Sự thật thủ lĩnh đội quân chim bồ câu lẫy lừng trong sử Việt

Google News

(Kiến Thức) - Lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nước ta từng xuất hiện nhiều đội quân kỳ lạ, góp phần vào chiến thắng chung cho cả dân tộc, tuy nhiên sử dụng chim bồ câu để đánh giặc thì chỉ có thể là danh tướng Nguyễn Chích nhà Hậu Lê.

Nguyễn Chích (1382 – 1448) là bậc khai quốc công thần triều đại Hậu Lê, theo “Đại Việt sử ký toàn thư”, ông quê tại xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa. Tài liệu khác cho rằng, ông sinh ra và lớn lên tại thôn Bái Dịch, xã Đồng Pho, trấn Thanh Hoá (nay thuộc xã Đông Hòa, Đông Sơn). Vùng đất Đồng Pho vốn có truyền thống thượng võ từ thời Bà Trưng, Bà Triệu. Hàng năm vào ngày 7 tháng Giêng thường xuyên tổ chức đấu võ, thi thố tài thao lược, bài binh bố trận…
Vị tướng tài năng
Từ nhỏ Nguyễn Chích rất ham học võ, yêu thích các môn đánh gậy, đấu kiếm, đánh trận giả, gia cảnh nghèo khó, cha mất, ông đã từ biệt mẹ già, lên đường khai phá vùng đất mới để kiếm kế sinh nhai tại núi Hoàng Nghiêu là vùng Hoàng Lạp (Văn tài võ lược xứ Thanh).
Tại đây, nhiều lần chứng kiến bọn quan quân đánh đập, áp bức dân lành, ông càng nung nấu sau này trở thành một người có ý chí, bản lĩnh, mạnh mẽ, kiên cường. Một mặt cùng anh em chung sức xây dựng sản nghiệp, mặt khác bí mật chiêu tập những người cùng chung chí hướng, ra sức ngày đêm luyện tập, chờ thời cơ diệt giặc. Nắm bắt vùng đất Bái Dịch vốn nhiều đồi núi, rừng rậm, lại nhiều đầm lầy… làm nơi tụ nghĩa, dấy binh.
 Đền thờ Nguyễn Chích, xóm 8, xã Đông Ninh, huyện Đông Sơn, Thanh Hóa.
Theo “Văn tài võ lược xứ Thanh” ( NXB Thanh Hóa 2017), thời bấy giờ tri phủ Thanh Hóa (nhà Minh đô hộ chia nước ta thành 15 phủ, Thanh Hóa là một phủ với 4 châu, 19 huyện) là Lương Nhữ Hốt (người xã Trác Vĩnh, huyện Cổ Đằng, nay thuộc xã Hoằng Phong, huyện Hoằng Hóa) nhiều lần chiêu dụ nguyễn Chích quy thuận, nhưng bất thành. Từ đó, y nhiều lần đem quân tìm đến Đồng Pho tìm diệt nghĩa quân, tuy vậy với tài năng của mình, Nguyễn Chích đã nhiều lần cho quân giặc nếm mùi thất bại.
Khí thế ngùn ngụt lên cao, Nguyễn Chích cho quân đào hào, đắp thành lũy, lấy sông Hoàng làm chiến hào tự nhiên, dựa vào núi non hiểm trở tạo thành căn cứ kháng chiến (căn cứ Hoàng – Nghiêu) bất khả xâm phạm…
Phẩm chất, tài năng của Nguyễn Chích đã nhanh chóng đến tai Lê Lợi (lúc đó đang ẩn mình, bí mật “chiêu hiền đãi sĩ” tại hương Lam Sơn. Cảm phục ông, Lê Lợi nhiều lần mang thư mời Nguyễn Chích gia nhập nghĩa quân Lam Sơn…
Đội quân “chim bồ câu” kỳ lạ trong sử Việt
Vốn am hiểu địa lý, lại tinh thông bài binh, bố trận, Nguyễn Chích còn có một thú vui khác - nuôi “ chim bồ câu”, ngày ngày chăm sóc đàn chim, ông phát hiện ở chúng có một ưu điểm là tìm phương hướng rất chuẩn xác. Sau thời gian dài luyện tập, đàn chim bồ câu của ông có thể bay xa hàng trăm dặm nhưng vẫn tìm được đường về nhà. Bất ngờ thay, chính đàn chim nhỏ bé, đáng mến tưởng chừng vô hại đó lại giúp ông lập nhiều chiến công hiển hách vang danh sử sách.
Theo sử sách chép lại, đại bản doanh của khởi nghĩa Lam Sơn trong một lần bị quân Minh đánh úp, tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”, lúc này Nguyễn Chích đã thả đàn chim bồ câu vốn được huấn luyện rất bài bản, chuyên nghiệp bay đến trạm đóng quân gần nhất của nghĩa quân báo tin tiếp viện. Không ngờ một đoàn quân lớn từ phía sau với khí thế ngút trời tấn công giặc Minh trở lại. Thế trận đổi chiều, quân ta đại thắng, quân giặc một phen “kinh hồn bạt vía”, tìm đường tháo chạy.
Phủ Bà – đền thờ Nguyễn Chích, được suy tôn Thành hoàng làng tại Khu phố Thống Nhất 1, phường Trường Thi, TP. Thanh Hóa. 
Có giai thoại kể rằng, lúc bấy giờ Nguyễn Chích đang tập hợp binh sĩ, tuyển chọn nhân tài tại căn cứ Hoàng – Nghiêu, một hôm có một chàng trai mặt mũi khôi ngô, da dẻ hồng hào, dáng vẻ thư sinh đến cầu kiến xin ra nhập nghĩa quân. Không tin tài năng của chàng trai, Nguyễn Chích tiến hành tổ chức thi đấu võ, trước ba quân, tráng sĩ kia đã nhiều lần hạ gục các binh sĩ…
Nghi ngờ người đó là “ gái giả trai”, ông tiếp tục tổ chức thi đấu vật, biết thân phận sắp bại lộ, người đó đến gặp Nguyễn Chích, thú nhận mình là nữ. Vì mến tài năng của ông, cộng thêm lòng căm thù giặc sâu sắc đã tìm đến đầu quân.
Cây đa mấy trăm năm tuổi trong Phủ Bà, tương truyền trước kia tướng quân Nguyễn Chích cắm cờ tại đây để khởi nghĩa. 
Cảm phục tài năng của nhau, Nguyễn Chích đã lấy cô gái giả trai Nguyễn Thị Bành làm vợ. Điều đặc biệt, người vợ này của ông cũng có sở thích nuôi chim bồ câu, lại tinh tường kinh thư, kiếm pháp.
Sau khi ông mất (năm Kỷ Tỵ 1449), được an táng tại cồn Mã Trạch, xứ Mạc Xá (nay thuộc làng Vạn Lộc, xã Đông Ninh, Đông Sơn), nhà vua đau xót phong ông thêm chức Kiểm hiệu Tư không, Bình Chương sự, về sau cho dựng bia, lập miếu thờ.
Lê Trung