Mới đây, vụ việc 2 cây sưa trắng tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam bị mất trộm khiến không ít người bàng hoàng. Ông Võ Quang Trọng - Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cho PV biết, hai cây sưa bị cưa trộm là sưa trắng, có tuổi đời 13 năm và nằm trong khuôn viên của bảo tàng.
Trước đó, người dân thôn Phụ Chính (Chương Mỹ, Hà Nội) cũng luôn trong tình trạng thấp thỏm, lo lắng một ngày nào đó cây sưa trị giá trăm tỷ đồng tại chùa thôn Phụ Chính bị trộm mất. Chính vì thế, người dân thôn này phải dùng dây thép quấn xung quanh cây và cử người thường xuyên canh giữ.
|
Cây sưa trong Bảo tàng dân tộc học Việt Nam bị cưa trộm. |
Được biết, từ khi cây sưa này có người trả giá đến 100 tỷ đồng đã có nhiều tên trộm đến để cưa trộm cây nhưng không thành công.
Lí giải nguyên nhân vì sao cây sưa thường bị đánh cắp, mất tích một cách bí ẩn, không kể sưa trắng hay sưa đỏ, TS. Nguyễn Tiến Hiệp, Giám đốc trung tâm Bảo tồn thực vật Việt Nam cho rằng, có thông tin lan truyền người Trung Quốc xưa thường dùng làm chất ướp xác trong các lăng mộ.
“Loại gỗ này được cho là có giá trị về mặt tâm linh nên thường được sử dụng để làm đồ thờ cúng, phong thủy. Tuy nhiên thực hư những ý nghĩa này ra sao thì vẫn chưa có lời giải chính xác”, ông Hiệp nói.
|
Dùng dây thép quấn xung quanh cây và cử người thường xuyên canh giữ chống trộm. |
Theo Tiến sĩ Đoàn Văn Thu, Phó Giám đốc Viện Khoa học Lâm Nghiệp Việt Nam khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi trẻ cho biết, gỗ sưa đỏ được nhiều người truyền tai nhau là một loại hương liệu được người Trung Quốc từ xưa dùng để ướp xác giới quý tộc, đồng thời có thể làm khí cụ trừ tà đuổi ma và trấn yểm.
Nhiều người cho rằng, vì những lời đồn về giá trị sưa đỏ như vậy mà ngay cả sưa trắng cũng nằm trong diện bị đánh cắp khá nhiều thời gian qua.
Để làm rõ thông tin gỗ sưa có được dùng như một hương liệu phục vụ trong ướp xác và sự thật trong các ngôi cổ mộ đã được khai quật ở Việt Nam dùng gỗ sưa như là một hương liệu bảo quản xác chết hay không, PGS. TS, nhà nhân chủng học Nguyễn Lân Cường cho biết: “Ướp xác phải dùng loại cây có tinh dầu thơm, cây sưa không có đặc tính ấy. Nói là nghiền để ướp xác thì tôi không tin”.
Ông cũng cho rằng, gỗ dùng trong các ngôi mộ hợp chất có xác ướp đã được khai quật ở Việt Nam đã xác định là hoàng đàn rủ, có tên gọi cũ là ngọc am và tên La tinh là Cupressus funebris (Trung Quốc gọi là San mộc).
Bên cạnh đó, một số người khác cho rằng, gỗ sưa đỏ thuộc hàng đầu bảng trong các loại gỗ quý, vượt trội cả lim, gụ, táu và sến. Nó có độ bền chắc, mùi hương thơm lâu dù bị ngâm nước nhiều năm vẫn không hề bị thấm nước hay mục nát. Chính vì thế, một thời gian loại gỗ này tạo nên cơn sốt không chỉ ở Trung Quốc mà cả ở Việt Nam. Mọi người lùng sục, tìm mua với cái giá trên trời và xảy ra những vụ đánh cắp một cách bí ẩn.
Giáo sư Phùng Tửu Bôi - Giám đốc trung tâm Bảo tồn tự nhiên và Phát triển cộng đồng thuộc hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam chia sẻ với báo Giadinh.net: Xung quanh những tin đồn về giá trị cũng như mục đích thu mua loại gỗ này mang sang Trung Quốc, đã có một đoàn khảo sát của một viện khoa học chuyên ngành sang tận Trung Quốc tìm hiểu xem những người mua loại gỗ này để làm gì. Nhưng câu trả lời vẫn bí mật và chỉ được giải thích chung chung là phục vụ vấn đề tâm linh, làm đồ thờ cúng, đồ gia bảo.
Cũng theo lời giáo sư Bôi, đoàn công tác này về kể lại, tại Trung Quốc những cây sưa nhiều năm tuổi được quấn thép gai bảo vệ rất cẩn thận... Tuy nhiên, vấn đề này đã đặt ra cho các ngành khoa học cơ bản của ta việc nghiên cứu, phân tích và các ẩn số bên trong để tìm ra giá trị thực của nó, không riêng gì cây sưa mà cả những nguồn tài nguyên khác cũng vậy.
Giáo sư Phùng Tửu Bôi - Giám đốc trung tâm Bảo tồn tự nhiên và Phát triển cộng đồng thuộc hội Khoa học kỹ thuật lâm nghiệp Việt Nam, cho biết: Cây sưa có tên khoa học là Dalbergia tonkinesis, có nơi gọi là huê mộc vàng, trắc thối. Loài cây này phân bố rộng khắp trên cả nước, trong đó tập trung nhiều nhất là ở một tỉnh thuộc Tây Nguyên.
Sưa mọc ở vùng đất ẩm thường xanh (không rụng lá). Sưa cũng mọc hỗn giao với nhiều loài cây khác. Lõi sưa rất cứng, phải trên 10 năm tuổi mới bắt đầu cho lõi. Đây là cây sinh trưởng chậm, một năm chỉ có thể sinh trưởng dưới 0.5 cm đường kính.
Theo Phong Linh/Người Đưa Tin