Kết cấu của “Đạo đức kinh” rất đơn giản nhưng nội dung lại vô cùng sâu rộng, tư tưởng tinh thâm. “Đạo kinh” chủ yếu nói về cội nguồn của vạn vật trong vũ trụ, quy luật biến hóa của trời đất, âm dương và gốc rễ phát triển của vạn vật. “Đức kinh” chủ yếu đưa ra các luận chứng về trị quốc an bang, những trí tuệ, phương pháp đối nhân xử thế và cách tu tâm dưỡng tính, sống lành mạnh, trường thọ.
Cuốn sách này chủ yếu nói về mối quan hệ giữa đạo và đức, đạo là vật chất, đức là ý thức, đây chính là cốt lõi của “Đạo đức kinh”. Thông qua những giải thích của người đời sau, rất nhiều độc giả đã trở thành người theo chủ nghĩa duy vật giản dị, vì từ tư tưởng của Lão Tử có thể thấy, cơ thể của con người là vật chất, không có vật chất thì cũng không có ý thức. Đây chính là hữu trung sinh vô (từ có thành không có), không có ý thức, cơ thể cứng nhắc chẳng khác nào thi thể, đây chính là vô trung sinh hữu (từ không có mà thành có).
Cái gọi là “khổng đức chi dung, duy đạo thị tòng” (Những biểu hiện của đức lớn đều tùy theo đạo), tức là vật chất quyết định ý thức. Nếu dựa vào điều này để giải thích thì người hiện đại ngày nay ngày càng thiếu hiểu biết về đạo. Khi đối diện với đạo, những người có căn cơ nông cạn đều là những kẻ mù quáng. Để hiểu rõ hơn về “Đạo đức kinh”, cùng đọc những điểm chính trong tư tưởng của Lão Tử trong cuốn sách này:
Vô vi nhi trị
Lão Tử cho rằng, con người không được can thiệp quá nhiều vào tiến thành của vạn vật, cách tốt nhất là cứ để chúng phát triển thuận theo tự nhiên. Ví dụ một con sông rất lớn, nếu can thiệp quá nhiều thì sẽ vỡ đê, nếu để cho nó phát triển tự nhiên, không bị kiểm soát thì dòng sông sẽ tự quản lý tốt chính mình, cùng với việc không can thiệp gây nhiễu loạn những sinh linh khác, còn có thể tự quản lý, kiểm soát chính mình. Đây chính là vô vi nhi trị (không can thiệp chính là cách quản lý tốt nhất). Trí tuệ của Lão Tử nói cho chúng ta biết, thực ra đôi lúc bình tâm lại, không hoảng loạn, không làm càn chính là cách hành xử tốt nhất.
Thượng thiện nhược thủy
Lão Tử cho rằng, cách sống cao đẹp nhất là giống như nước vậy, nước khéo làm lợi cho vạn vật mà không tranh với vật nào. Những kẻ tranh giành, ganh đua, cố chấp xuôi ngược trong chốn danh lợi nếu như có thể hiểu được những điều này thì sẽ trở thành những người có trí tuệ, khiêm tốn, đứng đúng địa vị của mình. Nước không có hình hài cố định, nhưng nước lại có thể hóa thành mọi thứ. Người thiện lương cũng luôn khiêm nhường như nước vậy, nuôi dưỡng vạn vật mà không cần lời cảm tạ.
Tự tri chi minh
"Tri nhân giả dũng, nhi tự tri chi minh". Hiểu về người khác thì dễ, nhưng muốn hiểu rõ về bản thân mình thì lại không hề dễ dàng. Người có trí tuệ phong phú thực sự đều là người hiểu rõ về bản thân, biết tự lượng sức mình, họ biết cách bao dung, biết lúc nào nên tiến, lúc nào nên lùi. Chính bởi vì họ biết bản thân có những nhược điểm như thế nào nên khi làm việc sẽ cố gắng né những điểm đó ra. Điều hiếm có mà đáng quý của con người chính là có nhận thức về bản thân mình, đây chính là điều mà nhà triết học Sokrates của Hy Lạp muốn nhấn mạnh.
Đại khí vãn thành
Lão Tử cho rằng, người làm nên việc lớn đều không vội vã, dục tốc, hơn nữa sau này, thường vào lúc khó khăn gian khổ nhất mới có được thành tựu, gặt hái được thành công. Cái gọi là “đại khí vãn thành” tức là chúng ta cần kiên trì, không được dễ dàng từ bỏ, vì chỉ những ai kiên trì đến cuối cùng mới có thể nhìn thấy ánh hào quang của chiến thắng, mới có thể trở thành người đứng trên đỉnh cao của lĩnh vực mà họ đam mê. Ngược lại, những người nổi danh từ sớm hoặc những kẻ có được chút thành tích nho nhỏ mà đã tự mãn, chỉ có thể dừng lại ở lưng núi, không thể nào leo lên đỉnh cao được.
Họa phúc tương y
Việc gì cũng có hai mặt của nó, có vui thì sẽ có buồn, có lúc tốt đẹp thì cũng sẽ có tai họa. Chúng ta không thể chỉ nhìn vào một mặt của sự việc được, chỉ nhìn vào những điều khiến bạn vui vẻ mà quên đi hoặc lờ đi những gì khiến bạn đau lòng là không thể được. Điều quan trọng hơn cả, chính là khi chúng ta làm việc thuận lợi, không được chỉ nghĩ nó suôn sẻ, khi gặp khó khăn cũng không được chỉ nhìn thấy trắc trở. Cách đối phó tốt nhất chính là khi gặp tai họa không được nhụt chí, khi có phúc lộc cũng không được kiêu ngạo. Cho dù vào bất kỳ lúc nào cũng đều cần phải duy trì ý thức cân bằng mọi thứ, không được cực đoan.
Thích khả nhi chỉ
Lão Tử nói: "Trì nhi doanh chi, bất như kỳ dĩ". Nếu một chiếc bình đổ đầy nước thì sẽ tràn ra ngoài, nếu để nó tràn ra ngoài như vậy thì thà hãy để trống hoặc đổ ít hơn một chút. Câu thành ngữ này nói cho chúng ta rằng, làm chuyện gì cũng đừng làm quá đà, cần phải để cho bản thân và người khác một khoảng dự phòng. Giống như trong công việc, không nên làm quá mệt mỏi, cần phải biết dừng lại đúng lúc, phải biết cách kết hợp làm và nghỉ. Chỉ khi ba thứ công việc, gia đình và sự nghiệp được cân bằng thì cuộc đời mới có thể có được thú vị và ý nghĩa thực sự.
Theo Vũ Phong/Công lý & xã hội