính đánh thuê làm việc cho các tập đoàn công nghiệp châu Âu ở Katanga. Họ cũng tin rằng người Anh đã giúp che giấu những bí mật về vụ việc này.
Theo Conor Cruise O'Brien, về mặt chính thức, nước Anh ủng hộ sứ mệnh của LHQ nhưng Tổng thư ký LHQ Dag Hammarskjold cùng các trợ lý của ông tin rằng một số quan chức Anh đã cản trở đàm phán hòa bình vì lợi ích từ việc khai thác uranium và đồng tình ủng hộ nhóm thực dân da trắng ở Katanga.
Ông Conor Cruise O'Brien nói: “Sáng ngày 13.9.1961, phát biểu của lãnh đạo ly khai Moise Tshombe cho thấy ông ta đã sẵn sàng ngừng bắn, nhưng sau cuộc họp kéo dài 1 tiếng với Denzil Dunnett, Lãnh sự Vương quốc Anh tại Katanga, Moise Tshombe đã thay đổi ý kiến. Không một ai biết gì về chuyện này kể cả Tổng thư ký LHQ Dag Hammarskjold. Vì vậy, ông Hammarskjold mới lên đường đi Ndola”.
Cuối tháng 9.2015, một lần nữa LHQ lại cho công bố kết quả điều tra về cái chết của ông Tổng thư ký Dag Hammarskjold, và tái khẳng định đây chỉ là một tai nạn nhưng xem ra ông Ban Ki Moon vẫn chưa hài lòng nên ông yêu cầu các quốc gia liên quan công bố hoặc cho LHQ tiếp cận nguồn tài liệu mật của họ.
Theo nguyên tắc, giải Nobel hòa bình hằng năm chỉ trao cho người còn sống vào thời điểm xét chọn chứ không trao cho người đã chết. Tuy nhiên, cuối năm 1961, ông Dag Hammarskjold là người duy nhất cho đến nay được truy tặng giải Nobel hòa bình dù ông đã qua đời.
Theo V.C/An ninh thế giới