Những ngày qua, dư luận hết sức quan tâm đến việc tài xế taxi Vinasun vô cảm trước tai nạn giao thông bỏ mặc nạn nhân sau khi gây tai nạn. Vụ việc xảy ra vào 3h ngày 25/6. Vào khoảng thời gian trên, đôi nam nữ chạy xe máy trên đường Tân Hương, hướng Bình Long đi Độc Lập (quận Tân Phú, TP.HCM) thì va chạm với taxi chạy cùng chiều đang rẽ trái.
Vụ tai nạn khiến chị Nguyễn Thị Mỹ Tiên (24 tuổi, quê Bến Tre) tử vong còn anh Nguyễn Hoàng Long (16 tuổi, ngụ Hóc Môn) bị thương nặng, được người dân gần đó đưa đi cấp cứu.
Điều đáng chú ý là căn cứ vào những hình ảnh được camera ghi lại thì tài xế taxi Vinasun Đặng Tấn Phú (48 tuổi) sau khi gây tai nạn chỉ xuống xe xem xét nạn nhân trong 13 giây rồi lái xe bỏ đi. Hành động trên của tài xế Phú khiến dư luận phẫn nộ và lên án gay gắt.
|
Hiện trường vụ tài xế taxi Vinasun gây tai nạn rồi bỏ mặc nạn nhân gây phẫn nộ dư luận. Ảnh: Zing. |
Nhiều người cho rằng, dù chưa xác định nguyên nhân vụ tai nạn thuộc lỗi của bên nào nhưng khi nhìn thấy người bị thương do va chạm thì người tài xế nên gọi cấp cứu hoặc cảnh sát, không nên bỏ đi, không quan tâm đến sự sống chết của nạn nhân. Hành động nhanh chóng rời khỏi hiện trường như của tài xế Phú, bỏ mặc người gặp nạn bị đánh giá là điều khó thể chấp nhận được.
Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng hành động "thấy chết không cứu" của người tài xế rất đáng trách, thậm chí bị coi là vô cảm, không có tình người. Thậm chí, một số người còn mất niềm tin vào cuộc sống, thấy buồn vì trong xã hội hiện nay vẫn tồn tại những con người thờ ơ, vô cảm, thấy người gặp nạn nhưng lại quay lưng bỏ đi, để mặc họ nằm đó trong đau đớn, sợ hãi. Nếu như họ nhanh chóng gọi cấp cứu thì người gặp nạn có thể không phải đối mặt với nhiều nguy hiểm đến tính mạng do chấn thương từ vụ tai nạn.
Video: Tài xế gây tai nạn ở hầm Kim Liên có nồng độ cồn cao (nguồn: VTC9)
Từ đây, người ta đặt ra câu hỏi phải chăng luật pháp còn có những kẽ hở trong việc xử phạt lái xe gây ra tai nạn rồi bỏ chạy nên mới xảy ra vụ việc đau lòng như thế này?
Trên thực tế, luật pháp Việt Nam quy định tại Điểm b, khoản 1, Điều 38 Luật Giao thông đường bộ: khi gây ra tai nạn thì “Ở lại nơi xảy ra tai nạn cho đến khi người của cơ quan công an đến, trừ trường hợp người điều khiển phương tiện cũng bị thương phải đưa đi cấp cứu hoặc phải đưa người bị nạn đi cấp cứu hoặc vì lý do bị đe dọa đến tính mạng, nhưng phải đến trình báo ngay với cơ quan công an nơi gần nhất”.
Mức phạt đối với người lái xe trong trường hợp này là 4 – 6 triệu đồng theo quy định tại Khoản 6 Điều 5 Nghị định 171/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
Như vậy, nếu chiếu theo quy định trên, lái xe gây tai nạn có thể rời khỏi hiện trường để đảm bảo tính mạng. Lợi dụng kẽ hở này của pháp luật, một số lái xe bỏ mặc nạn nhân nằm trên đường mà không cứu giúp. Đây được xem là hành vi vô cảm, xuống cấp trong đạo đức. Vì vậy, nhiều người lên tiếng bày tỏ các nhà lập pháp cần sớm sửa luật để có thể xử lí nghiêm những tài xế gây tai nạn rồi bỏ trốn, bỏ mặc nạn nhân không cứu. Như thế, nạn nhân trong vụ tai nạn sẽ có cơ hội sống cao hơn.
Tâm Anh (TH)